Người đàn bà nói ngông dưới gầm cầu bắc qua Sông Thương

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Chị công tác ở đây vất vả, chẳng có nhà mà ở chứ ở bên Trung (Trung Quốc) chị đầy nhà” người đàn bà tội nghiệp nhất ở tỉnh Bắc Giang “ảo tưởng” một cách rành mạch như thế. bệnh thần kinh, nuôi con nhỏ, sống lang thang xin ăn… cảnh sống đó của chị ai nhìn cũng thấy xa xót, chỉ có điều vì bệnh nên chị cứ “nói ngông” như thế.
Người đàn bà nói ngông dưới gầm cầu bắc qua Sông Thương
Một đống rác ngổn ngang dưới cây cầu bắc qua Sông Thương là nơi tá túc của mẹ con chị Quyên

Người đàn bà yêu con nhất mực

Tòa soạn báo ở Hà Nội, nhưng nghe về cảnh sống của chị Quyên thì chúng tôi về ngay. Đi dọc những cái chợ đông đúc của thành phố Bắc Giang sầm uất hỏi người đi chợ nào cũng biết chị Quyên, họ bảo rằng: Vẫn thấy nó lảng vảng bế con đâu đây… Tức là cái hình ảnh người đàn bà điên điên, ngây ngây luôn giữ chặt đứa con nhỏ, lang thang ở chợ, ai cho cái gì thì ăn cái đó đã quen thuộc lắm!

Gầm cầu An Bình (thành phố Bắc Giang) là nơi người đàn bà ấy tá túc, ai qua lại đều sợ nơi này bởi lẽ nó là tụ điểm m‌a tú‌y tại địa phương. Người nghiện ngập qua lại nhiều thế nhưng quen thuộc vẫn là hình ảnh một người đàn bà luôn ôm con nhỏ, nằm trên manh chiếu dưới gầm cầu, cạnh chị là một đống màn, chăn, chiếu, thú bông, rác rưởi do chị nhặt từ chợ về.

Đến thăm chị, chúng tôi hỏi: “Chị Quyên tắm ở đâu?” Chỉ xuống bến sông chị nói “kia kìa”. “Buổi trưa chị ăn gì?” Nhìn xa xăm chị Quyên trả lời bằng tiếng Trung. “Ngủ ở đây có bị muỗi cắn không?” chị nói “Ít lắm”, chị chỉ lên những vết muỗi cắn trên tay thằng bé. Chị có hay về nhà không? Chị không trả lời mà nhìn xa xăm sau đó nói bằng tiếng Trung…

Rồi sau đó là một tràng tiếng Trung khó hiểu. Chị Quyên khoe quá khứ của mình: Như là được đào tạo để làm cán bộ, cái gì cũng có, biết chụp ảnh, quay phim…về Việt Nam “nhận công tác mới” chị không làm nữa…

Với đống đồ chúng tôi mang tới chị luôn miệng: Mày cho nhiều thế, tao không lấy đâu. Con tao không thích đâu. Rồi với khách lạ khi ra về Quyên cũng nói một câu “khéo”: “Thế về sớm nhé, về cẩn thận nhé! Khi nào rảnh thì ra thăm nhé! Không rảnh thì thôi nhé!”

Cứ lơ mơ về quá khứ, hình như chị Quyên quên thực tại của mình. Một cuộc sống “không giống cuộc sống của người” lại đèo bồng một đứa trẻ. Thế nhưng có một điều ám ảnh đến tận tâm can người chứng kiến đó là lòng yêu con lạ kì của người mẹ điên này. Cho dù chị nhận được sự quan tâm của mọi người; họ cho chị tiền, cho kẹo chỉ để xin bế đứa nhỏ một lúc, chị chỉ lắc đầu, không chịu rời con dù chỉ một lát.

Có lẽ chị Quyên đã bị cướp nhiều con quá!

Tương lai của cả hai mẹ con bị đe dọa vì gầm cầu An Bình là tụ điểm phức tạp về m‌a tú‌y tại địa phương.

Tìm hiểu qua những người sống gần đó chúng tôi biết được rằng nhà của chị Quyên cũng ở rất gần đó, tại thôn Văn Giàng, xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang. Thế nhưng chị Quyên không hay về nhà…

Tìm đến nhà chị chúng tôi gặp bố chị là ông Trần Văn Nhân. Ông Nhân đã hơn 80 tuổi, sống một mình cô độc… Ông kể rằng, cái Quen (tên chị Quyên hay gọi ở nhà) hồi trẻ là một đứa ngoan. Thế nhưng do ở nhà sống với các anh không hợp, bức bách quá nên có người rủ đi Trung Quốc thì đã đi theo… từ đó bắt đầu 17 năm lưu lạc của con ông. Khi trở về con ông nói ít tiếng Việt, nói nhiều tiếng Trung lại có một đứa con nhỏ trong bụng, khi đẻ ra Quen không cho ai bế vì sợ mất. Sau khi sinh con chị Quen mang bệnh thần kinh, nhiều lần gia đình cố gắng đưa đi khám mà không được… sau đó Quen đã tự bỏ nhà đi lang thang.

Ông Thăng (Chủ tịch UBND xã Tân Tiến) nói thêm về hoàn cảnh chị Quyên: Chị Quyên lưu lạc bên Trung Quốc và trở về địa phương lang thang đã hơn 1 năm rồi… Chị ta sống ở đó cũng là một điều nhức nhối với địa phương bởi gầm cầu là nơi phức tạp, cả chị và đứa con nhỏ chị mang theo có thể có những nguy cơ bị xâ‌ּm hạ‌ּi.

Ông Thăng nói bằng sự quan sát của mình: Nhiều lần chứng kiến tôi thấy chị ta giữ con rất chặt, không giao con cho ai cả… Theo tôi có thể chị ta đã bị cướp nhiều con quá nên mỗi khi có người quan tâm đến đứa con chị ta đều sợ hãi giằng lại hoặc nổi giận. Dù có biểu hiện bệnh tật nhưng tôi thấy chị ta là người yêu con hiếm thấy. Bởi thế địa phương đang cố gắng sắp xếp để đưa cả hai mẹ con vào trung tâm bảo trợ xã hội để tạm thời được chăm sóc.

Lời hứa của một cán bộ địa phương còn ngỏ… Thế nhưng hẳn đêm nay, dưới cây cầu nối hai bờ sông Thương ở một thành phố sầm uất, đứa trẻ vẫn đói, vẫn khóc và đêm đêm vẫn phải giật mình vì các phương tiện giao thông qua lại ầm ầm trên cầu.

Để có tương lai cho hai mẹ con, thì chị Quyên nhất định phải được chữa bệnh, và đứa con phải được chăm sóc. Bằng nhịp cầu nối với độc giả chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người đối với mẹ con chị Quyên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật