TTCK đang vào mùa hạn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là ví von của ông Trịnh Hoài Giang (ảnh), Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) khi trao đổi với ĐTCK về tình hình TTCK hiện nay.
TTCK đang vào mùa hạn
Ảnh minh họa
TTCK 6 tháng đầu năm khá ảm đạm. Tình trạng này liệu có kéo dài đến cuối năm, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, TTCK 6 tháng cuối năm 2011 sẽ không thay đổi nhiều, giao dịch vẫn ở mức thấp. Thứ nhất, mặc dù lạm phát 6 tháng cuối năm được dự đoán dịu lại, nhưng mức độ sẽ không nhiều, khoảng 17% so với đầu năm theo dự báo của HSC. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái đang ổn định và dự đoán ổn định đến hết năm, nhưng cốt lõi của bất ổn tỷ giá hối đoái là thâm hụt thương mại vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cả 2 biện pháp, vừa tăng lãi suất vừa thắt chặt bằng những phương pháp định lượng như quy định trần cho vay và những quy định mới về cho vay chứng khoán (chỉ ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn trên 10% mới được cho vay chứng khoán và cho vay chứng khoán tối đa 3% vốn điều lệ, có hiệu lực từ tháng 10/2011) sẽ tác động tiêu cực đến thị trường. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu niêm yết mới trong 6 tháng cuối năm ước tăng thêm 1 - 1,5 tỷ đơn vị, theo tính toán của HSC. Đó là chưa kể số lượng cổ phiếu phát hành thêm, số cổ phiếu mà các ngân hàng sẽ chào bán để đáp ứng quy định vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

Ông có tin các DN niêm yết sẽ hoàn thành được chỉ tiêu kinh doanh đề ra cho năm nay?


Trong quý III và quý IV năm nay, DN khó có thể đạt kết quả kinh doanh như mong muốn. Dù xu hướng giá nguyên vật liệu trong hai quý còn lại của năm sẽ giảm và đi vào ổn định, nhưng vấn đề của DN không phải chỉ ở chi phí đầu vào. Vấn đề lớn của DN là đầu ra. Lãi suất tăng cao khiến cho DN co cụm, không dám đầu tư xây dựng máy móc, nhà xưởng. Lãi suất cùng lạm phát tăng khiến cho người tiêu dùng triệt để chính sách thắt lưng buộc bụng. Chính phủ lại đang thực thi chính sách cắt giảm chi tiêu công. Vì thế, đầu ra cho DN, nhất là DN hoạt động trong những ngành phát triển theo nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều DN có thể vẫn hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, nếu các khó khăn mà DN đang gặp phải đã được lường trước. Nhưng cần lưu ý đến vấn đề tương xứng thông tin, nghĩa là con số công bố có thể sẽ khác với con số thực tế.

Liệu NĐT có thể hy vọng dòng tiền trên TTCK sẽ được tiếp sức?


Tâm lý NĐT, nhất là NĐT nước ngoài đang khá lo âu trước những diễn biến liên quan lãi suất, lạm phát, tỷ giá. Ngoài ra, nhiều NĐT cho rằng, thị trường bất động sản sẽ còn đóng băng đến cuối năm nay và có thể sang cả năm 2012. Đồng thời, nợ xấu trong ngân hàng sẽ gia tăng. Do đó, chúng tôi dự đoán, dòng tiền từ vốn ngoại sẽ chưa đổ nhiều vào TTCK Việt Nam trong 6 tháng còn lại.

Với dòng tiền từ cá nhân, chừng nào lãi suất huy động chưa về 8 - 10%/năm, thì chừng đó chứng khoán vẫn khó thu hút được dòng tiền từ đối tượng này. Trong khi đó, vốn cung ứng từ các CTCK sẽ giảm, vì chủ trương siết cho vay chứng khoán từ ngân hàng. Sự tham gia của các NĐT tổ chức trên TTCK có lẽ cũng không nhiều.

Trong khi đó, các giải pháp như cho mua bán cùng phiên, giao dịch ký quỹ sẽ chỉ chủ yếu giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường. TTCK vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế, vào sức khỏe DN hơn là các quy định liên quan đến giao dịch.

HSC sẽ lấy động lực nào để tiếp tục  đồng hành cùng thị trường?


Trong dài hạn, HSC tin tưởng TTCK sẽ phát triển. Vì quy mô thị trường vẫn quá nhỏ, chưa tới 100 triệu USD, trong khi ở Thái Lan là 600 triệu USD, ở Thượng Hải là 20 tỷ USD. Chúng tôi ví TTCK đang vào mùa hạn và HSC cần kiên nhẫn đi qua mùa khô hạn này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật