Gặp vị lương y từ quan gây xôn xao ngành y

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ân tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là vẻ ngoài nghiêm nghị và không muốn nói nhiều về mình. Thế nhưng sau khi nghe những câu chuyện về cuộc đời ông, người ta mới nhận ra đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng, ông là một người giàu tình cảm và nhân hậu.
Gặp vị lương y từ quan gây xôn xao ngành y
Bác sĩ Bảng bên cây bưởi mà một bệnh nhân trồng tri ân

Không ồn ào với những danh xưng, không giàu có xe hơi nhà lầu, không lớn tiếng "cứu một người phúc đẳng hà sa"... nên không ai ngờ ông lão trạc tuổi 60, dáng người nhỏ thó, nét mặt hiền hòa chiều chiều đi bách bộ trên con đường nhỏ ở thành phố Tân An (Long An) lại là người từng cứu sống hàng ngàn mạng người dân miền Đồng Tháp Mười, từng có những phát kiến bước ngoặt cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân...

Cả một đời làm việc cứu người không màng danh lợi riêng, nên có thể chỉ vì một sự sai sót của cấp dưới mà ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam dám từ chức. Đó là bác sĩ Bùi Kim Bảng (SN 1952, ngụ 525, Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP. Tân An, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Long An).

Ca mổ oan nghiệt

Bác sĩ Bảng chiêm nghiệm: "Trong nghề y, không ai có thể khẳng định mình cẩn thận đến mức hoàn hảo, và tôi cũng không là ngoại lệ. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới bệnh nhân, đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống của người bệnh".

Ông nói người thầy thuốc tận tâm, tận lực cứu sống người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh cũng được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống cho họ. "Nhưng đối với các nghề khác nếu mắc phải sai lầm có thể còn có cơ hội chuộc lỗi, còn đối với nghề y...", bỏ lửng câu nói, ông cúi mặt. Thì ra câu chuyện 10 năm xưa cũ ấy vẫn chưa thôi day dứt trong ông.

Kể ca mổ năm ấy, ông cho biết: "Đó đã là chuyện của quá khứ, vốn dĩ tôi đã muốn quên đi mà chưa quên được. Nếu các anh chị muốn biết thì tôi cũng chẳng có gì phải giấu dếm, cũng có thể là một bài học cho mọi người".

11 năm về trước, vào đêm ngày 17/9/2000, một sản phụ 38 tuổi, ngụ tỉnh Long An được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sức khỏe yếu. Ca trực đêm hôm đó gồm có 4 nữ hộ sinh là chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Nguyễn Thị Lạc, Quách Kim Luận, Huỳnh Ngọc Linh. Thế nhưng sau khi tiếp nhận sản phụ, các nữ hộ sinh này đã không thông báo cho bác sĩ trực là Phạm Thị Lệ Nương và Nguyễn Thị Bích Lệ, lại theo dõi không sát về diễn biến bất thường của người mẹ.

Đến 4h45', các nữ hộ sinh mới báo bác sĩ trực, khi đó sản phụ đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ tiến hành ca mổ nhưng sản phụ đã bất ngờ ngừng tim trên bàn mổ lúc 5h30' rạng sáng hôm sau (sau hơn 7 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhập viện).

55 phút sau khi sản phụ ngừng tim, Phó giám đốc bệnh viện Bùi Kim Bảng mới nhận được tin báo từ nhân viên công tác tại bộ phận nội vụ về ca mổ nêu trên. Nhận được tin khẩn cấp, ông cùng các cán bộ khác của bệnh viện lao đến cơ quan, ngay lập tức bắt tay tìm hiểu nguyên nhân cái chết của sản phụ và thai nhi.

Sau 4 giờ kiểm tra kết quả cho thấy "do "bất xứng đầu chậu" (khung chậu bị hẹp mà thai lại quá to dọa vỡ tử cung, các trường hợp này ngày nay nếu phát hiện thì sản phụ sẽ buộc phải sinh mổ - PV) gây vỡ tử cung, đã dẫn đến việc sản phụ và thai nhi t‌ử von‌g". Bác sĩ Bảng day dứt: "Nếu sản phụ được mổ khi đang chuyển dạ thì sẽ cứu sống được cả mẹ lẫn con. Đây là một sai lầm, một lỗi lầm rất lớn".

Lương tâm lên tiếng

Sau sự việc kể trên, Hội đồng kỷ luật đã quyết định xử lý kỷ luật: Cách chức Trưởng và Phó khoa sản đối với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa và bác sĩ Nguyễn Thị Ánh, cảnh cáo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Lệ, khiển trách bác sĩ Phạm Thị Lệ Nương (cả hai bác sĩ này đều bị bố trí công tác khác), 4 nữ hộ sinh có tên trên: 2 bị hạ ngạch chuyển công tác khác và 2 bị hạ bậc lương.

Các văn bản xử lý vụ việc này đều không nhắc đến Ban lãnh đạo bệnh viện, vì không nói ra nhưng ai cũng hiểu họ hoàn toàn không có lỗi trực tiếp trong sự việc này, ca mổ nêu trên nằm ngoài quyền kiểm soát của Ban giám đốc.

Thế nhưng sự việc chưa dừng lại. Hàng trăm cán bộ nhân viên của bệnh viện, hàng ngàn người bệnh và đại diện các ban ngành của tỉnh "nhảy dựng" lên như ngồi trên đống lửa khi bác sĩ Bảng ra quyết định bất ngờ: "Tôi nộp đơn xin từ chức vì đã không hoàn thành nhiệm vụ trong sự việc nêu trên".

Trước quyết định của bác sĩ Bảng, Ban giám đốc bệnh viện Đa khoa Long An lúc bấy giờ gồm: Giám đốc - Bác sĩ Lưu Trí Dũng, Phó giám đốc - Bác sĩ Lý Bửu Tuyền cũng làm đơn xin từ chức theo bác sĩ Bảng, với lý do "liên đới trách nhiệm" trước sai phạm của các nhân viên y tế Khoa Sản làm bệnh nhân t‌ử von‌g.

Câu hỏi "Vì sao ông từ chức?" có lẽ là câu hỏi mà ông đã nghe nhiều lần. Bác sĩ Bảng cho biết: "Tuy không trực tiếp đứng mổ, nhưng lương tâm của người quản lý, người thầy thuốc khiến tôi không thể chối bỏ trách nhiệm liên đới. Mọi sai sót xảy ra trong phạm vi bệnh viện do tôi quản lý đều có lỗi do tôi chưa quan tâm tốt, chưa quản lí nhân viên của mình ".

Bác sĩ Bảng nói, với ông, y đức không chỉ là phẩm chất của người thầy thuốc, là tinh thần, thái độ phục vụ, hành vi ứng xử... mà còn là vấn đề sống còn, góp phần quyết định "thương hiệu" chữ tín của bệnh viện. Không thể vì một người mà ảnh hưởng đến tập thể, đó là lí do ông nhận hết trách nhiệm về mình. "Tôi muốn sự việc đáng tiếc trên sẽ là bài học đắt giá cho nhiều anh em đồng nghiệp khác, từ đó mọi người ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong công việc cứu người", ông tâm sự.

Thanh thản rời “ghế”

Ông kể lại, 11 năm gắn bó với bệnh viện Long An, quen tên từng nhân viên, nhớ đến từng chi tiết những ca mổ khó nên cơ quan đã như ngôi nhà thứ 2 của ông. Trước những ngày tự nguyện rời chức, ông đã suy nghĩ nhiều và bỏ qua những lời gọi tha thiết níu kéo để thực hiện hành động theo tâm nguyện của mình, dù "đau như mất một phần da thịt".

Quyết định nghỉ việc của bác sĩ Bảng là một mất mát vô cùng to lớn với bệnh viện. Tuy nhiên, không làm việc một thời gian thì nỗi nhớ nghề khiến ông không chịu nổi, cái máu y khoa đã ăn sâu vào máu thịt ông, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Đại diện Sở Y Tế tỉnh nhiều lần mời ông về làm việc, sau nhiều ngày đắn đo ông đồng ý chuyển về Sở công tác.

21 năm công tác tại bệnh viện Đa khoa Long An và Sở Y tế, khi về hưu, ông vẫn hăng hái đi đến các Hội Đông y của huyện, tỉnh để tham gia những buổi sinh hoạt, các hội thảo, chia sẻ những kinh nghiệm chữa bệnh hay tham gia các lớp học và hàng loạt chương trình khám cho những người dân nghèo. Đồng thời, hàng ngày ông vẫn cần mẫn khám chữa bệnh cho hàng chục lượt bệnh nhân tại nhà. Hàng ngày, sau giờ chữa bệnh ông trồng cây cảnh, nuôi chim... ông tự nhận: "Tôi không ham chức danh, tiền bạc, chỉ cần cuộc sống bình dị và ý nghĩa theo quan niệm của mình".

Cứ vài ba tháng, ông lại tổ chức đi khám bệnh từ thiện một lần, địa điểm thường là các tỉnh miền Tây. Không ít lần khi đến các vùng đồng quê, bỗng có người lao đến ôm chầm lấy ông rồi khóc nức nở và lạy như tế sao: "Đội ơn bác sĩ, nếu không có ông chắc giờ con đã không còn sống". Cười xòa đỡ người lạ lên và chưa cần hỏi cặn kẽ câu chuyện, đoàn khám chữa bệnh từ thiện ai cũng đoán ra: "Lại thêm một trường hợp người bệnh được bác sĩ Bảng cứu mạng qua... điện thoại, giờ họ mới được gặp mặt ân nhân"...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật