Tình hình lũ lụt, đập Tam Hiệp: Báo động đỏ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới chức đang dự báo sẽ có đợt mưa mới trên toàn khu vực miền Bắc Trung Quốc bắt đầu từ ngày 14/7 khiến tình hình lũ lụt thêm nguy cấp.
Tình hình lũ lụt, đập Tam Hiệp: Báo động đỏ
Sông Trường Giang đoạn ở Nam Kinh, phía Đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Mực nước tại đây đạt 10,1 m vào 16h30 ngày 14/7, vượt mức báo động 1,4 m. Ảnh: News China

Xem Video: Trung Quốc: Nhiều đập thủy điện phải xả lũ 

//

Nhân dân nhật báo ngày 14/7 đưa tin, giới chức Trung Quốc cảnh báo khả năng mưa lũ sẽ kéo tới các khu vực phía bắc sau khi gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền nam.
 
Cơ quan chống lũ của tỉnh Giang Tây cho biết có tới 2.439 km trong tổng số 2.545 km bờ kè sông và hồ của tỉnh là đang có mực nước trên mức báo động. Huyện Bà Dương, gần hồ Bà Dương, có ít nhất 14 đoạn đê bị vỡ, theo Tân Hoa xã.

Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân cho hay, lũ lớn có thể xảy ra ở các lưu vực sông Tùng Hoa, Hải Hà, Liêu Hà, Hoài Hà và khu vực trung lưu sông Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc.

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 109 con sông vượt quá mức an toàn, và 33 con sông ghi nhận mực nước cao nhất trong lịch sử. Điều này có nghĩa là nước sông có thể tràn bờ. Trong tình huống như vậy, chính quyền sẽ phải kích hoạt mức ứng phó cao nhất và các nhân sự phải túc trực suốt ngày đêm; đê sẽ được gia cố và tôn cao, và người dân được đưa đi sơ tán, theo Bộ Thủy lợi.

Bộ cho biết tình hình lũ lụt dọc theo nhánh chính của Dương Tử, trong đó có các thành phố lớn như Vũ Hán, là ổn định.

Một ảnh chụp từ trên cao cho thấy tình trạng ngập lụt ở huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây. Ảnh: News China

Nhưng tình hình ở Giang Tây phía đông Trung Quốc đang diễn biến nghiêm trọng nhất. Các trạm quan trắc tại hồ Bà Dương, vùng nước chính ở Giang Tây và là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đều đo được chỉ số vượt quá mức cảnh báo và ít nhất bốn trạm quan trắc đã vượt quá mức lũ kỷ lục năm 1998.

Diện tích lưu vực hồ Bà Dương đã đạt mức 4.206 km2, lớn nhất trong suốt 1 thập kỉ và lớn hơn 20% so với trung bình mùa mưa lũ hàng năm.

Giới chức tỉnh Giang Tây - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất - đã ban bố các biện pháp chống lũ "thời chiến" sau khi nước hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất nước, dâng lên mức cao kỷ lục 22,53 m. Hơn 400.000 người tại tỉnh Giang Tây đã được sơ tán để tránh lũ.

Nhiều tuần mưa xối xả đã làm vỡ nhiều đê kè của các con sông và hồ ở Giang Tây, dẫn đến lũ lụt ở quy mô chưa từng thấy trước đây ở tỉnh này.

Đập Tam Hiệp gồng mình đón lũ giảm áp lực xả cho hạ lưu.

Ở tỉnh Hồ Bắc, đập Tam Hiệp, hệ thống kiểm soát nước lớn nhất dọc theo sông Dương Tử (sông Trường Giang), đã được sử dụng để giảm bớt áp lực ở giữa và hạ lưu.

Lưu lượng nước xả ra đã giảm gần một nửa xuống còn 19.000 mét khối mỗi giây kể từ ngày 7/7, giữ lại phần lớn nước lũ trong hồ chứa Tam Hiệp, theo Ủy ban Thủy lợi Trường Giang.

Chen Tao, chuyên gia dự báo thời tiết cao cấp tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia, cho biết, so với trước đây, lượng mưa năm nay dữ dội hơn và liên tục đổ xuống cùng một khu vực, gây áp lực đáng kể trong việc kiểm soát lũ lụt.

Trung Quốc cẩn trọng với công tác chống lũ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/7 hối thúc chính quyền địa phương triển khai các biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn để chống lũ. Động thái này nêu bật mức độ nghiêm trọng của tình hình mưa lũ tại Trung Quốc lúc này.

Hàng ngàn binh sĩ đã được triển khai đến sông Dương Tử để đắp đê và đào kênh thoát nước. Chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch sơ tán người dân ra khỏi những khu vực dễ bị lũ tấn công.

Lực lượng khẩn cấp của Trung Quốc ngày đêm túc trực bảo vệ các tuyến đê có nguy cơ sạt lở, vỡ đê do nhiều ngày mưa lớn.

Theo trang Bloomberg, giới chức Trung Quốc đang chịu sức ép để bảo đảm lũ lụt không hủy hoại tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ưu tiên của Trung Quốc lúc này là theo dõi sát sao những con đập ở hạ nguồn sông Dương Tử và hồ Thái Hồ, cũng như những khu vực nguy hiểm. Theo hãng tin AP, khu vực sông Dương Tử tính đến thời điểm hiện tại đã hứng chịu lượng mưa cao thứ hai kể từ năm 1961.

Trung Quốc đã tăng cường công tác thủy văn trong những năm gần đây, ví như việc theo dõi số liệu về dòng chảy đồng thời đánh giá lượng nước trên sông. Những nỗ lực này đã giúp Trung Quốc ứng phó tốt hơn với thảm họa và giảm đi thiệt hại.

Trung Quốc đồng thời chi ra nhiều tiền để khôi phục hàng trăm kilomet khu vực bãi sông cũng như trồng thêm nhiều cây, cũng như hạn chế đáng kể hoạt động canh tác gây hại tại nhiều khu vực vùng núi.

Năm 2015, Trung Quốc đưa ra sáng kiến điều chỉnh dòng chảy và khu vực chịu lũ, theo đó cả cả khu vực đô thị cũng có thể tiếp nhận và điều chỉnh được nước lũ.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia tại Tổ chức Hòa Bình Xanh khu vực châu Á, ông Liu Junyan, dù rằng chính phủ Trung Quốc đã coi biến đổi khí hậu như một mối lo ngại lớn, đồng thời đã tính đến các biện pháp ứng phó, việc áp dụng các biện pháp trên trong thực tế như thế nào vẫn là thách thức.

Trung Quốc cho biết đã dành tổng cộng 85,7 triệu USD để khắc phục thiên tai trong 5 khu vực bị ngập lụt, theo Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp và Bộ Tài chính nước này, đó là các tỉnh Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và khu vực Trùng Khánh.

Khoản 85,7 triệu USD này là gói riêng theo sau khoản 87,6 triệu USD đã được phân bổ vào tuần trước cho 6 khu vực.

Trên cả nước, tính đến nay, 141 người đã thiệt mạng hoặc được báo mất tích do lũ lụt, gần 38 triệu người bị ảnh hưởng, theo CGTN. 28.000 nhà bị đổ sập. Hơn 2,2 triệu người ở 27 tỉnh thành phải sơ tán do lũ lụt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật