Xin đừng đốt rơm

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
VTV1 sáng thứ tư 6.7.2011 đưa tin nhiều khu phố Hà Nội tràn ngập khói do nông dân vùng lân cận đốt rơm rạ. Sau hàng chục năm chỉ ghé về quê chốc lát, suốt một tuần nay để giúp em gái chăm mẹ già, tôi đã ở và ngủ ở quê, một nơi chỉ cách Hà Nội khoảng 50km, và có thời gian tìm hiểu kỹ hơn một vài chuyện. Bức xúc nhất là chuyện đốt rơm.
Xin đừng đốt rơm
Ảnh minh họa

Trời oi bức, rơm rạ phơi đầy đường. Tối thứ ba, 5.7.2011, tôi dạo quanh một góc của làng mình và bắt gặp không dưới 10 nơi bà con đốt rơm. Cái nóng càng nóng hơn, cảm giác như chuột bị hun. Người ta đốt rơm ở rìa làng, đốt ngay trên đường ở giữa làng.

Rơm rạ khô ở khắp nơi.

Không chỉ lo các cụ già và trẻ con có thể bị ngạt thở (như chuột bị hun), lo ô nhiễm môi trường… mà lo nhất là các đống lửa âm ỉ suốt đêm nếu gió lớn cuốn đi có thể gây ra thảm họa: cả làng sẽ bị cháy do rơm rạ khô đầy đường và xung quanh sân, nhà.

Tôi càng ngạc nhiên hơn về sự thờ ơ của hệ thống chính trị và chính quyền. Tổ chức Đảng cộn‌g sả‌n Việt Nam, tổ chức Đoàn Thanh niên cộn‌g sả‌n, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đội Thiếu niên, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc (hay nói cách khác toàn bộ hệ thống chính trị ở làng tôi), rồi trưởng thôn, hợp tác xã (có hệ thống loa tuyên truyền hữu hiệu bao phủ khắp làng) “im như hến” trước hiện tượng đốt rơm rạ vô cùng nguy hiểm và lãng phí này. Họ thờ ơ. Họ thấy đó là việc làm bình thường, không có gì đáng nói. Họ không biết thông tin, họ không nhận được “lệnh” của cấp trên!

Người nông dân chưa hiểu biết. Đó là điều đáng buồn, nhưng không đáng trách. Nhưng các tổ chức của hệ thống chính trị mà không hiểu biết thì vô cùng đáng trách.

Và đáng buồn đấy không phải là hiện tượng riêng của làng tôi. Dọc đường 18 lên đến Bắc Ninh, dọc đường số 1 mới và cũ ra đến Hà Nội, đâu đâu cũng thế!

Báo chí đưa tin, không chỉ ở Bắc Ninh mà ở tỉnh nào cũng vậy.

Các UBND các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các vị lãnh đạo nói chung, có ai, có cơ quan nào nhìn nhận vấn đề rơm rạ một cách đúng đắn, vấn đề đốt rơm rạ tràn lan một cách nghiêm túc?

Không cần có một luật cấm đốt rơm rạ. Nhưng việc đốt rơm rạ vô tội vạ chắc chắn vi phạm Luật Phòng cháy chữa cháy do Quốc hội ban hành năm 2001. Bộ Công an (cơ quan thay mặt Chính phủ về lĩnh vực này), UBND các cấp (từ xã, huyện, đến tỉnh), theo Điều 58, đã có hành động gì chưa liên quan đến đốt rơm rạ và phòng cháy chữa cháy? Hay nông thôn không phải là địa bàn áp dụng của luật đó? Rồi còn Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác!

Bên cạnh việc thực thi Pháp Luật hiện hành còn phải tạo ra các khuyến khích để bà con nông dân tạo ra giá trị mới, hữu ích từ rơm rạ. Đấy có phải là việc của chính quyền? Chắc chắn, nếu họ không làm tốt thì họ không thể là đại diện cho nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Rồi việc giáo dục trẻ em ở nông thôn, giáo dục người dân về lợi ích của rơm rạ (để làm thức ăn nuôi trâu bò, để làm phân hữu cơ, để làm chất đốt một cách đơn giản, dễ hiểu dễ làm, cho đến việc tạo khuyến khích để có các cơ sở sử dụng rơm rạ ở quy mô lớn hơn: trồng nấm, phát điện, nhiệt phân tạo khí hay nhiên liệu biomass). Nhà nước có chính sách, có chương trình nào ra ngô ra khoai để làm như vậy hay không?

Có chuyên gia ước lượng rơm rạ chứa hàm lượng NPK tương đương 24 triệu đồng cho mỗi hécta lúa/năm. Nếu chúng ta không biết tận dụng mà đem đốt bỏ tức là đốt bỏ 24 triệu đồng/ha/năm.

Theo TS Nguyễn Mậu Dũng - trường Đại học nông nghiệp Hà Nội, tỷ lệ rơm rạ bị đốt có thể lên đến 20-80%, tùy từng nơi. Ở các vùng nông nghiệp gần đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng tỷ lệ này có thể là 90%.

Các nhà khoa học tính toán lượng rơm rạ khô của cả nước lên đến 55-60 triệu tấn/năm (chứa khoảng 37-40 triệu tấn carbon) trong khi lượng than (carbon) khai thác của Tập đoàn Than - Khoáng sản VN năm 2010 là 48-50 triệu tấn - một nguồn tài nguyên khổng lồ của đất nước. Không lo sử dụng hiệu quả tài nguyên này là có tội với đất nước và nhân loại.

Đốt rơm rạ là cách làm tổn hại đến tài nguyên quốc gia, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Môi trường bị hủy hoại, lãng phí tài nguyên, góp phần làm tăng tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

TS Dũng cũng cho biết, nếu đem đốt 80% tổng lượng rơm thì chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, lượng khí thải CO2 sẽ là 4,7 triệu tấn/năm, CH4 sẽ là 1-3,9 triệu tấn/năm, COx là 37–113 triệu tấn/năm. Còn trên phạm vi cả nước với 55-60 triệu tấn/năm thì sao?

Theo các nhà khoa học, khi đốt rơm rạ, phần tro còn lại chiếm khoảng 12,8% khối lượng, trong đó chủ yếu (72,6%) là oxit silic (SiO2 ~ cát) không có giá trị dinh dưỡng, kali chiếm 2,64% và natri 0,37% của tro. Như thế việc đốt rơm rạ không có hiệu quả dù để “làm phân” mà gây ra nhiều tai họa.

Nông dân thiếu hiểu biết, thấy “tiện” thì đốt. Hệ thống giáo dục dạy gì cho con em nông dân? Có chuyện rơm rạ không? Chắc không. Rơm rạ là chuyện đại sự quốc gia chứ đâu là chuyện nhỏ! Và các vị lãnh đạo nên quan tâm thỏa đáng, các tổ chức khác cũng vậy. Đấy là chuyện lớn và thiết thực. Hãy cùng làm chuyện thiết thực: Đừng đốt rơm

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật