Hà Nội: Nhiều dịch vụ y tế ngoài BHYT tăng giá

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ 1/5, Hà Nội đã tăng giá nhiều dịch vụ y tế gồm 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.
Hà Nội: Nhiều dịch vụ y tế ngoài BHYT tăng giá
bệnh nhân được chăm sóc tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).

Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 9/4 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2019.

Nghị quyết quy định cụ thể danh mục, giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT gồm: 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.


Việc tăng giá viện phí được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo vì các đối tượng này đã được nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, về cơ bản chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được BHYT thanh toán; việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT (chiếm 13,3% dân số Hà Nội).


Với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn. Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.


Ngày 1/8/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã ra nghị quyết về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế và hiện tại là điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT. Theo đó có một số loại dịch vụ giảm so với mức giá quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BYT. Cụ thể, ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng loại 1 từ 255.400 đồng giảm xuống còn 246.000 đồng (giảm 3,7%); đặt nội khí quản giảm từ 1.113.000 đồng xuống còn 564.000 đồng (giảm 49,3%); nội soi dạ dày can thiệp từ 2.191.000 đồng giảm xuống còn 719.000 đồng (giảm 67,2%); siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp xe từ 2.058.000 đồng giảm xuống còn 590.000 đồng (giảm 71,3%); phẫu thuật điều trị lỗ đáo không viêm xương từ 4.200.000 đồng giảm còn 534.000 đồng (giảm 87,3%); soi ối từ 1.260.000 đồng giảm còn 47.700 đồng (giảm 96,2%)…


Cùng với đó, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng từ 0,3% đến 22%. Cụ thể, ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc của bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 362.800 đồng lên 441.000 đồng (tăng 21,6%); bệnh viện hạng I từ 335.900 đồng tăng lên 411.000 đồng (tăng 22,4%); bệnh viện hạng II từ 279.100 đồng lên 314.000 đồng (tăng 12,5%); bệnh viện hạng ba từ 245.700 đồng lên 272.000 đồng (tăng 10,7%). Một số dịch vụ có mức tăng cao như: nghiệm pháp hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản tăng từ 63.300 lên 92.900 đồng (tăng 46,8%); xử lý mẫu xét nghiệm độc chất tăng từ 67.200 đồng lên 192.000 đồng (tăng 185,7%)…

Hiện tại, tất cả các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giao quyền tự chủ, tự chịu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức: tự đảm bảo chi thường xuyên; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên có sự tăng đột biến từ năm 2016 tới năm 2018, trong khi các đơn vị do ngân sách nhà nước cấp toàn bộ kinh phí hoạt động giảm đáng kể.

Từ năm 2010 đến năm 2016, toàn ngành có 3 đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động, đến năm 2018, con số này tăng 6 lần. Số đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí cũng tăng từ 47 (năm 2010) lên 52 đơn vị (năm 2018), trong khi đó, số đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động đã giảm từ 34 (năm 2010) xuống còn 6 đơn vị (năm 2018).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật