Trùng tu cầu Sài Gòn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 50 năm sử dụng, cầu Sài Gòn hiện hữu đang bị xuống cấp nặng. Cầu Sài Gòn 2 nằm song song đang được TPHCM xúc tiến xây dựng.
Trùng tu cầu Sài Gòn
Sau khi sửa chữa, nâng cấp, cầu Sài Gòn sẽ không hạn chế tải trọng xe qua cầu

Hôm nay (12-5), Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam sẽ tiến hành sửa chữa cầu Sài Gòn – cây cầu huyết mạch nằm ở cửa ngõ phía Đông TP - vốn đã bị xuống cấp và hư hỏng sau 50 năm sử dụng. Khi nhà thầu sửa chữa cây cầu này, người dân lo ngại việc lưu thông qua cầu Sài Gòn sẽ bị cản trở.


64 tỉ đồng sửa chữa cầu hiện hữu

Sau sự cố mặt cầu Sài Gòn bị thủng một lỗ có bán kính 1 m vào tháng 10-2009, các cơ quan chức năng mới ngồi lại khảo sát, đánh giá “bệnh tình” của cây cầu huyết mạch này. Kết quả, cầu Sài Gòn “lòi” ra cả đống bệnh: xuất hiện vết nứt ở một số đầu dầm dọc phụ, các khe co dãn trên 3 nhịp chính của cầu bị hư hỏng, nước từ mặt cầu xuống hệ dầm gây gỉ sét dầm và một số bu lông, đinh tán, bê tông mặt cầu tại vị trí các dầm phụ cũng hư hỏng gần hết; một số dầm chủ xuất hiện vết nứt trên cánh dầm, một số khe co dãn bị hư hỏng nặng, bản mặt cầu bê tông cốt thép xuất hiện nhiều vết nứt rộng.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư), cho biết trong lần sửa chữa này, Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam sẽ tiến hành gia cường bản mặt cầu bê tông phần nhịp thép, hệ thống đỡ nhịp đeo, trụ P2, các mối nối thi công bản mặt cầu trên nhịp thép; thay thế lớp bê tông nhựa mặt cầu, thi công lớp chống thấm mới trên phần cầu dành cho ô tô và thay thế các khe co dãn. Tất cả công việc này sẽ hoàn tất sau 6 tháng thi công, tức tháng 10-2011. Tổng kinh phí cho lần sửa chữa này khoảng 64 tỉ đồng.
Theo ông Lê Ngọc Hùng, nhà thầu sẽ thi công những phần việc dưới cầu trước, sau đó mới sửa chữa đến mặt cầu. Theo tiến độ đề ra, việc thảm lại lớp bê tông nhựa mặt cầu ở hai làn ô tô sẽ được tiến hành vào đầu tháng 10-2011. “Khi đó, giao thông chắc chắn bị ảnh hưởng nên chúng tôi sẽ thảm nhựa trước một làn ô tô, sau đó chuyển sang thảm nhựa làn xe còn lại và sẽ hoàn tất sau một tháng. Khi thi công các phần việc khác, xe cộ vẫn lưu thông bình thường ”- ông Hùng cho biết. Hiện tại, Sở GTVT TP chỉ cho xe tải trọng 25 tấn qua cầu Sài Gòn. Sau khi sửa chữa, nâng cấp xong, cầu Sài Gòn sẽ đạt tải trọng xe theo tiêu chuẩn HL93, tức không giới hạn tải trọng xe khi qua cầu.
Hơn 1.000 tỉ đồng xây cầu Sài Gòn 2

Theo số liệu thống kê, lưu lượng xe qua cầu Sài Gòn hiện tại khoảng 40.000 lượt/ngày. Trong tương lai, cây cầu “già nua” này không thể kham nổi lưu lượng xe ngày một tăng nên UBND TP đã đồng ý cho Sở GTVT xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) – nằm song song với cầu Sài Gòn hiện hữu để chia sẻ gánh nặng cho cây cầu này.
Hiện tại, cuộc đua “giành” dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 đang diễn ra quyết liệt giữa 3 nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP (CII); Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC). Về tổng vốn đầu tư, các nhà đầu tư đưa ra mức giá không quá chênh lệch. Cụ thể, CII đưa ra tổng vốn 1.102 tỉ đồng, hoàn tất sau 23 tháng thi công; CC1 đưa ra mức giá 1.094 tỉ đồng, hoàn thành sau 27 tháng thi công; PMC “bỏ giá” cao hơn, 1.535 tỉ đồng vì thuê tư vấn và nhà thầu nước ngoài và sẽ hoàn thành sau 26 tháng thi công.
Do chỉ xét tuyển chọn nhà đầu tư (không đấu thầu rộng rãi vì tính chất cấp bách của dự án) nên tổ công tác dự án đã trình những tiêu chí để xét thầu lên UBND TP. Tuy nhiên, sau 4 năm loay hoay, đến nay vẫn chưa biết nhà đầu tư nào được “chọn mặt gửi vàng”.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật