Cuộc đời nhiều sóng gió của thứ phi yêu quý nhất của Bảo Đại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
12h trưa ngày 26/6 (theo giờ Paris), bà Mộng Điệp – thứ phi của ông vua cuối cùng triều Nguyễn đã từ trần sau một ca mổ không thành công, hưởng thọ 87 tuổi. Là vợ của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cuộc đời thứ phi Mộng Điệp cũng gặp phải những sóng gió, thăng trầm theo những biến cố lịch sử cùng gia tộc Nguyễn Phước Lộc.
Cuộc đời nhiều sóng gió của thứ phi yêu quý nhất của Bảo Đại
Bà Mộng Điệp

Dẫu quãng thời gian chung sống với cựu hoàng Bảo Đại chỉ kéo dài vài năm, nhưng bà Mộng Điệp được cho là người có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời cựu hoàng. Những năm cuối đời, khi Bảo Đại sống như vợ chồng với một nữ hầu phòng người Pháp, dù không còn liên  lạc với nhau nhưng bà Mộng Điệp vẫn chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nhà Nguyễn, đúng với phận sự của một vương phi thực sự. Chính vì thế nhiều người nói tuy không phải là người đàn bà đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời Bảo Đại, bà Mộng Điệp vẫn là một thứ phi chân chính mà ông hoàng này có được.

Người đàn bà đã khiến Bảo Đại phản bội lời thề thủy chung

Bà Mộng Điệp là người phụ nữ đến sau trong cuộc đời Bảo Đại. Bảo Đại và Mộng Điệp gặp nhau năm 1945, khi Bảo Đại đã thoái vị. Năm 1933, khi còn tại vị, Bảo Đại kết hôn với Hoàng hậu Nam Phương, con gái một tư sản giàu có ở Nam Bộ.

Hoàng hậu Nam Phương là người theo đạo Thiên chúa và rất sùng đạo, thời trẻ bà có tên là Marie Therese Nguyễn Hữu Thị Lan. Khi được Bảo Đại ngỏ lời cầu hôn, bà đã ra 3 điều kiện với Bảo Đại: thứ nhất là phải tôn trọng chế độ một vợ một chồng và phải phong bà làm hoàng hậu ngay trong ngày cưới; thứ hai là phải sang Vatican xin phép Giáo hoàng làm lễ cưới; thứ 3 là phải tuyệt đối tôn trọng tôn giáo của bà và phải để con cái theo đạo Thiên chúa.

Những điều kiện của bà khi đó đều là những điều chưa từng xảy ra trong triều đình Huế trước đây, nhưng vì quá say mê, Bảo Đại đã đồng ý cả 3 điều kiện, tổ chức cưới và phong bà là Nam Phương Hoàng hậu. Suốt 12 năm trời sau đó, Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương có với nhau 5 người con. Và trong khoảng thời gian này, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã giữ đúng lời hứa với Hoàng hậu: tôn trọng tuyệt đối chế độ một vợ một chồng.

Thế nhưng sau cách mạng tháng Tám, khi Bảo Đại thoái vị và ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn lần đầu tiên vi phạm lời thề thủy chung với Nam Phương Hoàng hậu. Và người làm cho Bảo Đại say mê, nghiêng ngả đến mức bất chấp mọi lời hứa với Hoàng hậu Nam Phương không ai khác chính là cô thiếu nữ Mộng Điệp xinh đẹp, người sau này đã trở thành thứ phi của Bảo Đại.

Mộng Điệp được coi là ngư‌ời tìn‌h đầu tiên của Bảo Đại. Tuy sau này, Bảo Đại đã nhiều lần vi phạm lời thề với Hoàng hậu Nam Phương, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu thì Mộng Điệp vẫn là người khiến cựu hoàng Bảo Đại say mê nhất.

Bà Mộng Điệp sinh năm 1924 trong một gia đình công chức nghèo ở Bắc Ninh, gia đình khó khăn, đồng lương công chức nghèo không đủ nuôi con nên khi còn bé, bà Mộng Điệp sống với bà nội rồi sau này được một người bác ruột ở Hà Nội đón lên nuôi dưỡng và cho ăn học. Ngày trẻ, bà Mộng Điệp nổi tiếng khắp Hà Nội bởi vẻ sắc nước hương trời và sự duyên dáng thiên bẩm, khiến không biết bao nhiêu người đàn ông hà thành phải nghiêng ngả, say mê. Sau này bà Mộng Điệp lấy bác sĩ Phạm Văn Phán – một bác sĩ có tiếng ở Hà Nội khi đó và có với ông một người con trai.


Nhưng bác sĩ Phạm Văn Phán xuất thân trong một gia tộc giàu có, quyền quý, còn bà Mộng Điệp lại có xuất thân rất đỗi bình thường. Cho rằng mối lương duyên này không môn đăng hộ đối, nên cha mẹ bác sĩ Phạm Văn Phán đã phản đối hết sức quyết liệt. Vì thế mà cuối cùng tình cảm của bà Mộng Điệp với bác sĩ Phạm Văn Phán tan vỡ.

Dù qua một đời chồng và có một đứa con, nhưng nhan sắc “gái một con” của bà Mộng Điệp khi đó vẫn khiến không ít đàn ông ngày đêm theo đuổi. Bảo Đại cũng không phải ngoại lệ. Khi mới ra Hà Nội được vài ngày, vì buồn chán nên cựu hoàng thường giết thời gian ở các sân chơi tennis.

Tại đây lần đầu tiên ông đã được giới thiệu làm quen với Mộng Điệp – người đẹp nổi danh đất Hà thành. Ngay lần đầu tiên gặp Mộng Điệp, cựu hoàng Bảo Đại đã mê mẩn nhan sắc của Mộng Điệp và tìm mọi cách theo đuổi, chinh phục đến tận khi Mộng Điệp xuôi lòng mới thôi, bất chấp khi đó Bảo Đại đã có 5 con với Hoàng hậu Nam Phương cùng lời hứa chung thủy một vợ một chồng với chính cung Hoàng hậu của mình.

Về phần Mộng Điệp, lúc gặp Bảo Đại, bà cũng lập tức bị thu hút bởi sự hào hoa lịch lãm của vị vua vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi nền văn hóa phương Tây do nhiều năm sống ở nước ngoài. Hai người nhanh chóng trở thành một đôi tình nhân quấn quýt không rời. Kết quả của cuộc tình này là chưa đầy 1 năm sau đó, bà Mộng Điệp có mang và sinh ra hoàng nữ Phương Thảo (năm 1946).

Năm 1946, Bảo Đại được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao cho nhiệm vụ sang Trung Quốc thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Nhưng vì nhiều lý do, ông đã ở lại Trung Quốc mà không về nước. Khoảng thời gian này, khi bà Mộng Điệp vừa sinh cho Bảo Đại một người con gái là hoàng nữ Phương Thảo thì cũng là lúc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Khi thực dân Pháp vào Hà Nội, bà Mộng Điệp bị chúng bắt giam, phải nhờ Bảo Đại ở bên nước ngoài viết thư can thiệp, bà mới được thả ra.

Quãng thời gian không có Bảo Đại bên cạnh, bà Mộng Điệp phải nuôi con một mình, là quãng thời gian khá vất vả và buồn bã với bà. Thế nhưng năm 1949, khi Bảo Đại quay trở lại bắt tay với Pháp, trở thành Quốc trưởng và về sống ở Tây Nguyên, Bảo Đại đã bù đắp cho Mộng Điệp hết mức có thể. Ông đưa bà Mộng Điệp lên Tây Nguyên, mua tặng cho bà một biệt thự lộng lẫy ngay gần biệt điện ở Đà Lạt.

Năm 1950, khi người Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, cựu hoàng Bảo Đại lập Hoàng triều cương thổ, một thể chế hành chính đặc biệt cho vùng đất này, mơ ước khôi phục một phần sự hoàng kim trước đây của vương triều nhà Nguyễn.

Rất được lòng Bảo Đại, nên thời gian này bà Mộng Điệp được cựu hoàng đưa lên đây để giúp xây dựng và quản lý những công trình của hoàng tộc ở Tây Nguyên.Thời gian ở Buôn Mê Thuột, bà Mộng Điệp đã cho sửa sang Dinh Công sứ ở trung tâm thành phố thành ngôi biệt điện cho cựu hoàng Bảo Đại ở. Một khu biệt thự để Bảo Đại nghỉ ngơi khi đi săn bắn cũng được bà Mộng Điệp cho người xây dựng ở hồ Lak.

Là người sùng đạo phật, bà Mộng Điệp cũng chính là người cho xây chùa Khải Đoan – ngôi chùa lớn nhất Dak Lak hiện nay (Khải Đoan là từ ghép giữa hai cái tên Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái hậu Từ Cung – tên của thân phụ và thân mẫu vua Bảo Đại. Chùa Khải Đoan cũng là ngôi chùa cuối cùng do triều Nguyễn xây dựng).

Là người nhanh nhẹn, tháo vát, bà Mộng Điệp còn lo việc mở sân bay Buôn Mê Thuột để việc đi lại giữa Buôn Mê Thuột với Huế - Sài Gòn được thuận tiện. Có thể nói chỉ trong một vài năm ngắn ngủi sống ở Tây Nguyên, bà Mộng Điệp đã giúp Bảo Đại làm được vô số những công việc lớn nhỏ trong việc xây dựng cơ ngơi của nhà Nguyễn tại vùng đất này.

Tình cảm đặc biệt với Từ Cung Thái hậu

Không chỉ được đánh giá là người nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc, bà Mộng Điệp còn được cho là người gần gũi và tâm đầu ý hợp với Bảo Đại hơn cả hoàng hậu Nam Phương. Tuy thời gian Bảo Đại gắn bó với Hoàng hậu Nam Phương lâu hơn và Hoàng hậu cũng là người vợ chính thức của Bảo Đại, nhưng vai trò và ảnh hưởng của bà Mộng Điệp trong cuộc đời Bảo Đại thì có phần nhiều hơn cả Hoàng hậu Nam Phương. Khi còn chung sống, Hoàng hậu Nam Phương và Bảo Đại có nhiều khác biệt về tính cách.

Hoàng hậu là người khá thẳng tính, ăn nói mạnh bạo, không dịu dàng và không biết chiều chuộng Bảo Đại. Sự khác biệt về tôn giáo cũng khiến cho những quan điểm của Hoàng hậu Nam Phương và Bảo Đại có nhiều mâu thuẫn.

Trong giao tiếp hàng ngày, Hoàng hậu Nam Phương được cho là người cứng nhắc, không dịu dàng, gần gũi. Bà cư xử với Hoàng Thái hậu Từ Cung và Bảo Đại rất xã giao, hờ hững. Điều này khác biệt hẳn với bà Mộng Điệp. Có lẽ vì xuất thân gia đình bình thường, nên bà Mộng Điệp có cách cư xử, giao tiếp rất giản dị, gần gũi.

Quãng thời gian sống với Bảo Đại, bà Mộng Điệp luôn cho cựu hoàng một tình cảm ấm áp, thân mật và một không khí đầm ấm trong gia đình. Khi ở Buôn Mê Thuột, bà Mộng Điệp thường xuyên bỏ qua những nguyên tắc lễ nghi của triều đình ví dụ như ngồi ăn trịnh trọng trên bàn, có kẻ hầu người hạ, để đề nghị cựu hoàng Bảo Đại ngồi ăn dưới chiếu hoa hay ngồi ăn trên thảm trải giữa sàn nhà.

Điều đó vô cùng hợp ý với Bảo Đại, vốn là một vị vua ảnh hưởng của lối sống phương Tây (nên nhớ chính Bảo Đại là vị vua đầu tiên đã bỏ nghi lễ vái lạy cho các quan khi vào trình diện vua. Ông cũng dùng thìa, dĩa như phương Tây và bỏ qua nhiều quy tắc cung đình khác).

Khi ở bên cựu hoàng, bà Mộng Điệp là người rất tinh tế, khéo léo và rất biết chiều chuộng cựu hoàng. Bà biết lái xe, biết cưỡi voi và thường xuyên tháp tùng cựu hoàng trong những chuyến đi săn. Thời gian ở Buôn Mê Thuột, bà nuôi 40 con voi xung quanh biệt điện. Có lần cựu hoàng đi săn bị lạc trong rừng, chính bà Mộng Điệp là người cưỡi voi đi tìm cựu hoàng về.

Quãng thời gian sống ở Tây Nguyên, cựu hoàng Bảo Đại và bà Mộng Điệp thực sự là một đôi uyên ương tâm đầu ý hợp, cùng nhau hưởng thụ những thú vui ở đời để quên đi nỗi buồn về sự suy tàn của triều Nguyễn. Năm 1953, khi chiến tranh ở giai đoạn khốc liệt nhất, bà Mộng Điệp được bà Từ Cung giao cho nhiệm vụ mang ấn sang Pháp trao cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng Thái tử Bảo Long, bà Mộng Điệp ở lại Pháp luôn từ khi đó cho đến tận lúc mất.

Sinh thời, bà Mộng Điệp được Hoàng Thái hậu Từ Cung vô cùng yêu quý. Tình cảm  và sự gắn bó giữa bà Từ Cung và Mộng Điệp chắc chắn hơn hẳn tình cảm giữa bà Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương.
Vì xuất thân Hoàng hậu Nam Phương trong gia đình giàu có, tính khí lại thẳng thắn nên khi còn sống với bà Từ Cung, Hoàng hậu Nam Phương thường xuyên có những lời ăn tiếng nói khiến Hoàng Thái hậu Từ Cung không hài lòng. Hoàng hậu Nam Phương cũng là người theo đạo Thiên chúa, nên không chú ý đến việc chăm lo, thờ cúng tổ tiên. Đó cũng là điều khiến bà Từ Cung phật ý.

Điều này trái ngược hẳn với bà Mộng Điệp. Xuất thân của bà Mộng Điệp khá giống với bà Từ Cung, cả hai đều sinh ra trong những gia đình bình thường, nên tính cách của bà Từ Cung và Mộng Điệp khá gần gũi. Khi mới về sống với Bảo Đại, dù chưa có danh phận chính thức gì nhưng bà Mộng Điệp vẫn chủ động thường xuyên vào Huế thăm bà Từ Cung.

Điều này rất đẹp lòng bà Từ Cung. Bà Mộng Điệp cũng là người tôn sùng đạo Phật nên rất chu đáo và nhiệt tình trong việc cùng với bà Từ Cung thờ cúng tổ tiên. Chinh phục được tình cảm của Thân mẫu cựu hoàng, nên dù không phải người vợ chính thức của Bảo Đại, nhưng sau này bà Từ Cung công nhận danh phận thứ phi của bà Mộng Điệp ban mũ áo để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ.

Thời gian bà Mộng Điệp sống ở Buôn Mê Thuột và Sài Gòn (trước khi sang Pháp năm 1953), bà Từ Cung thường xuyên thư từ cho Mộng Điệp. Trong thư ngoài việc dặn dò những chuyện quốc gia, lễ giáo, Hoàng Thái hậu Từ Cung cũng thể hiện tình cảm và sự yêu thương dành cho người con dâu thứ hai của mình.

Những năm sau này, sự gần gũi và gắn bó giữa Hoàng Thái hậu Từ Cung và bà Mộng Điệp còn thể hiện ở chỗ nếu như Bảo Đại và các con của Hoàng hậu Nam Phương mất liên lạc với Từ Cung Thái hậu suốt một thời gian dài kể từ khi sang Pháp, thì bà Mộng Điệp vẫn giữ liên lạc với bà Từ Cung.

Những ngày cuối cùng trên đất Pháp của thứ phi vua Bảo  Đại

Khi sang Pháp, thời gian đầu bà Mộng Điệp và cựu hoàng Bảo Đại vẫn sống với nhau. Ở Pháp họ có thêm 2 người con là Bảo Hoàng và Bảo Sơn. Nhưng tình cảm của bà Mộng Điệp và cựu hoàng cũng không duy trì được lâu, vì sau này cựu hoàng bắt đầu đi lại với những người phụ nữ khác.

Những năm cuối đời, khi cựu hoàng Bảo Đại sống với một nữ hầu phòng người Pháp, thì bà Mộng Điệp và cựu hoàng không còn liên lạc gì với nhau. Nhưng những tư liệu về Bảo Đại thì bà Mộng Điệp vẫn giữ gìn cẩn thận cho đến tận bây giờ.

Dù xuất thân trong một gia đình bình thường, học hành không được bao nhiêu, nhưng bà Mộng Điệp luôn thể hiện cốt cách của một “Thứ phi chân chính” của một vị vua, ngay cả khi triều đại nhà Nguyễn đã suy tàn và tình cảm của bà với cựu hoàng Bảo Đại đã tan vỡ từ lâu. Khi Hoàng Thái hậu Từ Cung qua đời ở Huế, bà đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xin được gửi tiền về tổ chức tang lễ cho Thái hậu Từ Cung, trọn vẹn tình nghĩa của một người dâu hiền.

Bà là người giữ gìn đầy đủ tư liệu liên quan đến cựu hoàng Bảo Đại, từ những bức thư của Bảo Đại, những tấm ảnh cũng như những tài liệu lịch sử liên quan đến ông. Ở Pháp, ngoài việc thờ cúng bà Từ Cung và hai người con trai chết trẻ, bà Mộng Điệp vẫn không quên những nghi lễ thờ cúng dòng họ Nguyễn Phước Lộc, để trọn đạo làm dâu trong triều đình nhà Nguyễn.

Thời gian mới sang Pháp, cuộc sống của bà Mộng Điệp gặp không ít khó khăn về kinh tế, nhưng bà không bao giờ nhờ cậy Chính phủ Pháp giúp đỡ, dù bà hoàn toàn có thể làm điều đó. Bà đi mua nhà cũ, sửa chữa lại rồi bán để kiếm lời, bà mở hiệu kinh doanh và làm nhiều nghề để sống. Nhiều người hỏi bà sao bà không xin Chính phủ Pháp giúp đỡ và tạo điều kiện cho cuộc sống của bà và con cái dễ chịu hơn, bà chỉ đáp: “Nước Pháp đã cho mẹ con tôi được yên thân sống ở đây là quý lắm rồi. Tôi không dám xin gì nữa”.

Trong việc kinh doanh buôn bán, bà Mộng Điệp nộp thuế đàng hoàng. Bà không xin nước Pháp những cái đó, dù bà biết nếu bà xin họ nhất định sẽ cho. Bởi bà quan niệm mình xin cái gì là thiếu nợ người ta cái đó, đời bà không trả thì đời con cháu bà sẽ phải trả, không ngẩng đầu lên được. Đó là điều mà bà cực kỳ tránh, để giữ sự thanh cao cho gia đình mình. Ở Pháp, bà Mộng Điệp chọn cách sống kín đáo, nên không mấy người Pháp biết bà là thứ phi của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Bà Mộng Điệp có 3 người con với cựu hoàng Bảo Đại: 1 hoàng nữ Phương Thảo và 2 hoàng nam Bảo Nam và Bảo Sơn. Tuy nhiên hoàng nam Bảo Nam vắn số, sinh ra 1 năm đã chết yểu, những năm sau này, bà Mộng Điệp sống với niềm hi vọng vào hai người con còn lại.

Con trai bà – hoàng nam Bảo Sơn là một thanh niên xuất sắc. Hoàng nam Bảo Sơn rất thông minh, học hành giỏi giang, từng tốt nghiệp các trường mũi nhọn kỹ thuật của Pháp và hứa hẹn có một tương lai thành đạt, rực rỡ.

Tuy nhiên năm 1987, hoàng nam Bảo Sơn qua đời trong một tai nạn không may. Cú sốc này đã đánh gục bà Thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại trong nhiều năm trời, khiến bà sống ẩn dật và hạn chế giao tiếp với mọi người. Phải mất cả chục năm, bà mới lấy lại tinh thần và cùng con gái là hoàng nữ Phương Thảo trở về Việt Nam, hi vọng có ngày được quay lại sống trên quê hương, xứ sở.

Những năm cuối đời, trong những chuyến về Việt Nam, bà đã hơn một lần bày tỏ nguyện vọng đó và hi vọng khi chết đi sẽ được an táng gần lăng mộ của Từ Cung Thái hậu. Nhưng nguyện vọng cuối đời của bà đã không thực hiện được.

Ngày 1/7/2011, bà được an táng tại nghĩa trang Paris, bên cạnh phần mộ của hai người con trai của bà. Cùng ngày 1/7/2011, tại thành phố Huế, một nghi lễ cầu siêu cho bà Mộng Điệp cũng được tổ chức trong không khí ấm cúng, long trọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật