Câu chuyện về đạo làm quan

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Có chức thì có quyền, có quyền thì có tiền, thế nên người người, nhà nhà đua nhau chạy chức chạy quyền, chỉ có người dân là khổ”... Nỗi niềm ấy được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt 17 tập phim Chủ tịch tỉnh, tạo sự đồng cảm của không ít khán giả.
Câu chuyện về đạo làm quan
Ảnh minh họa

Một câu chuyện có đề tài chính luận, tưởng chừng như khô khan nhưng lại thể hiện những vấn đề thời cuộc gay cấn và hấp dẫn trong cốt truyện lẫn tình tiết và lời thoại.

Sức hấp dẫn lớn nhất của phim Chủ tịch tỉnh (38 tập, đang phát sóng lúc 20g05 thứ hai, ba, tư hằng tuần trên kênh VTV1, Đài truyền hình VN) chính là ở tính thời sự trong từng tình tiết phim. Một ông chủ tịch tỉnh tên Sính vẫn được mọi người nghĩ/cho là thanh liêm, chính trực đột ngột qua đời. Mọi người bất ngờ phát hiện ông có tài sản lớn, cho người khác đứng tên nhà cửa đất đai, lại có con riêng với người yêu cậu lái xe của mình suốt mười năm...

Từng trang đời vị chủ tịch tỉnh quá cố được lần giở trước mắt người xem với nhiều cảm thông và trách móc. Đó là một cú sốc với các nhân vật khác trong phim nhưng lại làm khán giả thích thú vì: “sao mà giống ngoài đời đến vậy”. Khi ông Sính qua đời, chức chủ tịch tỉnh bỏ trống cũng là lúc hàng loạt vấn nạn nhức nhối đổ về: chạy chức chạy quyền, ô dù phe cánh, bợ đỡ cấp trên chen cùng triệt hạ đối thủ...

Cặp Trung - chánh văn phòng (Đức Khuê) và bà vợ thủ đoạn (Minh Hằng) là cặp nhân vật tạo nên sức hấp dẫn lớn cho phim này. Trung - bất tài, nịnh hót, vợ - láu cá và hám quyền, tham lợi, một cặp xứng đôi tung hoành ngang dọc mua quan mua chức bằng hàng loạt thủ đoạn: hối lộ cấp trên và cấp trên nữa, mua chuộc tình cảm của lãnh đạo không được thì mua chuộc “cửa sau” - các bà vợ, thi hành thủ đoạn xấu xa hại người tốt khi người ấy có khả năng là hòn đá ngáng đường. “Có chức thì có quyền, có quyền thì có tiền” nên khoản hối lộ được họ xem là “đầu tư”, đã đầu tư thì phải có lợi nhuận và lợi nhuận ấy chính là những đồng tiền tham nhũng, bòn rút trên mồ hôi nước mắt của bao người.

Không chỉ có tệ nạn chạy chức chạy quyền. Chủ tịch tỉnh nóng hổi những vấn đề thời sự khác: quy hoạch, phát triển đô thị, cấp phép dự án kinh tế, dự án sân golf, giải tỏa mặt bằng làm đường... đều được đưa vào phim một cách tự nhiên, nhuần nhị. Và cũng rất sinh động cái cách mà nữ doanh nhân Hằng (Minh Hòa) thao túng bộ máy công quyền. Quyền lực nơi đó cũng được tính là một phần hùn lớn nhỏ tùy chức phận lớn nhỏ.

Trước mỗi vấn đề quốc kế dân sinh, người đứng đầu chỉ cần lệch tâm là cả hệ thống sẽ lệch chuẩn. Và khi lệch chuẩn, nhiều giá trị đã bị đảo lộn, thật giả đã khó lường thì sự sửa chữa không hề đơn giản và thậm chí là... bất khả! Bởi vậy khi ông Trí Tuệ - chủ tịch mới - nói một câu giản dị: “Cái gì có lợi cho dân thì làm, cố gắng hết sức để làm...”; và khi vợ của ông ý thức một cách chân thành: “Chức quyền đi kèm với trách nhiệm. Làm lãnh đạo mà khi về hưu được dân thương dân trọng thì mới nên làm. Còn làm lãnh đạo mà để dân chửi rủa thì nên tự mình biết tự trọng mà rút lui”; khi đó người xem hiểu rằng thông điệp đã được gửi gắm.

Làm nền tảng cho những tình tiết đậm tính thời sự là câu chuyện có kết cấu hấp dẫn với mỗi nhân vật đều được (gần như) tượng trưng cho một kiểu người ngoài đời thực lồng trong một đường dây sinh động, lắt léo và đa chiều về tính cách.

Có thể nói, Chủ tịch tỉnh là một bộ phim nói về “đạo làm quan thời hiện đại” với những “tâm sự” đầy tâm huyết của cha con đạo diễn Bùi Huy Thuần, Bùi Quốc Việt và biên kịch Đình Kính.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần: không ai đúng mãi được

Từng than làm phim chính luận rất khó về... trường quay. Vậy bầu không khí quan trường trong phim đã được xây dựng như thế nào, thưa đạo diễn?

Khán giả thấy được bầu không khí đó, vì từ các loại phòng làm việc hay cơ quan của các quan chức đầu tỉnh chúng tôi quay hoàn toàn ở UBND tỉnh Bắc Ninh. Lãnh đạo tỉnh giúp đỡ, không “kiêng” gì cả. Lúc quay anh em đều “hăng”, nhưng đến khi về làm hậu kỳ, chúng tôi thấy có những điều không phải. Một số cảnh quá gai góc, có những quan hệ hối lộ, nam nữ tại nơi làm việc... Trước khi phim lên sóng, đoàn làm phim cùng ban giám đốc có lên gặp các lãnh đạo tỉnh, mời họ về họp báo, mời họ xem qua phim. Rất may các anh ấy hoàn toàn thông cảm.

Hình ảnh vị chủ tịch tỉnh Trí Tuệ có quá hoàn hảo tới mức không thật?

Đó là vì bộ phim chưa chiếu tới những đoạn nhân vật này cũng có những sai lầm trong cuộc sống. Qua tập 20, bạn sẽ manh nha phát hiện ông chủ tịch tỉnh cũng có bí mật khó nói..., cũng không hề trong sáng tới mức hoàn hảo. Giữ cương vị chủ tịch tỉnh hay cao hơn thế... suy cho cùng họ đều là con người, cũng có lúc có cái sai, không ai đúng mãi được. Chủ yếu vẫn là ông Trí Tuệ thấy có cái gì lợi cho dân thì ông nghĩ là đúng.

Cũng có một điều rất mong đạo diễn giải thích, đó là những cảnh quảng cáo nước uống, mỹ phẩm... khá thô, lộ trong phim.

Thật ra trong phim, quảng cáo lộ nhất tôi phải nhận là... có một nhãn hàng trà. Không thể phủ nhận bộ phim có chi phí sản xuất cao do bối cảnh nhà cửa, xe cộ (vị quan chức nào cũng phải có ôtô đi), với nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi chỉ có cách kiếm thêm nguồn tài trợ để bù vào. Một điều thật lòng chia sẻ khác, có phân đoạn khi quay đạo diễn chủ yếu quan sát diễn xuất của diễn viên. Khi về làm hậu kỳ cũng thấy, nhưng “tỉnh ngộ” ra thì đã hơi muộn. Trong thâm tâm mà nói, tôi mong trong đoàn có một ai đó làm dự toán sát hơn với kịch bản để chúng tôi ít phụ thuộc vào quảng cáo. Phim tới tôi làm phim Đàn trời về đề tài tham nhũng nông thôn (quanh dự án 135), không phải đi ôtô nữa rồi, phim sẽ sạch hơn, bớt làm khán giả bực mình hơn do quảng cáo chăng (cười).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật