Cận cảnh 4 loài vật quý vừa phát hiện

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện 4 loài động vật quý hiếm và độc đáo. Đó là loài thằn lằn chân ngón mới có đôi mắt phản chiếu màu đỏ tại Indonesia, loài rắn độc Viper mới ở Trung Quốc, loài cóc cầu vồng tưởng đã tuyệt chủng tại Malaysia và loài báo tuyết quý hiếm ở Afghanistan.
Cận cảnh 4 loài vật quý vừa phát hiện
Loài thằn lằn chân ngón mới được các nhà khoa học phát hiện trong chuyến thám hiểm vào ban đêm tại rừng mưa nhiệt đới trên dãy núi Foja, đảo New Guinea thuộc Indonesia. Ảnh: NatGeo

Loài thằn lằn chân ngón mới có tên khoa học Cyrtodactylus boreoclivus thuộc họ Tắc kè, được nhà nghiên cứu bò sát Paul Oliver thuộc ĐH Adelaide (Australia) chụp ảnh lần đầu tiên vào năm 2008 nhờ ánh sáng đèn pha gắn trên trán của ông.

“Điểm đặc biệt của loài thằn lằn chân ngón mới Cyrtodactylus boreoclivus là có đôi mắt phản chiếu màu đỏ. Nhờ đặc điểm này, tôi có thể phát hiện nó ‘nghỉ ngơi’ trên cây dù đang ở khoảng cách từ 20 - 30m”, ông Oliver nói trên tạp chí National Geographic (Mỹ).

Theo các nhà khoa học, loài thằn lằn này có kích thước nhỏ với chiều dài c‌ơ th‌ể khoảng 25cm, nhỏ hơn so với nhiều loài thằn lằn khác (khoảng 25 loài) sống trên đảo New Guinea.

Loài rắn độc Viper mới được phát hiện ở Trung Quốc chỉ dài khoảng 0,7m. Ảnh: NatGeo

Trong khi đó, loài rắn độc Viper mới được các nhà khoa học phát hiện trong một cuộc khảo sát gần đây tại các khu rừng thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Maolan, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Trưởng nhóm thám hiểm Jian-Huan Yang thuộc ĐH Sun Yat-Sen, thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết loài rắn mới được đặt theo tên của nơi phát hiện ra nó là Protobothrops maolanensis.

Loài rắn độc Viper mới có màu sắc c‌ơ th‌ể nâu xám, giúp nó dễ dàng trộn lẫn vào môi trường sống xung quanh. Chiều dài c‌ơ th‌ể tối đa của loài này chỉ khoảng 0,7m - được xem là một trong những loài rắn nhỏ nhất thế giới.

Hiện độc tố của rắn Protobothrops maolanensis chưa được nghiên cứu nhưng người dân địa phương cho hay nó rất độc. Một trong số nhiều người bị loài rắn này cắn đã chết do không được điều trị kịp thời.

Cóc cầu vồng. Ảnh: Live Science

Một niềm vui khác đã đến với các nhà khoa học khi họ tái phát hiện loài cóc cầu vồng tưởng đã tuyệt chủng sau 87 năm tại đảo Borneo, thuộc bang Sarawak, Malaysia.

Theo tạp chí Live Science (Mỹ), lần gần đây nhất các nhà khoa học tìm thấy loài cóc cầu vồng, tên khoa học Ansonia latidisca, là vào năm 1924. Chúng được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) liệt kê vào “Top 10 loài động vật lưỡng cư bị truy lùng nhất trên thế giới”.

Cóc cầu vồng có sắc tố da sáng, các chi khá gầy và kích thước c‌ơ th‌ể chừng 51mm. Cho đến nay, chỉ có một loài khác trong top 10 loài lưỡng cư bị truy lùng đã được tái phát hiện là loài cóc đặc hữu Atelopus balios của Ecuador.

Loài báo tuyết quý hiếm mới được phát hiện ở Afghanistan. Ảnh: Discovery.

Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) thông báo, nhiều thập kỷ chiến tranh và nghèo đói đã không tiêu diệt được loài báo tuyết quý hiếm của Afghanistan.

Họ tuyên bố vừa phát hiện một quần thể báo tuyết quý hiếm, tên khoa học Panthera uncia, đang phát triển mạnh tại khu vực núi hẻo lánh Wakhan - “hành lang” giữa Afghanistan và Trung Quốc. Nhờ các camera giám sát tự động, các nhà khoa học WCS đã xác định có khoảng 30 cá thể báo tuyết tại 16 địa điểm khác nhau thuộc khu vực trên.

Theo tạp chí Discovery, hiện còn khoảng 4.500 - 7.000 con báo tuyết sống rải rác trong tự nhiên ở 12 quốc gia Trung Á. Báo tuyết đã giảm hơn 20% “dân số” trong 16 năm qua và hiện được xếp ở mức “nguy cấp” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Các nhà khoa học nhận định, các mối đe dọa chính tới quần thể báo tuyết tại khu vực núi Wakhan là bị săn trộm đế lấy da và bắt sống chúng để buôn bán bất hợp pháp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật