Sống với t‌ử th‌i: Đầy ắp tình người

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tìm được thân nhân cho những người chết vô danh, đó là những khoảnh khắc vui hiếm hoi của những người chuyên chăm sóc, bảo quản th‌i hà‌i. Điều ấy giúp họ gắn bó bền chặt với nghề
Sống với t‌ử th‌i: Đầy ắp tình người
Các nhân viên nhà đại thể bệnh viện cấp cứu Trưng Vương kiểm tra thông tin về những th‌i th‌ể vô danh

“Ai làm nghề này thì phải có lương tâm, dù người chết có người thân hay không, giàu hay nghèo… cũng phải tiễn họ ra đi đàng hoàng” - anh Khương Văn Phúc, nhân viên nhà đại thể của bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, tâm sự.

Những tấm lòng từ bi

Nhà đại thể của các BV thỉnh thoảng vẫn nhận những th‌i th‌ể vô danh. “Họ sẽ được giữ tại BV 45 ngày, đăng báo để tìm người thân. Nếu hết thời gian này mà vẫn không ai đến nhận, chúng tôi sẽ làm các thủ tục cần thiết rồi liên hệ với các cơ sở từ thiện hỗ trợ hỏa táng, mang tro vào chùa gửi” - anh Châu Văn Tiến, nhân viên nhà đại thể của BV cấp cứu Trưng Vương, cho biết.

Công việc của các anh không dừng lại ở đó. Lo đàng hoàng cho người chết vô danh xong, các anh còn cẩn thận ghi chép lại những thông tin cần thiết để một ngày nào đó, thân nhân của người xấu số tìm đến thì chỉ cho họ biết nơi người nhà của họ đang nương nhờ.

Anh Châu Văn Tiến không thể nào quên lần ấy, một người đàn ông đã bật khóc bên hộc chứa xác khi nhận ra mẹ mình. th‌i th‌ể cụ bà đã được giữ tới ngày thứ 45, dự định chiều hôm ấy sẽ mang đi hỏa táng. “Đúng 13 giờ hôm đó, gần tới giờ đưa xác đi, một người đàn ông đứng lấp ló gần nhà đại thể. Ông ta cho biết suốt hơn một tháng qua đã đi tìm mẹ ở khắp các BV tại TPHCM.
Sáng nay, ông dò lại cuốn danh bạ, liền tất tả đến BV cấp cứu Trưng Vương”. Thấy mô tả của người đàn ông khá giống với cụ bà sắp được đưa đi hỏa táng, anh Tiến vội dắt ông ta đến mở hộc cho nhận mặt. “Đúng là mẹ tôi rồi anh ơi, mừng quá!” - người đàn ông reo lên. Anh Tiến cũng cảm thấy vui lây. “Cuối cùng, cụ bà ấy cũng chờ được con” - anh xúc động kể lại.
Chị Huỳnh Thị Bích Trâm và anh Đỗ Quốc Bảo, cặp vợ chồng làm việc tại nhà đại thể của BV Phạm Ngọc Thạch, đưa ra một xấp hình, nói: “Trước khi hỏa táng, bao giờ chúng tôi cũng chụp hình, ghi chép đặc điểm của những th‌i th‌ể vô danh. Làm như vậy để mai này người thân của họ tìm đến thì có cái để mà nhận diện. Tro cốt của họ, chúng tôi gửi vào chùa hoặc nhà thờ.
Người ta ra đi mà không có người nhà bên cạnh chắc cũng tủi lắm, việc gì mình giúp được thì cố gắng, để họ được ấm lòng”. Anh Đỗ Quốc Bảo kể thêm: “Có những trường hợp người nhà vì nghèo túng hoặc quá vô tâm mà nhất định không đưa th‌i th‌ể về. Khi đó, chúng tôi đành thay người thân đưa họ đi hỏa táng rồi gửi tro cốt nơi cửa Phật”.

Nhiều nhân viên nhà đại thể lại trở thành điểm tựa cho thân nhân của người chết trong lúc họ đau đớn, sụp đổ. “Có người gào khóc, có người bấn loạn. Những lúc đó, mình phải từ tốn an ủi họ. Họ rất cần được thông cảm vì đâu có nỗi đau nào lớn hơn mất đi người thân” - anh Khương Văn Phúc nói.

Duyên nghiệp

Làm cái nghề mang tiếng “chết chóc” này, có người bị chính người thân, bạn bè của mình phản ứng. Anh Châu Văn Tiến nhớ lại: “Hai tháng đầu chuyển việc sang nhà đại thể, tôi không dám cho vợ biết. Lựa lúc không khí gia đình vui vẻ, tôi mới kể dần, cố thuyết phục bà xã hiểu cho cái nghề lạ lùng này”. Ban đầu, vợ anh có phần ái ngại nhưng vì tôn trọng chồng nên chấp nhận. Một thời gian sau, qua những câu chuyện trong nghề, chị hiểu được công việc của chồng, chia sẻ với chồng nhiều hơn.

Anh Khương Văn Phúc nói: “Chỉ cần hiểu về nghề này là thấy không có gì để sợ và tôi hoàn toàn hãnh diện khi làm công việc của mình”. Anh may mắn xuất thân trong gia đình có nhiều người công tác trong ngành y nên không gặp trở ngại nào từ phía người thân. “Mẹ tôi làm trong ngành y nên hiểu rõ đây cũng là một công việc cần thiết của hệ thống y tế. Làm công việc này được một thời gian, tôi cưới một đồng nghiệp tại BV. Là người trong nghề cả nên rất hiểu nhau, cô ấy rất vui và ủng hộ tôi hết mình” - anh Phúc kể.

Cái nghề mà nhiều người ái ngại ấy lại trở thành “nghề gia truyền” của những người giữ nhà đại thể ở BV Phạm Ngọc Thạch. Chị Huỳnh Thị Bích Trâm cho biết: “Mẹ tôi làm ở đây đã ngót 20 năm. Khoảng 10 năm trước, tôi lấy anh Bảo. Anh thấy mẹ tôi vất vả nên về làm với mẹ. Rồi 2 năm sau, tôi cũng vào làm”. Người phụ nữ tuổi chưa đầy 30 với khuôn mặt hiền lành và giọng nói êm nhẹ ấy là một trong những bóng hồng hiếm hoi của nghề giữ nhà xác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật