Cú sốc Hoàng Quyên trượt Sao Mai Điểm hẹn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Một chất giọng alto hiếm có, pha nét trải nghiệm của Thanh Lam, chút trong sáng của Ngọc Khuê, tinh tế của Tùng Dương và ma mị của Hà Linh...”, đó là điều nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã thốt lên khi nghe Hoàng Quyên hát.
Cú sốc Hoàng Quyên trượt Sao Mai Điểm hẹn
Hoàng Quyên trên sân khấu Sao Mai 2011. Ảnh: Nam Du

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Thanh nhạc, trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với hai điểm 10 tuyệt đối, cô ca sĩ người Tày, quê Thái Nguyên, đã quyết định một lần nữa chinh phục giải Sao Mai 2011 và bất ngờ hứng chịu một gáo nước lạnh: Bị loại khỏi đêm chung kết phía Bắc! Nghe kết quả, Hoàng Quyên choáng váng và đã khóc ròng.

“Em làm theo “gu” của mình…”

* Lọt vào top 9 dòng nhạc nhẹ cuộc thi Sao Mai 2009, ngay sau đó đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát mùa thu 2010 khi ở độ tuổi 18, chưa kể rất nhiều huy chương vàng ca hát khác, đó là khởi đầu suôn sẻ đối với một ca sĩ sinh năm 1992. Vậy tại sao Hoàng Quyên vẫn quyết định thi Sao Mai năm nay mà lại không thi Vietnam Idol từ năm ngoái?

- Em tiếc đã không thi Vietnam Idol, nhưng khi đó cô giáo Hà Thủy phân cho em thi Tiếng hát mùa thu, Văn Mai Hương thi Vietnam Idol và Minh Chuyên thi Sao Mai điểm hẹn. Cô giao ba học trò phải đoạt giải nhất trong mỗi cuộc thi. Kết quả, em đã đoạt giải nhất. Em vừa tốt nghiệp nên sẽ yên tâm hơn khi thi Sao Mai, vì năm nay chỉ có cuộc thi này.

Em đi thi lần này cũng yên tâm hơn vì có một người bạn, người đồng nghiệp và cũng là người thầy đang giúp đỡ, tạo dựng một gu thẩm mỹ về âm nhạc cho em, đó là nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Em hoàn toàn tin tưởng vào anh ấy. Nếu em tiếp thu đúng cách thì sẽ tạo nên được một Hoàng Quyên giống như anh ấy đã nhìn thấy.

Đó là Hoàng Quyên như thế nào trong mắt Lê Minh Sơn?

- Anh ấy luôn nói với em: phải mạnh mẽ, phải quyết liệt, kể cả trong cuộc sống cũng như trong cách hát. Phải “lạnh” khi bộc lộ cảm xúc, không được tỏ ra sướt mướt, nhưng phải để người ta xúc động, cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn trước cái “lạnh” của mình và tìm ra sự ngọt ngào trong cái “lạnh” ấy. Điều ấy khó, hơi trừu tượng, nhưng em đang cố gắng bắt đầu từ chính cuộc sống hàng ngày của mình. Em muốn con người trên sân khấu thống nhất với con người của mình ngoài đời sống. Khi em hát cũng là hát những gì mà em nghĩ trong cuộc sống. Em luôn tin rằng khi một ca sĩ hát lên, người tinh ý, nghe nhạc nhiều sẽ thấy được tâm hồn, trái tim, cuộc sống của họ qua cách họ hát và ngược lại.

- Hát hai ca khúc là "Chợ quê" của Lê Minh Sơn và "Những lời buồn" của Đức Trí, bạn đã không thể đi tiếp vào đêm chung kết Sao Mai khu vực phía Bắc và theo ban giám khảo là vì lý do chọn bài. Bạn có nghĩa đây là cú “tuột dốc không phanh”? Lê Minh Sơn đã nói gì với bạn sau “tin buồn” này và bạn sẽ làm gì bây giờ?

- Đây thực sự là một cú sốc đối với em. Với những gì em đã làm được khi mới chập chững đi hát thì đây là sự tuột dốc, nhưng em thực sự thấy mình đã được trang bị thêm nhiều điều quý giá cho con đường ca hát lâu dài. Lần trượt này cũng là một bài học lớn với em. Anh Sơn không nói nhiều, nhưng có vẻ buồn, chỉ bảo em cố gắng, tỉnh táo nhận diện bản thân. Hiện tại em muốn quên đi điều này để bắt tay vào thực hiện ngay những kế hoạch của mình.

- Quyên có e ngại rằng điều Lê Minh Sơn chia sẻ, định hướng, muốn “nắn” em theo cũng là cái khuôn mà Lê Minh Sơn đã từng muốn gò nhiều ca sĩ khác như Thanh Lam, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Linh và bây giờ là Nguyễn Trần Trung Quân, thí sinh đã có mặt trong chung kết Sao Mai phía Bắc?

- Anh Sơn làm việc nhiều với ca số ca sĩ đó nhưng luôn tìm được điểm manh, điểm yếu của từng người. Em thấy bốn người đó chưa ai giống ai. Anh Sơn đã làm cho họ “không đụng hàng”. Tất nhiên những cái cơ bản thì giống nhau nhưng cá tính khác nhau hoàn toàn.

Trong album đầu tay hát nhạc Lê Minh Sơn, em không sợ hát giống các ca sĩ khác vì mỗi người có cách hát khác nhau, em đã lắng nghe, tìm hiểu từng người và em không theo ca sĩ nào cả. Sau này, nếu có khả năng đi xa, em sẽ giống anh Tùng Dương hay cô Thanh Lam ở chỗ phải hát tất cả, hát nhiều nhạc sĩ khác nhau. Với khả năng của mình, em làm được điều đó.

- Một cô gái ở tỉnh nhỏ bé, đen nhẻm, khi được nhạc sĩ Quang Vinh phát hiện, “bảo lãnh” lên Hà Nội học không lâu đã được hát chung với Trọng Tấn trong album của Lê Minh Sơn, được ưu ái giới thiệu trong các liveshow của các nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Đặng Hữu Phúc. Nhưng không ít người nói Hoàng Quyên mà theo Lê Minh Sơn sẽ rất khó để đi xa; vì chất giọng, phong cách hát của cô ấy không hoàn toàn phù hợp với dòng nhạc đồng quê, dân gian đương đại mà Lê Minh Sơn theo đuổi. Như Thanh Lam, đã không thể vượt qua chính mình, rồi rơi vào long luẩn quẩn khi đến với nhạc Lê Minh Sơn, bởi giọng hát của Thanh Lam vốn có độ sang, độ vang, phù hợp với một không gian âm nhạc khác. Còn Hà Linh đến nay vẫn im thin thít vì đến với Lê Minh Sơn hơi muộn, khi sáng tác của nhạc sĩ “Ôi quê tôi” không còn hay như trước. Em nghĩ sao, có thể sẽ rất uổng phí…?

- Có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng em thì thấy mình hợp, không phí. Em hát nhạc Lê Minh Sơn thấy rất “đã”, đến nỗi khi hát bài khác em cảm thấy mình phải gồng ra, không giống với bản thân mình.

Theo em, một số bài của Lê Minh Sơn được Thanh Lam hát vẫn là đóng đinh. Những người hát lại sẽ không hát được như thế. Phải chăng cô ấy không hợp với nhiều bài khác thôi? Còn Tùng Dương đã hát rất thành công và đứng trên cái xương của Lê Minh Sơn với album đầu tay “Chạy trốn” với các bài như "Ôi quê tôi"… Ngọc Khuê có album đầu tiên hát nhạc Lê Minh Sơn để lại ấn tượng tốt, nhưng album sau đó không thành công lắm, có thể vì chị ấy không “bản năng” như Thanh Lam hay Tùng Dương.

Khi đầu tư làm album và theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, em làm theo gu của mình, phải làm cái gì mình thực sự thích, điều đó khiến mình không nghĩ nhiều đến sự thắng – thua. Khi đi hát, em cũng có thể hát những bài dễ nghe, gần gũi với yêu cầu của khán giả, để khán giả cảm nhận được bài hát của mình. Đó chính là công việc của người ca sĩ.

“Em không được sốt ruột…”

- Sự vụt sáng của Uyên Linh qua Vietnam Idol có làm một ca sĩ được đánh giá cao về giọng hát như em sốt ruột? Em có học hỏi được gì từ “hiện tượng” này?

- Uyên Linh thuyết phục mọi người không phải bằng sự lôi kéo ào ào mà bằng sự tĩnh lặng. Em cũng là một trong những người bị lôi kéo, từ ánh mắt đến cách xử lý ca khúc của chị ấy. Em chơi với chị Uyên Linh từ khi hai chị emchưa thi bất cứ cuộc nào. Chị ấy rất hồn nhiên, văn minh, cư xử đúng mực. Cái em sốt ruột là làm thế nào để khẳng định được bản thân như chị ấy chứ không phải chạnh lòng khi chứng kiến thành công của chị ấy.

Dù Uyên Linh không được học nhạc nhiều, một cách bài bản trong trường lớp, nhưng đó là một tấm gương về sự quyết tâm theo đuổi đam mê và lựa chọn con đường đi. Chính chị Uyên Linh có một lợi thế mà người chuyên học nhạc cần phải học đó là cách giao tiếp với công chúng, khán giả bằng cách chọn bài, cách nói chuyện. Kỹ năng giao tiếp cũng là điều ai cũng cần phải học. Riêng về xách xử lý bài hát, giọng hát thì em không thể học theo chị ấy, vì em là người đi học, còn chị ấy thì không. Chị ấy hát bằng tâm hồn chị ấy, cái đó mình cũng không thể học theo. Em sẽ phải hoàn thiện rất nhiều, từ văn hóa kỹ thuật hát để có thể tự tin, định hình phong cách, tạo nền tảng vững chắc cho mình mỗi khi đứng trước khán giả và xác lập con đường đi riêng.

- Em muốn có sự lan tỏa giống như Uyên Linh, nhưng điều đó lại mâu thuẫn với việc em muốn chinh phục khán giả số ít và thích hát Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo… Làm sao để em có được cả hai điều ấy?

- Làm nhạc với nhạc sĩ Lê Minh Sơn có thể chỉ chinh phục được số ít khán giả, nhưng ước mơ của em vẫn là muốn được mọi người công nhận, được số đông yêu thích. Em vẫn luôn tin có điều gì đó, khi đứng trên sân khấu hát, em sẽ được mọi người lắng nghe. Em sẽ lao động nghệ thuật hết mình để được đáp trả. Nhưng dù kết quả có thế nào cũng chính là ở mình mà thôi.

Em và chị Uyên Linh là hai người khác nhau, có thể khán giả thích người này và vẫn thích người khác. Điều quan trọng nhất là mình phải làm tốt, làm đúng. Em muốn hướng giới trẻ đến gu âm nhạc văn minh hơn. Đó là điều quá lớn nhưng là việc phải làm. Bọn em là thế hệ trẻ, như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Đinh Mạnh Ninh… phải làm điều đấy. Em đang cùng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ như Văn Phong, Nguyễn Đức Cường… tạo thành một nhóm với mong muốn đem đến một làn sóng âm nhạc khác trong dòng âm nhạc chủ lưu bây giờ là các ca khúc thị trường. Bọn em đã làm những show diễn nhỏ rồi.

- Sau Uyên Linh lại đến Văn Mai Hương, học cùng bạn, còn ít tuổi hơn bạn nhưng lại đang hoạt động âm nhạc cuồng nhiệt, vội vã. Vậy bạn thấy mình đang đi chậm hay nhanh?

- Em đã cảm nhận được sự trầm lắng của mình, nhưng thực sự là ai cũng sẽ trải qua những giây phút ấy. Em muốn mình hãy lao động thực sự thì mới có thể tạo ra được một sự nghiệp chắc chắn. Em không được sốt ruột.

Khi thấy các bạn của mình thành công, em cảm thấy thực sự vui mừng. Em nghĩ về khán giả của mình sau này liệu có đón nhận mình như họ đã đón nhận những người bạn của mình? Để được đón nhận thì chỉ còn một cách là mình phải cố gắng để có những thành công xứng đáng.

- Thực tế đã cho thấy không hẳn những người có giọng hát tốt, có tinh thần làm việc nghiêm túc, chăm chỉ thì sẽ có sức lan tỏa rộng rãi và đạt được nhiều thành công. Ví dụ, sau nhiều giải Sao Mai, không ít gương mặt đăng quang đã mất hút khỏi đời sống âm nhạc rộng rãi?

- Vâng. Vì thế mà mình phải sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ chứ không thể chỉ trông chờ may mắn đến. Mình không thể chủ quan, trông chờ vào tác động từ giải thưởng sau khi mình đạt được. Một ca sĩ sau khi đoạt giải Sao Mai hay Vietnam Idol, nếu sau bốn, năm tháng mà không có hoạt động gì đáng kể thì sẽ bị lãng quên. Giải thưởng cũng là một gánh nặng mà sau đó cần có sự lao động vất vả tiếp tục để không chỉ chứng minh mình xứng đáng với giải thưởng đạt được mà còn cho những chặng đường đi tiếp theo.

Trong năm nay em muốn làm được một điều gì đó, dù mình đã trượt Sao Mai. Song song đó, em vẫn phải tiếp tục học. Hình ảnh đầu tiên luôn để lại ấn tượng sâu đậm và em sợ rằng khi xuất hiện chưa đủ độ thì mình chưa thể tự tin và khó thuyết phục khán giả.

Nhưng bạn thấy đấy, Uyên Linh đâu có học thanh nhạc quá nhiều như các bạn mà vẫn thành công. Khi Thanh Lam cho rằng Uyên Linh còn phải học thêm nữa thì đã bị không ít khán giả… phản đối. Trong khi đó bạn thì cứ… học và học?

Không hiểu mọi người thế nào, còn em thì luôn luôn sợ. Vì em biết mình còn non hay nói vui như tên bài hát mà anh Lê Minh Sơn dành cho em là “Ổi ương đầu cành”: Em mong, em mong một ngày nắng xanh, một ngày có anh, một ngày không cãi cọ, một ngày chuông điện thoại reo vui… (cười tười).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật