Từ Xayabury nhìn về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A , theo tôi, cần phải có hội đồng khoa học cấp nhà nước gồm các chuyên gia đầu ngành, có uy tín, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư để xem xét những mặt được và chưa được một cách định lượng, khoa học, tránh phản biện theo kiểu phong trào“- TS Tô Văn Trường
Từ Xayabury nhìn về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh Tuổi trẻ TP.HCM

LTS: Trên công luận, trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân  lo ngại về việc Lào có kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayabury trên dòng chính sông Mekong tác động lớn đến đồng bằng sông Cửu Long. Ở Việt Nam, ngày 7/8/2011 hội thảo tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai được tổ chức tại vườn quốc gia Cát Tiên, vấn đề thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được nhiều đại biểu  quan tâm “mổ xẻ”.


Phóng viên Bee.net.vn phỏng vấn tiến sĩ Tô Văn Trường( chuyên gia tài nguyên nước và môi trường), thành viên Ban chủ nhiệm chương trình KC08/06-10 liên quan đến khai thác tài nguyên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường của Bộ Khoa học Công nghệ xung quanh vấn đề nói trên.


Thưa ông, là chuyên gia đã có nhiều năm làm việc ở Ban thư ký Mekong (Bangkok), ông có thể cho biết vì sao công luận kể cả ở nước ngoài  đều rất  quan tâm đến việc xây dựng thủy điện Xayabury ở Lào và thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở Việt Nam?

Khi xây dựng đập thủy điện có nghĩa là tác động vào thiên nhiên là bài toán đánh đổi “được và mất” cả về kinh tế xã hội và môi trường. Theo tôi biết ở Thái Lan, nhiều người dân cũng kịch liệt phản đối việc con người tác động bằng biện pháp công trình lên sông Mekong kể cả dòng chính và sông nhánh. Họ lý luận rất đơn giản, theo tiếng Thái và tiếng Lào, Mê Nám có nghĩa là sông Mẹ, con sông Mekong nuôi sống hàng chục triệu người dân, nếu con người tác động vào nó giống như đứa con làm tổn thương đến mẹ, và triệt đường sống của dân. Họ còn thu thập chữ ký gửi phản đối lên Thủ tướng Thái Lan và phê phán cả việc Trung Quốc xây các đập lớn ở thượng nguồn sông Mekong.


Những người ủng hộ xây dựng đập thủy điện cho rằng dân số ngày càng tăng, nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, phải khai thác tiềm năng thủy điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội sao cho cái lợi lớn nhất và thiệt hại ít nhất. Việc dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng nhằm mục tiêu chủ yếu là góp phần vào việc giải quyết bài toán an ninh năng lượng của đất nước nên được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.

Theo ông, thủy điện Xayabury ở Lào và thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở Việt Nam có những điểm gì giống và khác nhau? 

Giống nhau cả 2 nước có tiềm năng về thủy điện cùng mục đích là khai thác để phục vụ cho bài toán phát triển kinh tế.  Nước Lào còn nghèo, trong khi tiềm năng thủy điện to lớn, các nước khác lại  “ve vãn” tìm cách giúp đỡ về nguồn vốn và kỹ thuật. Quy mô công trình và tác động của Xayabury lớn hơn Đồng Nai 6 và 6A,  ảnh hưởng đến các nước trong lưu vực đặc biệt là Campuchia và Việt Nam. Có ba vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất cho đập Xayaburi, đó là vấn đề dòng chảy về hạ du,  phù sa và đường di chuyển của thủy sản (fish ladder).

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chủ yếu tranh luận về tác động đến vườn quốc gia Cát Tiên.
Từ Xayabury nhìn về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A , ông có thể kết luận gì?

Tôi  chia sẻ và tán thành quan điểm  đề nghị trì hoãn xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) của Ủy hội sông Mekong. Tương kính, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp hợp lý, công bằng sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách bền vững vì quyền lợi chung của cả lưu vực là đòi hỏi tất yếu.

Đối với dự án thủy điện Đồng Nai  6 và 6A , theo tôi, cần phải có hội đồng khoa học cấp nhà nước  gồm các chuyên gia đầu ngành, có uy tín, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư để xem xét những mặt được và chưa được một cách định lượng, khoa học, tránh phản biện theo kiểu phong trào.

Thưa ông, liệu có “đầu ra” cho thủy điện 6 và 6A hay không?

Có thông tin, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa duyệt lại  quy hoạch của vườn Quốc gia Cát Tiên. Nếu đúng như vậy thì phải công khai, minh bạch bản đồ chi tiết của vườn quốc gia Cát Tiên vì liên quan đến Nghị quyết số 49/2010/QH12, nếu các  dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên thì phải xin ý kiến Quốc hội.

Cơ chế chính sách về quản lý  tài nguyên nước lưu vực sông hiện nay đang có sự chồng chéo nên nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 cần rà soát,  đánh giá,  điều chỉnh, bổ sung  chức năng nhiệm vụ của các ngành  sao cho có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả nhất vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông có thông tin và nhận xét về kết quả của hội thảo ngày 7/8 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên? 

Thông điệp chính xuyên suốt trong phần lớn các bài trình bày và thảo luận của hội thảo là tài nguyên nước và rừng đầu nguồn được nhìn nhân là tài sản chung của quốc gia và cần được quy hoạch, quản lý có hiệu quả vì sự phát triển bền vững.  Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam nói chung và lưu vực sông Đồng Nai nói riêng trong những năm qua đã và đang đặt  tài nguyên nước nói riêng và đa dạng sinh học của các vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. Đặc biệt, tác động cộng hưởng (tích lũy) của các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai là vô cùng nghiêm trọng, nhưng hiện chưa có nghiên cứu tổng hợp, đánh giá về những tác động này.

Các bài trình bày thể hiện sự quan ngại về các hậu quả do thủy điện gây ra, nhất là việc mất rừng và đa dạng sinh học , đặc biệt là các khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao như Cát Tiên. Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và quản lý lưu vực chưa bền vững. 

Cần có sự đánh giá đầy đủ tác động đến đa dạng sinh học trên quan điểm sinh thái. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 công trình thủy điện 6 và 6A cần đánh giá bổ sung thêm các phần: Ảnh hưởng ở mức độ lưu vực sông, tác động tổng hợp của các thủy điện cả vùng đầu nguồn và hạ nguồn.

Tính pháp lý  của dự án, ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của vườn quốc gia Cát Tiên, tác động đến nông nghiệp vùng hạ lưu đập, ảnh hưởng về môi trường xã hội với cộng đồng dân cư nhất là người bản địa (Châu Mạ), về kinh tế, văn hóa và sức khỏe.

Kết luận của hội thảo là kiến nghị: Cần tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án và xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể trước khi thực hiện 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A .
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật