Năm 2011: Quyết liệt hoàn thành tuyến bờ phải sông Tô Lịch

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện trong sáng 30/6, để đốc thúc tiến độ cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB); thi công gói thầu số 5.2 cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển, hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin (thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường – dự án II).
Năm 2011: Quyết liệt hoàn thành tuyến bờ phải sông Tô Lịch
Một đoạn đường sông Tô Lịch.

Theo Ban quản lý dự án thoát nước, chiều dài toàn tuyến từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B là 12.504m, đến nay mặt bằng đã có đủ điều kiện cả đường và hè là 9.953m (tương đương 80%); mặt bằng chỉ đủ thi công phần đường là 624m (5%) và chưa có mặt bằng, chưa đủ điều kiện thi công là 1.927m (khoảng 15%).

Hiện việc GPMB tuyến đường còn vướng lại nhiều nhất trên hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Theo Ban GPMB quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận có 541 hộ cần phải di chuyện, hiện chỉ còn vướng 10 trường hợp chưa phê duyệt phương án ở phường Yên Hòa và Trung Hòa. Tại phường Quan Hoa đã phê duyệt xong 100% phương án nhưng còn có 3 trường hợp người dân không nhận tiền. Vướng mắc lớn nhất đối với quận Cầu Giấy hiện nay là quỹ nhà tái định cư bố trí chậm. TP đã chấp thuận chủ trương bố trí 80 căn hộ tái định cư cho người dân từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà.


Ở quận Thanh Xuân, hiện còn 1.727m2 (trong tổng số 3.183m2) chưa có mặt bằng để thi công. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu nhận khuyết điểm đã không hoàn tất được việc GPMB trong tháng 6/2011 như đã cam kết trước đây; nay sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 7/2011. Điểm vướng với quận Thanh Xuân là khu vực cần GPMB trên địa bàn phường Nhân Chính có liên quan đến khu di tích đã xếp hạng, nên tới đây phải có ý kiến giải quyết của Sở Văn hóa Thông tin và Bộ Văn hóa Thông tin. Bên cạnh đó, tại phường Hạ Đình còn 27 hộ chưa nhận tiền, UBND quận đang vận động nhân dân, lập hồ sơ pháp lý và dự kiến sẽ cưỡng chế trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Lưu cũng kiến nghị việc thực hiện Quyết định 15 của thành phố về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; do đó, với những trường hợp sau khi thu hồi đất để GPMB, còn lại diện tích đất thuộc diện siêu mỏng, siêu méo, TP chấp thuận để chính quyền quận thu hồi luôn phần diện tích còn lại để tính bồi thường. Ngoài ra, ông Lưu cũng phản ảnh, tại ngõ 155 đường Trường Chinh, hiện rất lầy lội, mất vệ sinh, đề nghị đơn vị thi công vào cuộc sớm.

Trả lời về kiến nghị của quận Thanh Xuân liên quan đến phần thi công, ông Lê Văn Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết: ngõ 155 đường Trường Chinh thuộc dự án phần ven sông Lừ, mới có kết quả tổng thầu, trong tháng 7 này sẽ khẩn trương thi công.

Tính chung về gói thầu thi công số 5.2 cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B, đến nay nhà thầu đã triển khai 16 mũi thi công; đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Mọc và đoạn từ cầu Khương Đình đến đường 70B. Theo đó, nhà thầu thi công đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Mọc (trên địa bàn quận Cầu Giấy) đã cố gắng tập trung thiết bị, nhân lực, vật tư thi công thông đường trước 22/5/2011 phục vụ nhân dân khu vực đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Hiện nay đang tập trung thi công cơ bản hoàn thành đường và vỉa hè những vị trí có mặt bằng trên địa bàn phường Yên Hòa và Trung Hòa để bàn giao sử dụng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội đề nghị nhà thầu thi công đoạn từ cầu Mới đến đường 70B trong thời gian tới cần phải chủ động tăng thiết bị, nhân lực, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Lãnh đạo Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 là đại diện liên danh và ban điều hành gói thầu 5.2 của nhà thầu phải thường xuyên đôn đốc các đơn vị thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến đóng góp từ các quận, huyện, sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, năm 2011, tất cả các đơn vị chức năng phải tập trung quyết liệt GPMB và hoàn thành tuyến bờ phải sông Tô Lịch. Đáng chú ý là công tác thi công phải gắn chặt với GPMB, thi công sát nút để thúc đẩy GPMB, vướng mắc đến đâu, xử lý ngay đến đó. Vận dụng tối đa các quy định của luật để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách, nếu cố tình chây ỳ sẽ bị cưỡng chế.

Với kiến nghị của quận Thanh Xuân về khó khăn trong xác định nguồn gốc đất (qua nhiều giai đoạn với các chính sách khác nhau); Phó Chủ tịch yêu cầu quận cần phân loại ra đất sử dụng ra trước hay sau năm 1993 để làm cơ sở đền bù. Với những hộ có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp do chính quyền cấp, được đền bù tối đa; với những giấy tờ chỉ do đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp là không có cơ sở pháp lý.

Với vấn đề thu hồi đất liên quan đến nhà siêu mỏng, siêu méo, Phó Chủ tịch tán thành cách làm của quận Thanh Xuân (việc này trước đây đã áp dụng trong GPMB tuyến đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ). Theo đó, với phần đất nhỏ, thu hồi sau GPMB sẽ giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý (làm bảng tin, trồng cây xanh), hoặc hợp khối với mục đích làm đẹp phố phường.

Đáng chú ý về vấn đề nhà tái định cư, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng với quỹ nhà đã được xác định, bàn giao về số lượng, diện tích, cơ cấu để các quận, huyện áp vào phương án bồi thường. Bên cạnh đó, nếu đền bù bằng tiền, chính quyền quận, huyện chịu trách nhiệm phê duyệt và đảm bảo trước Pháp Luật. Với quận Cầu Giấy, có kiến nghị từ các hộ dân và Ban chỉ đạo GPMB quận, trong việc thu hồi đất, diện tích tái định cư phải bằng hoặc lớn hơn nơi ở cũ. Theo Phó Chủ tịch phải áp dụng chính sách có lợi cho người dân nhất, ví như, một hộ bị thu hồi 100m2 đất, ngoài việc được đền bù 1 căn hộ 70m2 (theo cơ cấu), cần xét duyệt thêm một căn hộ hơn 30m2 nữa.

Về trách nhiệm của người dân liên quan đến công tác GPMB, Phó Chủ tịch đề nghị, người dân có trách nhiệm sau khi nhận đền bù phải bàn giao ngay nhà đất để chính quyền thu hồi. Với những hộ nghèo, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư được cho trả chậm; nếu không có nơi ở nào khác (dù nguồn gốc đất chưa hợp pháp) vẫn được bố trí căn hộ tái định cư.

Cuối cùng, về vấn đề thi công, chủ yếu liên quan đến hệ thống ngầm như điện, cấp thoát nước, Phó Chủ tịch yêu cầu Ban quản lý dự án thoát nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện; không để xảy ra úng ngập cục bộ. Với những đoạn đường đã thi công xong, chưa bàn giao phải quản lý chặt không để những cho những tổ chức, cá nhân “nhảy” vào trông giữ xe. Đặc biệt, các đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, không gây ùn tắc, mất vệ sinh.

Như vậy, mặc dù phải xử lý nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc nhưng Thành phố quyết tâm đến cuối năm 2011, Hà Nội sẽ có thêm một tuyến đường đẹp ở bờ phải sông Tô Lịch.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật