Chiến tranh mạng có thể thành chiến tranh thật?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các nhà thầu quân sự lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ đều đã bị tin tặc xâm nhập mạng máy tính và đánh cắp dữ liệu. Để đáp trả, một số quan chức Lầu Năm Góc ám chỉ khả năng Mỹ có thể sử dụng vũ khí để tấn công các nước dung dưỡng tin tặc.
Chiến tranh mạng có thể thành chiến tranh thật?
Ảnh minh họa

Dữ liệu bị  đánh cắp có thể chất đầy vài Thư viện Quốc hội

Theo Joel Brenner, cựu lãnh đạo Cơ quan Phản gián của chính phủ Mỹ thì việc xâm nhập và đánh cắp dữ liệu từ mạng máy tính của các nhà thầu quân sự đã diễn ra từ cuối những năm 1990. Thông tin về các hệ thống vũ khí và các dự án nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ luôn là đối tượng bị hơn 100 cơ quan tình báo nước ngoài nhòm ngó, trong đó, Nga, Iran, Trung Quốc được đánh giá là những mối đe dọa lớn nhất.

Còn theo James Miller, quan chức phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, lượng thông tin mà Mỹ bị đánh cắp trong các cuộc tấn công trên mạng cho đến nay có thể chất đầy vài Thư viện Quốc hội (một trong những thư viện lớn nhất thế giới, hiện lưu giữ 235 terabyte dữ liệu). Trong số này có cả những thông tin nhạ‌y cả‌m và chưa được phân loại.

Một trong những nạn nhân mới nhất của cuộc chiến tranh mạng nhằm vào Mỹ là Lockheed Martin, nhà thầu số 1 của Lầu Năm Góc. Cuối tuần trước, đại diện tập đoàn này cho biết, họ đang phải đối mặt với một đợt tấn công "dữ dội và dai dẳng" được phát hiện từ ngày 21/5. Lockheed Martin là nhà sản xuất các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất hiện nay như F-16, F-22, F-35, hệ thống tác chiến hải quân Aegis, tên lửa THAAD và nhiều hạng mục vũ khí chiến lược cung cấp cho Mỹ và các đồng minh. Năm 2009, kho dữ liệu về máy bay F-35 (dự án trị giá 380 tỷ đô la, đắt nhất trong số các hợp đồng mua vũ khí của Lầu Năm Góc) cũng đã bị tin tặc xâm nhập.

Những công ty hoạt  động trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ cũng là đối tượng thường xuyên bị tin tặc ghé thăm. Tháng 1/2010, mạng máy tính của hơn 30 công ty, phần lớn có trụ sở tại Thung lũng Silicon đã bị tấn công. Phía Mỹ cáo buộc thủ phạm là tin tặc Trung Quốc. 

Có thể dùng tên lửa đáp trả

Trong một báo cáo công bố tháng trước, Nhà Trắng cho biết sẽ trả đũa các hành động thù địch trên không gian mạng theo cách "như sẽ làm với bất kỳ mối đe dọa nào khác đối với đất nước chúng tôi". Tuyên bố này được đại tá Dave Lapan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ làm rõ hơn bằng một báo cáo khác, trong đó có đoạn viết "việc trả đũa các cuộc tấn công trên mạng nhằm vào nước Mỹ có thể không nhất thiết phải được tiến hành trên mạng... mọi sự lựa chọn phù hợp đều sẽ được cân nhắc". Còn theo Nhật báo phố Uôn, một quan chức cao cấp trong giới quân sự Mỹ thậm chí còn thẳng thừng: "Nếu anh dám tấn công mạng điện lưới của chúng tôi, thì coi chừng chúng tôi có thể bắn tên lửa vào nhà anh".

Tuy vậy, cả giới chuyên gia công nghệ thông tin và quân sự Mỹ  đều thừa nhận, trả đũa các hành động tấn công trên mạng là việc nói dễ, khó làm. Vì tin tặc ngày nay thừa trình độ để xóa dấu vết và đánh lạc hướng mà đơn giản nhất là chiếm máy chủ ở nước này để tấn công nước khác. Cũng rất khó để chứng minh mối liên hệ của một chính phủ với các nhóm tin tặc. Ngoài ra, trả đũa bằng quân sự có thể gặp các rào cản về mặt pháp lý, khi vẫn còn nhiều phương pháp khác được coi là hợp pháp hơn như trừng phạt tài chính, hoặc đối đầu trên mạng bằng công nghệ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật