“Đạp lên mặt nhau” để nổi tiếng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyện “tố cáo” trở thành đề tài “hot” trên các báo mạng, bất kể cái được phơi bày có phải là sự thật hay chỉ là một chiêu thức lăng-xê tên tuổi có chủ đích của một chân dài, ca sĩ, diễn viên, thậm chí một bạn trẻ bất kỳ muốn trở thành người nổi tiếng.
“Đạp lên mặt nhau” để nổi tiếng
“Yêu nữ hàng hiệu“ Hạnh Nguyên.

Tố cáo nhau không phải là chuyện mới trong thế giới người nổi tiếng. Thế nhưng ngày nay, việc tố cáo, hạ bệ nhau không chỉ vì hiềm khích mà còn được coi như một chiêu thức PR để nổi tiếng. Đó là lý do gần đây xuất hiện hàng loạt các bài báo mà người trong cuộc “đấu tố” nhau và đưa nhau lên báo như cơm bữa. Một bộ phận báo chí không nhỏ đã tham gia cuộc đua này, biến mình hoặc tự trở thành công cụ cho không ít người thực hiện mục đích cá nhân.

“Mảng đen” hấp dẫn

Bắt đầu từ chuyện Phi Thanh Vân tố đàn chị Xuân Lan chèn ép cô trong các show diễn hai năm về trước và nổi như cồn một thời gian sau đó. Mới đây, “chân dài” Trang Trần lại lên tiếng “vén màn bí mật” trong thế giới người mẫu và lập tức trở thành gương mặt quen của nhiều tờ báo lá cải. Cô gái Hà Nội thành cái tên “hot” sau sự kiện tố người mẫu B.hoa. Cũng kể từ đó, chuyện “tố cáo” trở thành đề tài luôn “hot” trên các báo mạng, bất kể cái được phơi bày có phải là sự thật hay chỉ là một chiêu thức lăng-xê tên tuổi có chủ đích của một chân dài, ca sĩ, diễn viên, thậm chí một bạn trẻ bất kỳ muốn trở thành người nổi tiếng. Chuyện “đấu tố” ngày càng xuất hiện với tốc độ dày đặc trên các trang báo. Những phát ngôn gây sho‌ck về tiền, tình giờ đã là chuyện “xưa như Diễm” mà thay vào đó, chuyện “vén màn bí mật” về mảng tối một câu chuyện nào đó, về cuộc sống riêng của người nào đó lại thành đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Không biết vô tình hay hữu ý, giờ đây, nhiều người trẻ đã cho mình tự quyền phán xét về những người nổi tiếng hơn để được nổi tiếng cùng.

Trên các trang mạng thời gian qua, chuyện “yêu nữ hàng hiệu” Vũ Hạnh Nguyên phản bác ý kiến của đàn chị Mỹ Linh khi chị nói về thị trường âm nhạc Việt đã trở thành đề tài câu “view” cho nhiều tờ báo mạng. Tương tự, Nini Khanh Nguyễn, một ca sĩ dời sàn đã nhiều năm trở lại nay bỗng lên tiếng “mắng” Phương Thanh về một vụ xô xát xảy ra nhiều năm trước đó. Rồi một người trong ê-kíp của Á hậu Hoàng My “trách móc” cô về tội vô ơn sau khi đạt danh hiệu trong Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010.

Vẫn trong thế giới người quen mặt, một ông bầu người mẫu lên tiếng tố cáo một chân dài khác không thuộc công ty của mình về thói làm ăn vô trách nhiệm. Điều đáng nói, tất cả những tố cáo, thóa mạ đồng nghiệp của các nhân vật được coi là “quen mặt” trong showbiz này dù tồn tại dưới dạng một chia sẻ trên trang mạng xã hội, trong blog cá nhân hay qua trao đổi phỏng vấn đều ngay lập tức được “leo” lên mặt các tờ báo mạng gây ra tình trạng hỗn loạn thông tin trên các phương tiện truyền thông. Điều đáng nói, tất cả các thông tin này đều mang tính một chiều và hiếm có thông tin nào được kiểm chứng từ hai phía, đảm bảo độ xác thực trước khi đăng.

Không kể các vụ việc xảy ra trong thế giới showbiz vốn hỗn loạn. Mới đây, nhiều nghệ sĩ lão làng cũng tham gia cuộc đua để trở thành Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và tranh giải: Giải thưởng Nhà nước. Sự kiện gần đây Phan Huyền Thư cùng một số người trong Hãng phim tài liệu Trung ương lên tiếng mạnh mẽ tố cáo những việc làm khuất tất của đạo diễn Nguyễn Thước hay một nhóm nhạc sĩ tố cáo sự thiếu minh bạch của Hội Nhạc sĩ đã làm ngòi nổ cho những phát biểu thiếu thiện chí về nhau xuất hiện trên hàng loạt tờ báo. Câu chuyện vinh danh đẹp đẽ trở thành trò bàn tán tức cười cho thiên hạ. Nhiều nghệ sĩ nhân dịp này cũng lên báo kể tội về những “bí mật” tại sao họ chưa thể trở thành NSƯT, NSND. Những “khoảng đen” vốn dễ kíc‌h thí‌ch trí tò mò của người đọc đã được nhiều người vô tình hoặc cố ý sử dụng chúng để thỏ‌a mã‌n mục đích cá nhân, bất chấp sự việc đó sẽ gây ra những ảnh hưởng trái chiều ra sao từ công luận.

Chúng ta đang đồng nhất “người quen mặt” với “người nổi tiếng”

Sở dĩ, hàng ngày những phát ngôn gây sho‌ck, những câu chuyện vô thưởng, vô phạt của các cá nhân có hoạt động trong giới showbiz và một số nghệ sĩ đều được đăng trên các tờ báo mạng là do người viết báo ngày càng dễ dãi với thông tin. Cơ quan quản lý thì cho rằng, đây không thuộc trách nhiệm của họ, vì các vấn đề đó không vi phạm thuần phong, mỹ tục. Trong khi đó, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ với các trang mạng xã hội phát tán thông tin nhanh chóng như hiện nay, nhiều người tự do bày tỏ suy nghĩ của mình trên các trang mạng cá nhân. Nhưng do sự quản lý yếu kém và chưa có điều luật về việc cấm sử dụng thông tin trên các trang mạng  này thành thông tin chính thức trên báo, nhiều tờ báo lá cải đã nghiễm nhiên coi đây là một kênh khai thác chính của mình.

Tuy nhiên, khi báo chí trở thành diễn đàn của những cuộc cãi vã, tố cáo và tranh chấp họ đã vô tình làm những người hết mình vì nghệ thuật nản lòng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ ra rằng, một phần sự hỗn loạn của thông tin là do từ lâu chúng ta quen đồng nhất khái niệm “người quen mặt” với “người nổi tiếng”. Do sự lên báo quá dễ dãi nên một số các chàng trai, cô gái có thâ‌n hìn‌h đẹp chỉ cần vài bộ ảnh khoe thân, vài chiêu lăng-xê kể chu‌yện tìn‌h, tố cáo người đi trước là có thể trở thành “người quen mặt” và ngay lập tức được xếp vào hàng “người nổi tiếng”. Tác giả “Góc sân và khoảng trời” chỉ rõ, người xuất hiện nhiều trên một phương tiện truyền thông nào đó chỉ được coi là “người quen mặt”. Khái niệm “người nổi tiếng” chỉ dành cho những người có đóng góp nhất định về tri thức, văn hóa cho xã hội. Đáng tiếc, sự nhiễu loạn truyền thông hiện nay ngoài sự tham gia của “người quen mặt” còn có sự xuất hiện của “người nổi tiếng” thực sự được coi là tri thức.

Nhà làm phim tài liệu Trần Văn Thủy từng chia sẻ suy nghĩ về một vấn nạn của người Việt, khi ấy ông cho rằng, nói xấu nhau, hạ bệ nhau là một thuộc tính cố hữu của người Việt. Và điều này, trong mắt tác giả của “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” là một nỗi đau nếu nó là bản chất của không chỉ một lớp người. Tiếc thay, hiện nay báo chí không những không trở thành một bộ lọc thông tin mà còn trở thành cái loa phát thanh, cổ vũ cho tinh thần ấy. Thành ra, thuộc tính lẽ ra đáng được thay đổi lại có cơ hội “trăm hoa đua nở”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật