Nguyên tắc để giữ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến – Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội, mọi tranh chấp đối với Hoàng Sa và Trường Sa đều phải giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế, đặc biệt theo tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Nguyên tắc để giữ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
Việt Nam quyết giữ vững chủ quyền bất khả xâm phạm của mình. Ảnh: Vietnamnet.

Chuyên gia Hoàng Việt – Đại học Luật, Thành phố Hồ Chí Minh – cũng khẳng định, với việc UNCLOS lần lượt được các nước ký kết và có hiệu lực, việc giải quyết tranh chấp trên biển của các chủ thể liên quan mà các quốc gia đã là thành viên của Công ước thì phải có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp theo những quy định của Công ước. Công ước này được coi là một bản hiến pháp về biển và đại dương với phạm vi và hiệu lực chỉ đứng sau Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Các điều khoản giải quyết tranh chấp của UNCLOS được quy định ở chương XV và các bản phụ lục kèm theo. Chương XV của UNCLOS gồm 30 điều, đưa ra một khung tổng thể, trong khi các phụ lục liệt kê các chi tiết về hòa giải, tòa án trọng tài thông thường, tòa án trọng tài đặc biệt, Tòa án Luật Biển, Ủy ban Giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển.

Chương XV của UNCLOS quy định, các bên tranh chấp có thể tán thành bất cứ một cách thức giải quyết tranh chấp nào mà họ cùng lựa chọn. Chỉ khi nào họ không nhất trí được với nhau về cách thức giải quyết hoặc cách thức đó không dẫn đến một giải pháp cho cuộc tranh chấp thì các điều khoản quy ước bắt buộc còn lại mới được đưa vào áp dụng.

UNCLOS cũng có những quy định theo đó các bên tranh chấp có thể vận dụng để xây dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác. Đó là:

• Xác định vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia ở vị trí đối diện hoặc có vùng duyên hải tiếp giáp. Trong khi chờ đợi một hiệp định trên cơ sở luật pháp quốc tế, các bên cố gắng tìm kiếm những dàn xếp thiết thực tạm thời trong giai đoạn chuyển tiếp. Những dàn xếp tạm thời đó không ảnh hưởng đến sự phân định cuối cùng. (Điều 74).

• Đặt ra những nghĩa vụ hợp tác chung đối với những quốc gia có chung biên giới trong vùng “biển nửa đóng”. Theo đó, các bên sẽ: phối hợp quản lý, thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên sống; phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường biển; phối hợp chính sách nghiên cứu khoa học và cam kết những chương trình nghiên cứu khoa học chung phù hợp. (Điều 123).

Điều khoản áp dụng bắt buộc thứ nhất (Điều 283-2) của UNCLOS là: “Khi có một tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác.

Đặc biệt, mỗi bên có thể mời bên kia tham gia vào cách thức hòa giải. Điều 6 phụ lục V của UNCLOS cũng quy định việc thành lập một ủy ban hòa giải với chức năng “lắng nghe ý kiến của các bên, xem xét các đòi hỏi và ý kiến phản đối của họ và nêu ra các đề nghị nhằm giúp họ đạt tới một giải pháp hòa giải vụ tranh chấp”.

Những người hòa giải có thể làm một bản báo cáo không bắt buộc đối với các bên. Nếu không đạt được một giải pháp nào thì sẽ phải áp dụng các thủ tục cưỡng bức dẫn đến những kết luận bắt buộc.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì các quốc gia thành viên của UNCLOS vẫn có sự linh hoạt đáng kể. Họ có thể đưa ra một lời tuyên bố chấp nhận quyền tài phán của một hoặc các cấp xét xử khác nhau như: Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), một tòa án thông thường hay tòa án trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong phụ lục này.

Nếu cả hai bên tranh chấp cùng chấp thuận một diễn đàn thì tranh chấp sẽ được trình lên diễn đàn đó. Nếu các bên không chấp nhận một diễn đàn thông thường, hoặc nếu một bên không có một lời tuyên bố nào thì tranh chấp sẽ được đệ trình lên một tòa án trọng tài thông thường. Theo Điều 296 (1) của UNCLOS, các quyết định do tòa án có thẩm quyền đưa ra là có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo.

Chuyên gia Hoàng Việt cho biết, trong thời gian qua đã có một số tranh chấp lãnh thổ biển giữa các quốc gia trên thế giới được giải quyết qua con đường tòa án hoặc thương lượng trực tiếp giữa các bên. Những vụ xét xử về tranh chấp lãnh thổ gần đây của ICJ cho thấy sự cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp này theo hướng hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như nguyện vọng chung của người dân yêu chuộng hòa bình trong khu vực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật