Điện thoại “nó biết nuốt”… người

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sẽ là rất vô lý, nếu ai đó đổ lỗi lầm này nọ cho… cái điện thoại di động, bởi nó chỉ là một thiết bị vô tri. Nó tốt hay xấu là do người sử dụng. Nhưng, có rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra, để rồi người ta ân hận, nếu không có “thằng” di động thì làm gì phải khổ đến thế.
Điện thoại “nó biết nuốt”… người
Lý Thị Sinh, Lý Thị Sua và Lý Thị Minh. hai cô gái bị lừa và dụ dỗ bỏ nhà đi khi nghe điện thoại từ người lạ tặng

Thí dụ, vừa qua, khi chiếc xe mười mấy chỗ ngồi chở đám cưới đâm vào tàu hỏa ở Thường Tín, Hà Nội, gây ra chuyện chết chóc, hãi hùng cho bao nhiêu người. Nguyên nhân vì lái xe mải “buôn” điện thoại di động mà xảy ra nông nỗi ấy. Rồi nhiều sơn nữ xinh xắn đã mất tích và vài cô trốn về, gặp tôi khóc lóc kể lể, họ đều bị mắc lừa những kẻ “bán thịt buôn người” vì cái điện thoại di động. Ở vùng cao huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nhiều người thở than: điện thoại ấy, nó độc hơn cả lá ngón, nó nuốt mất bao nhiêu là con gái đẹp.

Bà mẹ trẻ thờ hai... số “di động”

Anh Trọng, Trưởng Công an huyện Bảo Lâm buồn bã nói: “Đồng bào nhiều người thật thà lắm, nghe vài cuộc gọi, đọc ít tin nhắn, thế là… đi theo, chả biết mặt mũi người ta thế nào”… Nhiều vụ các cô gái tự dưng mất tích được trình báo lên công an, vào cuộc điều tra, thì ra, có đối tượng bí ẩn tự dưng tặng cho cô nàng kia cái “di động”, có khi họ ở xa tít hút đâu đâu, rồi “bắn” cho hàng lô tin nhắn. Thế là đò đưa, tán tỉnh, hẹn hò và… bị đánh thuốc mê, đem ra nước ngoài bán. Họ bị lừa, gia đình họ bị lừa, cứ dễ như trò đùa, vừa bi vừa hài đến nhói buốt!

Nhà anh Trương Văn Thanh nằm biệt lập trong một thung lũng của bản Nà, xã Quảng Lâm, chỉ có thể lội bộ mới vào được. Anh Thanh 42 tuổi, vợ là Hoàng Thị Sông, 38 tuổi. Năm 2009, họ đã gặp điều bất hạnh lớn: Con gái Trương Thị Công, 14 tuổi và con trai Trương Văn Hùng, 7 tuổi của họ đang đi chăn bò ở đầu nhà thì cùng lúc bị mưa gây sạt núi, trôi xác ra tận gần sông Gâm! Đã nghèo, lại hẩm phận, gia đình anh Thanh được xây tặng nhà Đại đoàn kết, nên kinh tế cũng bớt khó khăn.

Năm 2010, khi cô con gái còn lại (tên là Trương Thị Dĩa) bước vào tuổi 14, anh Thanh nghĩ mình phải bù đắp cái gì cho con, nó ở giữa hoang vu thiệt thòi đủ đường, thế là bèn mua tặng một cái điện thoại di động. Em gái thơ ngây bị lọt vào tầm ngắm của những kẻ lừa đảo. Mở đầu là việc cô hàng xóm thọt chân (tên là Dận, hơn Dĩa vài tuổi) được ai đó tặng một cái điện thoại di động và vài đĩa nhạc tình ái vu vơ. Họ hí hửng, tin qua tin lại, gọi qua gọi lại, Dận bị dụ dỗ. Có lần chúng vào đầu bản, đem xe máy đón Dận đi ăn chơi, rồi phát hiện ra cô này thọt chân (chắc bán mất giá!), nên chúng thả về.

Rồi chúng thông qua Dận để tiếp cận bé Dĩa 14 tuổi ngây thơ. Họ gửi tiền cho Dĩa bằng cách nạp tiền thẳng vào điện thoại. Mật ngọt chết ruồi, bị dụ theo họ đi ở cái chốn giàu sang, có ô tô, xe máy, ăn sung mặc sướng, chứ không ăn mèn mén rồi đi làm nương khổ sở như nhà Dĩa và nhà Dận đâu. Thế rồi mẻ lưới được giăng ra, Dĩa bị mang đi. Cũng bị kẻ xấu nhân tiện đem đi hôm đó, tài liệu của công an và các nhân chứng cho biết, còn có cả người phụ nữ tên là Đào Thị Sông, ở bản Khau Củm cùng xã. Hai con “cá” cùng bị bắt.

Anh Trương Văn Thanh khai trong tài liệu mà công an huyện Bảo Lâm đang giữ, cũng như lời kể của anh ta với chúng tôi khi gặp, như sau: hôm đó, anh Thanh và con gái đi cấy sớm lắm, cấy ở đầu bản, lúc mặt trời lên thì về nhà ăn sáng. Chợt có người bán kem đi qua, anh Thanh chạy ra mua một bát dăm que, định bụng gọi con gái ra ăn cùng. Càng gọi càng không thấy. Anh Thanh sang hàng xóm mượn máy điện thoại di động gọi, thì con gái bảo đang đi qua huyện Bảo Lâm rồi. Đang nói thì điện thoại hết tiền, không gọi được nữa.

Cũng từ đấy, gọi vào số của Dĩa, chưa bao giờ anh Thanh nghe được lời con gái một lần nữa. Anh chạy ra đầu cầu treo ven đường nhựa hỏi, thì người dân kể: Dĩa đi với một thằng nào từ lúc nãy. Họ đi xe máy. Anh Thanh tức tốc đi báo công an. Hồ sơ vụ việc biến mất của Dĩa dày cộp những lời khai của nhân chứng và đối tượng nghi vấn, nhưng việc tìm được Dĩa về thì càng ngày càng mịt mù. Trưởng Công an xã rớm nước mắt: Gặp tôi, mẹ Dĩa khóc vật vã, rồi lôi ra ảnh, giấy tờ, đặc biệt là miếng giấy nhỏ có ghi các số điện thoại mà chị coi là sợi dây duy nhất hy vọng có thể nối với con lúc này. Người phiên dịch tiếng Mông bảo tôi, chị ấy nói, chị sẽ coi hai số điện thoại này như một vật thờ cúng, sẽ đi theo nó để tìm ra con gái Dĩa, số này của Dĩa, số này của kẻ đã dụ em đi.

Lừa cháu gái, đòi bắt nốt cô... dì

Anh Thanh quá đau xót vì con gái bị lừa đi mất. Chị Sông đi chợ, lại cứ hay hóng chuyện, có khi họ phao tin người ta giết con gái mình rồi, thế là chị nổi điên, về nhà đòi nhảy xuống sông Gâm. Vợ chồng cãi nhau, anh Thanh bán một con bò đẹp nhất, lấy tiền sang biên giới phía Đồng Văn, Mèo Vạc, sang cả bên Trung Quốc tìm con. Đi đâu cũng khóc, mang theo tấm ảnh Dĩa để hỏi.

Chợt Hoàng Thị Dinh, em gái Sông, dì ruột của Dĩa bỗng dưng đòi… ăn lá ngón t‌ּự t‌ּử vì tức mẹ già. Chị Sông tìm hiểu, thì hoá ra, thằng Minh (em trai chị) mua cho em gái một cái điện thoại di động. Dinh 16 tuổi, đầy đặn, ngơ ngác, xinh xẻo lắm, nhà ở gần suối, mỗi lần Dinh tắm hay vén váy xanh đi bộ qua suối, là trai bản xôn xao đi ra đi vào.

Dinh có điện thoại hôm trước, thì hôm sau có thằng xưng là Thành, có khi xưng là Mành (trùng với cái tên đã lừa bé Dĩa) gọi điện làm quen. Mỗi lần nó nhắn tin, gọi điện bằng một số máy, nó cứ gọi 30 phút hoặc cả tiếng đồng hồ một cuộc. Suốt ngày, suốt đêm, Dinh chỉ những nghe điện thoại đã mệt. Nó bảo Dinh đi theo nó, sẽ được làm nghề bán hàng, sung sướng, không khổ như bản lưng chừng núi ăn ngô suốt đời trong Thạch Lâm đâu. Dinh bảo, Dinh không quen anh Thành/Mành, chắc anh nhầm máy rồi. Dinh tắt máy, tháo sim ra vài ngày, lúc lắp vào Mành lại gọi.

Biết được cơ sự, bà mẹ mất con Hoàng Thị Sông chợt nảy ra ý định lợi dụng sự cả tin của Dinh để… tìm manh mối về con. Dinh thay chị dò hỏi về cháu Dĩa đã mất tích. Cả nhà bắt Dinh bật loa điện thoại cho họ nghe. Họ nghe Mành kể về số phận của Dĩa. Mành bảo, anh của Mành lừa bán Dĩa, giá 20 triệu đồng, chứ Mành là người tốt, Mành yêu Dinh vì Dinh rất đẹp, chứ không phải chỉ đẹp một tí một tí thôi như Dinh nói đâu. Dinh ra đầu cầu sắt (cách nhà hơn 10km), Mành sẽ đón đi đến một nơi sung sướng.

Và, chị Sông không thể ngờ được, nửa chừng điệp vụ kể trên thì cô em gái cả tin, ngốc nghếch của chị đã… quá yêu cái anh chàng lúc xưng là Thành, lúc gọi là Mành đểu giả kia. Một lần, Dinh cất bước đi, lẻn đến chỗ hẹn với Thành. May mà gia đình chặn lại, cướp Dinh trở về. Và, khi chúng tôi tổ chức cho Dinh nói chuyện với Mành (chỉ Dinh gọi thì Mành mới nghe) để thu thập tư liệu, thì bất ngờ thay, Dinh lật lọng xoá số của Mành trong máy mình để… cứu Mành, kẻ mà Dinh thấy như… người yêu.

Khi Dinh thú nhận điều này, trước mặt Bí thư Đảng uỷ xã, Trưởng Công an xã Thạch Lâm, chúng tôi cùng chết đứng vì sự mê muội tội nghiệp đó. Bên cạnh Dinh, Công an xã và cơ quan chức năng cũng vừa phối hợp cứu 4 cô gái khác ngay trên đường các nàng bị dẫn… vượt biên.

Hoàng Thị Dinh, 16 tuổi, được gia đình giải cứu trên đường ra chỗ hẹn với bọ lừa đảo.

Đi chợ tình dưới... địa ngục

Tiễn chúng tôi đi tìm hiểu vụ 3 cô gái xinh nổi tiếng của xã Lý Bôn bị dụ đi chợ tình rồi đánh thuốc mê bán sang Trung Quốc, một cán bộ điều tra của công an huyện thở dài: “Không hiểu sao bọn nó có số điện thoại của các cô, ngay khi họ vừa mới biết sử dụng di động, mà lại chỉ nhắm vào các cô xinh gái nhất”. Phải nói là thật buồn, thật thất vọng, và có gì như là xấu hổ, khi thấy các em gái xinh đẹp của nhiều bản làng bị lừa bằng những chiêu thức ngớ ngẩn như thế. Tôi thật sự không muốn đến gặp nhiều thêm các gia đình mất con gái hơn nữa, gặp chỉ thêm thảm thêm buồn. Song, cái tin em Lý Thị Sua, ở bản Khuổi Vin, xã Lý Bôn, cùng huyện Bảo Lâm vừa trốn từ căn nhà nhốt gái trẻ của bọn buôn người bên kia biên giới trở về lại khiến tôi tức tốc lên đường.

Chuyện của Sua - cô bé 15 tuổi từ “địa ngục” trở về sinh động và thuyết phục như những thước phim quay chậm: Chị của Sua tên là Lý Thị Sinh, 1‌8 tuổ‌i, tự dưng có người nhắn tin làm quen, rồi nhân dịp đầu xuân mới nhắn tin rủ đi chợ tình Khau Vai. Chúng gạ Sinh rủ thêm em gái ruột của sinh (là Sua); thêm Lý Thị Minh, 15 tuổi (con ông Lý Văn Phòng, trưởng bản) cùng đi. Bọn chúng đợi tít ngoài đầu đường, 3 gã chở 3 cô gái đi thẳng. Đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang), bọn chúng cho uống nước mía, ăn cơm, rồi thức ăn có gì đó, các cô cứ mê mẩn đi theo như kẻ mộng du.

Đến lúc Sua tỉnh dậy, thì thấy c‌ơ th‌ể thâm tím, bạn Minh và chị Sinh đang bị hai thằng đánh tàn bạo. Sinh chảy máu trên mặt. Vì không nghe lời chúng, vì đòi về, vì không chịu nộp điện thoại cho nó. Chúng tịch thu điện thoại, Sua giằng lại. Chúng bảo: “Nói cho các người, đây không phải là Việt Nam nữa, các người đã bị bán, chỉ còn cách nghe lệnh, nếu không sẽ ăn đòn tiếp!”. Trong căn nhà ở nơi hoang vắng, Sua thấy chúng nó dắt thêm vài cô gái trẻ măng nữa vào, cũng đánh đập, doạ dẫm, rồi cho ăn uống “kẻo để nó gầy là mất giá”.

Đến nửa đêm của một ngày bị giam cầm, cô bé Sua nhảy từ trên gác xuống, chạy trốn xuyên rừng, xuyên phố, tấp vào một bờ sông chờ người đi qua để lạy lục, khóc kêu cứu. Hai cô gái người Mông ở Trung Quốc đã cứu Sua, cho đi nhờ xe máy về phía đồn biên phòng Việt Nam. 7 ngày sau, Sua trở lại bản, trong tràn ngập nước mắt và sự thăm hỏi của bà con. Riêng hai cô Sinh và Minh thì vẫn bặt tăm...

Những cô gái dân tộc thiểu số đã biến mất, để lại bao lo lắng, hoang mang cho các bản làng. Các em để lại rất nhiều bức ảnh đẹp treo trong những ngôi nhà lụp sụp ở miền rừng hoang vắng. Mỗi lần xem ảnh của họ, tôi cứ buốt lòng tự hỏi: Không lẽ, chúng ta cứ để điện thoại di động “nuốt” mất các bé gái, các thiếu nữ đáng thương thế ư? Không lẽ chúng ta bó tay dễ dàng thế ư?

…Bước chân tôi rời các bản vắng có sơn nữ bị lừa bán, cứ nặng trĩu, con suối như sâu hơn, ngọn núi như cao hơn. Biết là nhiều em đang đứng ở cửa hang hùm miệng sói, mà không làm sao cứu được. Thôi, bèn quay ra trách cái điện thoại di động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật