Ngành dịch vụ ngoại biên Ấn Độ “lao đao” vì thiếu nhân công

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các công ty dịch vụ ngoại biên Ấn Độ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng và chi phí nhân công ngày càng tăng, trong bối cảnh phải “gồng mình” để duy trì lợi nhuận và thị phần trên thị trường thế giới.
Ngành dịch vụ ngoại biên Ấn Độ “lao đao” vì thiếu nhân công
Ảnh minh họa
Ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ đã phát triển bùng nổ trong những năm gần đây, chủ yếu nhờ có chi phí lao động thấp và lực lượng nhân công giỏi tiếng Anh dồi dào tại quốc gia có hơn 1,2 tỷ dân này. Tuy nhiên, đại đa số các công ty thuộc ngành này đang phải đối mặt với khó khăn về nhân lực hậu suy thoái toàn cầu.

Ông Krishnakumar Natarajan, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ ngoại biên MindTree có trụ sở tại Bangalore, cho biết mỗi năm có khoảng 400.000 kỹ sư tham gia lực lượng lao động tại Ấn Độ, song trên thực tế chỉ 20% trong số này có thể làm việc được ngay, số còn lại chưa thể vì thiếu kinh nghiệm. Theo ông Natarajan, cuộc giành giật nhân công có kinh nghiệm và tay nghề cao đang nóng lên, vì tình trạng cắt giảm lao động tràn lan trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến số lao động mới đến với ngành dịch vụ ngoại biên giảm sút mạnh. Khi công việc kinh doanh phục hồi trở lại trong năm 2010 thì các công ty đối mặt với lỗ hổng lớn về nhân lực.

Theo đánh giá của Hiệp hội các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ (Nasscom), tỷ lệ lao động ngành công nghệ thông tin (IT) tham gia thị trường lao động đã tăng từ mức truyền thống 12%/năm lên 17% hiện nay. Tuy nhiên, trong một báo cáo công bố hồi tháng 4/2011, Phòng Công nghiệp và Thương mại ấn Độ (Assocham) cho biết tỷ lệ “thất thoát” lao động trong ngành này đã tăng lên 55%, từ mức 40% cách đây một năm. Tổng thư ký as‌socham D.S. Rawat nhận xét rằng tỷ lệ “tiêu hao” lao động cao như vậy có thể là “đòn chí tử” đối với sự phục hồi và tăng trưởng của ngành dịch vụ ngoại biên Ấn Độ.

Trong khi đó, Chủ tịch Nasscom Som Mittal dự đoán tiền lương của những lao động mới có thể sẽ tăng cao ở mức 12% trong năm nay. Chẳng hạn, Divya Bajaj (25 tuổi, sinh sống ở Bangalore) từng làm việc cho Google nhưng năm 2010 anh đã chuyển sang Infosys Technologies, với mức lương cao hơn 30%. Ông Sudin Apte, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Offshore Insights Research & Solution, nói: “Chi phí nhân công đang gia tăng, song các khách hàng lại không muốn trả thêm tiền”. Theo ông Apte, cách đây 5 năm, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty dịch vụ ngoại biên ở Ấn Độ thường vào khoảng 30-35%. Nhưng nay con số này đã giảm xuống 20-25% đối với những nhà cung cấp hàng đầu và chỉ ở mức 10-12% đối với các công ty nhỏ hơn. Theo nhận định của ông Apte, tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm thêm 3-4 điểm phần trăm nữa trong vòng 5 năm tới.

Theo thuật ngữ trong ngành công nghiệp Ấn Độ, nhiều công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ ngoại biên của nước này phụ thuộc vào sự “tăng trưởng dọc”, tức họ tăng doanh số bằng cách tăng số nhân công. Càng nhiều lao động, hoạt động kinh doanh càng lớn hơn. Tuy nhiên, khi chi phí nhân công ở Ấn Độ đắt hơn thì mô hình này có thể trở nên lỗi thời, vì khu vực Đông Nam Á và các vùng có chi phí rẻ khác vẫn rất sẵn nhân tài. Ông Praveen Bhadada, Giám đốc hãng tư vấn Zinnov Management Consulting có trụ sở tại Bangalore, nhận xét rằng ở những nơi đó, các đối thủ có chi phí lao động rẻ hơn có thể sẽ là mối đe doạ đối với các công ty dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ.

Tata Consultancy Services (TCS), công ty cung cấp các dịch vụ IT của Ấn Độ với doanh số 8,2 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua, đang nỗ lực thúc đẩy một mô hình triển khai mới, không giống như mô hình “tăng trưởng dọc”. TCS muốn tiêu chẩn hoá một số phần mềm và dịch vụ mà hãng này đã phát triển để bán cho khách hàng. Ông Vish Iyer, phụ trách các hoạt động tại châu á-Thái Bình Dương của TCS, cho biết năm 2010, công ty này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ máy tính đám mây cho các khách hàng cỡ nhỏ và cỡ trung. Ông nói: “Mục tiêu đó là nhằm thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi, chứ không phải gia tăng số nhân công”.

Tuy vậy, hơn 90% doanh thu của TCS vẫn phụ thuộc cách làm ăn lỗi thời nói trên. Ông Iyer thừa nhận: “Chúng tôi chưa thể thay đổi một cách nhanh chóng được, nhưng chúng tôi sẽ hành động”. TCS cũng đang đa dạng hóa và mở thêm văn phòng tại 41 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Philíppin.

Bangalore và các thành phố khác của Ấn Độ hiện vẫn duy trì được nhiều lợi thế. Ông Apte của hãng Offshore Insight nhận xét: “Không một nơi nào khác có thể đáp ứng một lực lượng nhân công lớn như vậy để đáp ứng nhu cầu của ngành dịch vụ ngoại biên”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo thị phần của các công ty Ấn Độ có nguy cơ giảm sút trong vài năm tới. Theo ông, Ấn Độ hiện chiếm khoảng 75-80% thị phần trên thị trường gia công phần mềm, nhưng tỷ lệ  có thể giảm 10 % vào năm 2015.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật