Nghề “nói mãi cũng cạn vốn”

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
MC (người dẫn chương trình) đang là nghề “hot”, nhưng cũng đồng hành với nhiều tai nạn “dở khóc, dở cười”. Nếu như trước đây, các MC chỉ mong nói đúng, nói không bị hớ, thì ngày nay, nói lưu loát, nhưng vô hồn, vô nghĩa đang diễn ra khá phổ biến trong giới dẫn chương trình lại trở thành nỗi ám ảnh cho khán giả.
Nghề “nói mãi cũng cạn vốn”
Ngọc Diệp (trái), Thanh Bạch (phải)

Suốt 7 năm qua, Đài Truyền hình TPHCM và Cty Cát Tiên Sa tổ chức nhiều cuộc thi “Người dẫn chương trình”, mà cuối cùng các “Én vàng”, “Én bạc” cũng chẳng để lại dấu ấn nào đáng nhớ. Một số “én” sải cánh bay mất, còn lại chỉ một số người dẫn lưu loát; số khác mỗi lần dẫn lại mắc tiếp những lỗi sơ đẳng, không đáng có, mà dường như không hay biết...

Gần đây, nhiều đài khác tổ chức những cuộc thi MC tương tự, đến nỗi nhiều thí sinh chỉ mong... có cuộc thi để lên sóng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là càng nhiều cuộc thi, thì việc đào tạo người dẫn chương trình ngày càng “cấp tốc” và vẫn chẳng có trường lớp bài bản nào mở ra cả.

Thí sinh cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” phỏng vấn nhân vật nổi tiếng. Ảnh: C.T.S

Thế nên, cái nghề “nói mãi cũng cạn vốn” nảy sinh ra nhiều chuyện éo le. Không chỉ với những người mới vào nghề, mà ngay cả những MC cứng cựa nhất, giỏi nhất cũng gặp tai nạn nghề nghiệp, chỉ vì quá tự tin vào khả năng của chính mình. “Sự cố” Lại Văn Sâm từ MC chuyển sang “phiên dịch”, hay người đẹp Mỹ Uyên từng làm MC “ngon lành” bên Mỹ mà không biết "chữa cháy" đã khiến giới mạng một phen bàn tán và nghi ngờ về tính chuyên nghiệp của đài.

Ngược lại, nhiều ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ, thậm chí cả... nhân viên của công ty tổ chức sự kiện đã được đôn lên thành MC và nhiều người trong số họ đã ôm về cả một “rổ” cười của khán giả. Làm MC mà lên sóng rồi vẫn chưa đọc kỹ kịch bản, nói ngọng, nói nhịu, đọc sai tên nghệ sĩ, người lên nhận giải hay người phát biểu là chuyện bình thường. Dẫn chương trình nhạt, hay diễn quá lố, hay “vâng thưa quý vị”, hay “xin được cảm ơn” lặp tới lặp lui, cũng không phải chuyện hiếm. Pha trò vô duyên hoặc nói nhảm dông dài mà không ai hiểu mới đáng sợ.

Chính vì thế mà không ít MC tay ngang đã gặp sự cố. Các cuộc thi thường dồn nén hồi hộp ở phút công bố kết quả và kết cục là chính MC cũng lúng túng và hô sai tên người nhận. Mới nhất, trong cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ”, MC Đoan Trang đọc nhầm kết quả khiến người nghe
ngơ ngác.

Nhiều nghệ sĩ đang nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, bỗng dưng đi làm MC và thu về một hình ảnh khác hẳn. Như nghệ sĩ Tạ Minh Tâm,  từ một thầy giáo - ca sĩ nghiêm túc lại thành người không kiểm soát được lời nói của mình. Các ngôi sao ca sĩ thì bị gọi là thiếu duyên ăn nói, nhạt, hay “lẩm cẩm” nói lặp những câu vô nghĩa khiến người nghe mất dần thiện cảm.

Gần đây, các người mẫu, hoa hậu cũng rầm rộ theo mốt trở thành MC, không ngại liên tục lặp lại sự cố kho‌ּe ngự‌ּc. Ngại hơn nữa là trào lưu mời những nghệ sĩ Việt kiều dẫn nhiều chương trình với thứ tiếng Việt trọ trẹ khó hiểu, kiêm thêm phiên dịch với những câu tối nghĩa lại khiến người nghe phát hoảng. Điển hình có MC - diễn viên Kathy Uyên.

Một MC không chuyên - vốn là nhà thiết kế - nhìn nhận: “Có những chương trình MC không cần quá phong cách. Dạng như những chương trình thông báo ngắn gọn, MC chỉ làm đúng vai trò là được rồi. Nhưng với những chương trình lớn, MC không thể chỉ là người giỏi nói. Có những chương trình thi thố, âm nhạc lớn, MC Việt mình thua rất xa MC nước ngoài ở chỗ: Ta còn hời hợt, vô cảm, còn quá ước lệ, trong khi họ thì đầy chất riêng”.

Công bằng mà nói, cũng có nhiều MC biết làm chủ ngôn ngữ và khả năng ứng phó của mình. Nhưng, một ngành công nghiệp giải trí đúng nghĩa, từ truyền hình cho đến sân khấu ca nhạc, công nghệ tổ chức sự kiện... đều rất cần những lớp đào tạo MC cơ bản, chứ không thể trông chờ vào các cuộc thi "hớt váng" bề mặt, hay các trung tâm văn hóa với những khóa học cấp tốc do chính các MC “tay ngang” giảng dạy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật