Ký ức vụn - ký ức của những mảnh đời góp nhặt

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với “Ký ức vụn”, Nguyễn Quang Lập đã gieo vào lòng người “nụ cười hài hước” nhưng cũng “đầy ưu tư suy ngẫm”.
Ký ức vụn - ký ức của những mảnh đời góp nhặt
Ảnh minh họa
Ký ức vụn
Tác giả: Nguyễn Quang Lập

NXB. Hội Nhà Văn
Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây
Tôi là một trong số nửa triệu lượt người từng vào thăm “căn nhà blog” của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trang blog nghe tên đã thắm đượm mối tình quê – “Quê choa”. Cái tên thân thương ấy là phương ngữ chỉ miền đất Quảng Bình hai mùa mưa nắng, nơi nhà văn sinh ra và lớn lên với bao kỉ niệm vui buồn thời niên thiếu....
Trên trang blog, Nguyễn Quang Lập đã có những dòng nghe “quê mùa”, chân chất mà ẩn đầy tâm sự: “Hiện nay, mình không có thời gian để đu đưa với đời, nhưng hồi này sao hay nhớ về quá vãng. Đã bỏ blog gần một năm bỗng nhiên quay lại, quyết tâm một ngày có một bài, một mảnh ký ức. Sau này khi không viết được nữa thì có bạn bè, con cái, học trò sẽ tập hợp lại, in thành một tập gọi là hồi ký vậy. Mình nhớ đâu viết đó, không cần làm văn, thậm chí ngữ pháp cũng không thèm chấp. Viết bất kỳ chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy, chợt ngẫm ra, bất chấp sâu hay nông, thô hay tinh, tục hay thanh. Đọc một vài blog của một vài người nổi tiếng, thấy nói phét nhiều hơn nói thật, loanh quanh để đánh bóng mình, ghét. Mình nghĩ blog là cái để chống stress, tâm sự với đời để giải tỏa ẩn ức, thế thôi. Vậy việc gì phải nói phét?”.

Có lẽ, vì cái kiểu “nói thẳng nói thực”, yêu nói yêu, ghét nói ghét của Nguyễn Quang Lập mà tôi đã yêu mến con người này đến thế. Từng dòng chữ, từng mảnh ký ức trôi qua cuộc đời được nhà văn “lần mò”, góp nhặt, rồi tâm sự trên trang blog. Chỉ là để giải tỏa ẩn ức thôi, thế nhưng, cái mà nhà văn cho là viết để chống stress ấy đã khiến biết bao con tim phải bồi hồi, rung động…

“Ký ức vụn” - cuốn sách này đã ra đời từ đó.

Gọi là truyện ngắn cũng không đúng, gọi là tiểu thuyết thì càng sai… “Ký ức vụn”, có lẽ đơn thuần chỉ là những dòng chữ kể về cuộc đời, kể về những điều đã qua mà ở thời nay “mấy ai còn giữ lại”,gọi đó là “tạp văn”, hẳn là có lý nhất! Tạp văn về-những-ngày-xưa-cũ!

Một cuốn tạp văn với 59 câu chuyện, 59 mảnh đời, 59 “ký ức vụn”. Ở từng trang viết ấy, từng trang viết “không thèm chấp ngữ pháp” ấy là cả một khoảng trời mênh mông vui buồn lẫn lộn. Có cái gì đó nhức nhối, rưng rưng lòng người qua từng câu chữ. Ở Nguyễn Quang Lập, con người được trời phú cho một giọng văn rất lạ, nghe huỵch toẹt, chẳng đẩy đưa mà cũng không cần “văn vẻ”. Ấy thế mà vẫn cứ thu hút lạ thường! Từng câu chuyện là kí ức của nhà văn được hồi sinh. Nó như thức dậy, chạm vào tâm trí của ông, thôi thúc ông phải cầm bút viết ra, viết như đang nâng niu chính bản thân mình vụn vỡ. Những cuộc đời, những số phận, những miền đất, những cái tên lần lượt hiện về mồn một. Không nơi nào giống nơi nào, không ai giống ai, “không đứa mô giống đứa mô”!
Khi đọc những dòng ấy, cứ ngỡ như Nguyễn Quang Lập vừa viết vừa cười, cười cái quá khứ ngây thơ của con trẻ, cười cho bản thân mình đã từng có một thời đáng yêu đến thế, hồn nhiên đến thế! Nhưng rồi, chỉ một lát sau, khi kí ức ùa về vội vã, có lẽ đôi mắt ấy đã rưng rưng, mặc dù trong quá khứ của nhà văn“không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc”. Đó là cái ngày con Hà đi mua bánh đúc cho hai đứa ăn. “Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cả lẫn trong máu, cát và thịt người… Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú. Mình chen vào. Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ, đang nắm chặt khư khư 5 hào… Mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc”.

Có những nỗi nhớ không thể diễn tả được thành lời, và cũng có những nỗi đau chẳng mong dùng nước mắt để chảy trôi. “Ký ức vụn” là những quãng đời như thế, nó ám ảnh người đọc bởi cái thế giới của chiến tranh, của bom rơi đạn lạc, của những cuộc chia ly. Từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội… những miền đất đi qua không một nơi nỡ xóa dấu chân người. Những câu chuyện như một lăng kính vạn hoa, lắc một nhịp lại xoay chuyển, lắc một nhịp lại xoay chuyển, và… lại quay trở về. Nó giống như kí ức đã rời xa, tưởng đã xa nhưng thật ra vẫn nằm đâu đó. Nằm thật sâu trong trái tim người, chỉ cần có cơ hội chạm vào và thức giấc!

Nhớ sao những cái tên thằng Hoàn, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, anh cu Luật, cu Đô, cu Cá… Thương sao cái thị trấn Ba Đồn bé nhỏ, cái làng Đông mà gia đình nhà văn sơ tán. Nhớ cả con Hà từng giấu ông cất 5 hào của nó vào quyển tập để  ông thôi khóc khi bị mất tiền. Những bóng hình thân thương ấy gắn với những rặng trâm bầu, từng rặng cây dẻ trắng muốt ở đình làng.

Tình yêu con người và nỗi nhớ quê hương được nhà văn thổi vào“Ký ức vụn” một cách sống động lạ kì. Ta bất ngờ trước vẻ đẹp của miền cát trắng hanh hao, của gió Lào khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh hủy diệt một thời mà con người hiện lên vẫn lung linh, trìu mến. Chị Du “trắng trẻo, múp máp”, con Sử với mái tóc bóng mượt “cười có lúm đồng tiền chấm phẩy”, lại có người “xinh, giọng đẹp, văn công lấy vào làm giới thiệu”… Họ là hiện thân của vẻ đẹp quê hương và cũng là dáng hình xứ sở…

Đi dọc ký ức của nhà văn, đâu đâu ta cũng thấy những kiếp người truân chuyên, những cuộc đời bất hạnh. Một cô giáo Thương vì khát khao hạnh phúc mà phải vụng trộm trong nỗi cay đắng xót xa, một thằng Hoàn mỗi khi nhớ mẹ lại thổi sáo dụ rắn ra khỏi hang (vì nó nghe ba nói: “Mẹ là con rắn độc”)! Những kí ức ngắn ngủi ở thung lũng Chớp-ri, hay ở bất cứ miền nào ông đi qua đều khiến lòng người xao xác. Năm tháng dẫu qua đi nhưng nỗi buồn vẫn cứ luân hồi, trôi chảy mãi…

Giữa một thời đại “thừa tâm lý, thiếu tâm hồn” là cuộc đời mà chúng ta đang sống, mọi thứ uất ức, mỉa mai, yêu thương hay đau đáu của nhà văn đều gởi gắm vào từng câu chữ. Đọc “Ký ức vụn” như gom góp lại chính mình đã mất, là điều mà tôi đã làm, làm tẩn mẩn, tỉ mỉ.Nhà văn gởi niềm nhớ niềm thương vào cuốn tạp văn như khiến người đọc rơi những giọt nước mắt, giọt nước mắt hiếm hoi để giữ lấy cái chất Người cao đẹp trong bản ngã…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật