Muôn màu các hội của ‘những người phát cuồng’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mạng xã hội với tính tương tác cao đã mở ra một môi trường mới cho giới trẻ có thêm cơ hội giao lưu, hiểu biết. Dễ bày tỏ suy nghĩ, dễ chia sẻ quan điểm, mạng xã hội kéo theo việc thành lập một số “hội” mà chỉ mới nghe tên đã thấy lạ lùng.
Muôn màu các hội của ‘những người phát cuồng’
Ảnh minh họa

Từ “Hội những người phát cuồng”…

Trên các mạng xã hội lớn hiện nay xuất hiện nhan nhản các “hội” lạ, mà cái tên được chọn lựa nhiều nhất thường bắt đầu là “Hội những người phát cuồng…”.


Các “hội những người phát cuồng” luôn thu hút rất đông thành viên tham gia.

Giới trẻ “phát cuồng” vì nhiều lý do: vì quá yêu thích một ca sĩ, một môn thể thao; bức xúc trước một hiện tượng xã hội đang gây xôn xao dư luận hay một nhân vật đình đám một cách tiêu cực. Theo đó, họ thành lập các hội phát cuồng mà số hội viên có khi lên đến hàng chục ngàn lượt người.

Điển hình như sau thành công của ca sĩ Uyên Linh tại Vietnam Idol 2010, ngay lập tức, “Hội những người phát cuồng vì Uyên Linh Idol” được lập ra để ủng hộ ca sĩ này, và cho đến nay có trang đã lên tới hơn 7.000 member. Từ trang này, các bạn trẻ chia sẻ lịch diễn, hình ảnh, bày tỏ lòng hâm mộ đối với ca sĩ thần tượng.

Một hội được các bạn trẻ mê bóng đá tham gia tích cực là “Hội những người phát cuồng vì T.B.C và đồng nghiệp” với gần 15.000 member. Blogger Văn Nguyễn Đăng, một thành viên của hội này chia sẻ: “Mình tham gia hội này vì mỗi lần nghe bình luận viên bóng đá trên truyền hình tường thuật trận đấu là mình lại cảm thấy cần chia sẻ những câu bình luận sai, bình luận lạ của họ… để xả stress”. Trên trang này, các member làm hẳn clip để bình luận những câu nói chệch chuẩn của các bình luận viên một cách chế diễu, đại loại như: “Adriano vừa lên chức cha, con gái của anh vừa sinh cho anh một cô con gái đầu lòng”, “Diễn biến của hiệp một đang diễn ra hoàn toàn trái ngược với hiệp hai”… Đi kèm với đó là những bức ảnh được chế lại để tăng thêm kịch tính cho phần nội dung.

Những trường hợp trên chỉ là hai trong rất nhiều “Hội những người phát cuồng…” được lập ra trên các trang mạng xã hội. Có rất nhiều hội khác được mở ra với những quy mô lớn nhỏ khác nhau, với nhiều mục đích khác nhau: thể hiện sự yêu mến, chế diễu tiêu cực, như “Hội những người phát cuồng vì ca sĩ V.H” (một ca sĩ ở TP.HCM), “Hội những người phát cuồng vì Thím Gấu bông” (chế diễu việc các bạn trẻ có hành động bái lạy gấu bông ở Hà Nội vừa qua). Thậm chí có những “hội” nhỏ hơn và có “tính cộng đồng” hơn như: “Hội những người phát cuồng vì màu hồng”, “Hội những người phát cuồng vì cô Loan dạy Lý”, “Hội những người phát cuồng vì tào phớ cổng trường Yên Hòa”…

… đến các hội "yêu, ghét, chán…"

Bên cạnh các “Hội phát cuồng” với nhiều nội dung chế diễu không thật cụ thể, thì các trang mạng xã hội còn có những hội bày tỏ quan điểm rất rõ ràng. Bất cứ tình cảm nào dù là yêu mến, ghét hay chán cũng được các bạn trẻ thành lập nên “hội” để bày tỏ và mong muốn nhận được sự chia sẻ.

Ở một số “hội” còn đặt ra cả nội quy cho thành viên.

Các bạn trẻ khi có những đam mê, thường lập “hội” để tìm kiếm những bạn trẻ khác cùng sở thích. Những trang “Hội những người yêu mèo”, “Hội những những người yêu du lịch”, “Hội những người yêu Vespa cổ cuồng si”, “Hội những người thích ngủ vừa đắp chăn, vừa bật quạt”… liên tục ra đời. Đa phần những “hội” này đều hoạt động đều đặn và có những bình luận tích cực về nội dung. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có những tên hội ngoại lệ như “Hội những người yêu hết mình rồi chia tay bất thình lình” hay “Hội những người thích thì nhích còn không thích thì kích”…

Ngay sau khi một nhóm nhạc biểu diễn một bài hát rất lạ trong chương trình ca nhạc, một hội ngay lập tức được thành lập với tên “Hội những người mãi mãi bàng hoàng khi xem "Đ-L-L" biểu diễn”. Sự bày tỏ có phần hơi thái quá này lại thu hút được rất nhiều thành viên. Hay khi chứng kiến sự chiến thắng của ca sĩ khác đối với ca sĩ mình hâm mộ, các bạn trẻ thành lập nên “Hội những người ghét bộ mặt giả tạo của ca sĩ L…”. Hay những điều giản đơn trong đời sống xã hội cũng có thể lập nên “Hội những người ghét cay ghét đắng cái loa công cộng”…

Những hình ảnh được các thành viên “chế” lại để tăng thêm kịch tính.

“Hội những người độc thân nhưng sốt ruột”, “Hội chán học Việt Nam”, “Hội những người chán khí trời thèm hơi đất”… và rất nhiều các tên khác góp thêm nhiều màu sắc vào các “hội”.

Blogger Tăng Ngọc Vy Khánh bày tỏ: “Có lẽ bất kỳ ai khi sử dụng các trang mạng xã hội bây giờ cũng sẽ tham gia vào một hội. Các bạn trẻ như mình ngoài việc thích được chia sẻ thì còn muốn thể hiện bản thân. Những ý kiến, quan điểm của mình muốn được mọi người lắng nghe và bình luận thì không gì tốt hơn là tham gia vào các hội này”.

Việc lập ra các “hội” dù là tự phát nhưng thực sự xuất phát từ nhu cầu với bằng chứng là việc thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Tuy vậy, dạo một vòng quanh các “hội” cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hội được thành lập do sự thiếu thiện cảm với cuộc sống, con người của các bạn trẻ. Nhiều bình luận trên trang của các “hội” này mang nội dung dung tục, thiếu tích cực và lệch lạc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật