“Nhà nước sẽ sớm thu phí mua ôtô, xe máy!“

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải tin tưởng đề xuất của Hiệp hội này về việc thu phí quyền mua xe gấp nhiều lần giá trị xe sớm muộn sẽ được các cơ quan chức năng thông qua. Tuy nhiên mức thu cụ thể sẽ do cơ quan chức năng ấn định.
“Nhà nước sẽ sớm thu phí mua ôtô, xe máy!“
Ảnh minh họa

Như VnMedia đã đưa tin, ngày 31/5 vừa qua, VAFI đã có văn bản gửi tới Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất thu phí quyền mua ôtô, xe máy với mức thu cao nhất tới 4-10 lần giá trị xe. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều độc giả đã lên tiếng phản đối và cho rằng đề xuất bất khả thi.

Để làm rõ hơn những cơ sở của đề xuất này, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, người trực tiếp ký văn bản đề xuất:

PV: Thưa ông, vì sao VAFI lại đề xuất việc thu phí quyền mua ôtô xe máy và mức thu rất cao như vậy ?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: - Hiện nay tình trạng giao thông ở các thành phố lớn, các trục quốc lộ đã quá tải, ùn tắc liên miên. Ở nước ngoài người ta phát triển hệ thống giao thông công cộng rất tốt, ngoài xe buýt còn tàu điện ngầm, đường cao tốc, đường trên cao.., trong khi ở Việt Nam rất yếu và sơ khai. Nếu để tốc độ phát triển thế này thì thời gian ngắn nữa ùn tắc sẽ trầm trọng hơn rất nhiều, thời gian đi lại tăng gấp đôi, gấp ba, chưa kể tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh...

Từ trước nay Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải...đã đưa ra một số giải pháp nhưng không ăn thua, chẳng hạn tăng phí trước bạ, tăng thuế nhập khẩu, hay gần đây là Thông tư 20. Theo tôi Thông tư 20 vẫn chưa giải quyết được vấn đề bởi nó không kiểm soát được kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng.

Thực ra người tiêu dùng ai cũng muốn có xe máy, tiến tới xe máy đẹp, rồi ôtô và ôtô sang...và những nhu cầu này hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ những nhu cầu chính đáng này có duy trì, tồn tại được hay không. Tôi cho rằng nếu nhà nước không có chính sách điều tiết giao thông, đồng thời phát triển giao thông công cộng thì không thể đáp ứng những nhu cầu chính đáng này. Ở nước ngoài dù hệ thống giao thông công cộng rất phát triển thì tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Trước khi đưa ra đề xuất này, VAFI có tiến hành nghiên cứu kỹ lượng hoặc tham khảo ý kiến các chuyên gia về ôtô xe máy, về giao thông, tài chính hay không ?

- Thực ra cái này nếu ai đi nước ngoài nhiều sẽ thấy, thông lệ ở các nước, ngoài chuyện đóng phí cao, người ta còn đấu giá cao, thu phí đỗ xe rất cao.

Ông Nguyễn Hoàng Hải

Tuy nhiên mức phí mà VAFI đề xuất rất cao, chẳng hạn một chiếc xe máy trị giá 30 triệu có thể bị thu phí gấp 4 lần là 120 triệu đồng, hay một chiếc ôtô 6 tỷ có thể phải bỏ ra 60 tỷ đồng tiền phí này ?

- Về mức thì chúng tôi chỉ đưa ra gợi ý. Chẳng hạn xe máy, với xe bình dân chưa thu phí, xe đắt tiền trở lên là thu cao. Nếu muốn hạn chế mà chỉ thu 20-30% chỉ chẳng thấm vào đâu.

Vậy theo ông xe máy tay ga 30 triệu đồng là xe bình dân hay là xe đắt tiền ?

- Khi cơ quan làm chính sách muốn xây dựng mức cụ thể phải dựa trên điều tra tính toán thu nhập của người dân, về chủng loại xe, về giá trị trung bình...Còn chúng tôi chỉ đề xuất gợi ý về mặt đường hướng, đưa ra nguyên tắc cơ bản như vậy thôi.

Tôi nghĩ thế này, xe máy hay ôtô đắt tiền hiện đang cao gấp hàng chục lần xe thấp nhất mà người ta vẫn đang mua rất nhiều thì những xe đó phải hạn chế đi, chưa kể đây là nguồn ngốn hàng tỷ USD của đất nước mỗi năm. Bên cạnh đó, hiện nay ùn tắc giao thông đã ở mức cấp bách cần giải quyết, nhưng đưa ra một giải pháp toàn diện rất khó. Mới đây TP.HCM đưa ra đề xuất đi xe vào thành phố theo ngày chẵn, ngày lẻ và dư luận cũng phản đối rất nhiều. Mình đã rất chậm trong phát triển giao thông công cộng rồi thì đây chỉ là một phần, còn rất nhiều giải pháp khác nữa...

Đề xuất này dựa trên sự nghiên cứu của một nhóm tác giả ?

- Đúng vậy. Tự nhiên mình làm sao nghĩ được, cũng trao đổi với chuyên gia nước ngoài, rồi những lần đi nước ngoài người ta nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm. Chẳng hạn Mianma họ nghèo hơn mình nhiều nhưng cũng thu phí quyền mua xe máy.

Vậy mức cao nhất ở nước ngoài mà ông biết là bao nhiêu ?

Tôi thấy ở Singapore người ta còn đấu giá, như vậy mức độ cũng rất cao. Tuy nhiên chúng tôi không phải là những nhà làm chính sách mà chỉ đưa ra những kiến nghị thôi.

Tại sao ông không đề xuất đấu giá như nước ngoài mà lại đề xuất mức thu gấp nhiều lần giá trị xe như vậy ?

Nhiều cái rất hay nhưng trên thực tế lại không triển khai được. Chẳng hạn đấu giá biển số đẹp đấy, nói mãi không thực hiện được.

Ông có tin đề xuất của ông sẽ được các cơ quan chức năng thông qua ?

- Tôi nghĩ trước sau cơ quan chức năng sẽ chấp thuận vì đây là một công cụ điều tiết rất tốt. Tuy nhiên mức cụ thể thế nào do các cơ quan này xây dựng sau.

Ông nghĩ gì khi nhiều độc giả phản đối đề xuất của VAFI, đặc biệt là mức thu phí quá cao ?

- Chúng tôi không phải là nhà hoạch định giao thông. Còn các cơ quan hoạch định chính sách phải lắng nghe ý kiến dư luận, phải thuyết phục, giải thích khi chính sách đó đúng đắn, không có chính sách nào toàn diện cả. Đặc biệt cần xây dựng các mức phí phù hợp, chẳng hạn với xe bình dân thì không thu phí...

Xin cảm ơn ông !

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật