Khắc khoải miệt vườn xứ Quảng

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bạn ở phương xa về miền Trung. Nhóm chúng tôi, thay vì đưa bạn đến thăm những địa điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm hay khu đền tháp Mỹ Sơn thì lại chọn ngược về miền Tây xứ Quảng bằng... “cưỡi ngựa sắt”.
Khắc khoải miệt vườn xứ Quảng
Những làng trái cây xứ Quảng vẫn giữ nét mộc mạc, yên tĩnh. Ảnh: Thanh Ly

Thoạt nhìn, hẳn nhiều người sẽ không tin những chiếc xe cà tàng có thể đủ sức “cõng” cả nhóm chúng tôi băng rừng, vượt dốc quanh co, thỉnh thoảng còn gặp phải những đoạn đèo lởm chởm đá. Có cả những đoạn lên dốc, xuống dốc với một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm...

Hàng năm, cứ đến độ tháng 2, tháng 3 Âm lịch trở đi, khi gió giao mùa bắt đầu thổi rong trên những cánh đồng lúa chín, nắng vàng trải khắp làng quê, thì ấy là lúc xứ Quảng bắt đầu rộ mùa trái cây. Đây cũng là khoảng thời gian thích hợp nhất để tới thăm những làng trái cây.

Có rất nhiều sự lựa chọn: từ Đà Nẵng đi quốc lộ 1A về hướng Tam Kỳ, đến ngã ba Hương An, rẽ vào đường tỉnh lộ 611, qua đèo Le để lên làng cây trái Đại Bình. Hay từ Tam Kỳ ngược về hướng Tây tầm 30 cây số để về Tiên Phước. Nhiều du khách lại chọn men theo đường quốc lộ 14B đến Km24 (làng Túy Loan, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) để khởi đầu cho chuyến về miệt vườn nơi vùng cao Đông Giang, Tây Giang...

Dân dã sản vật miệt vườn

Làng Đại Bình (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) được mệnh danh là vựa cây trái Nam bộ của xứ Quảng, ngày đêm hướng mặt ra sông Thu Bồn thơ mộng. Diện tích trồng cây ăn trái của làng hơn 14 héc ta, trong đó mỗi héc ta có thể trồng trên 350 gốc trụ. Nông dân ở đây trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế như sầu riêng, cam, măng cụt...

Trong khi đó, Tiên Phước là huyện trung du phía Tây Nam. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 45.440 héc ta mà có khoảng hơn 7.000 héc ta có khả năng đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Người dân nơi đây có truyền thống kinh nghiệm làm vườn lâu đời. Nhiều loại cây trồng thay nhau bốn mùa sum sê hoa quả, như vùng sản xuất thanh trà Tiên Hiệp, Tiên Ngọc; bòn bon Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ; v‌ú sữa Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Sơn... Nhiều cây nguyên liệu có ở Tiên Lãnh - Tiên Ngọc - Tiên Hiệp, Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà...

Vùng sơn cước Phú Ninh, Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang... cũng là nơi quy tụ nhiều làng trái cây, mỗi mùa một thứ quả. Những vườn mít, mận, dâu đất... trái sum sê trên cành. Có những trái chín thơm ngát lẩn trong tán lá xanh như chờ đợi bước chân người đến hái. Đó cũng chính là niềm vui của du khách phương xa: đến để được tự hái trái chín tại vườn, thưởng thức từng loại đặc sản sạch, ngon, rẻ...

Cuộc sống người dân nơi đây cứ thế, ngày qua ngày lặng lẽ, yên ả với những gánh rau, những cây trái vườn nhà hay những mẹt cá bên sông mà tồn tại.

Trầm tích văn hóa ngàn năm

Khác với những miệt vườn Nam bộ hay ở phía Bắc, các làng trái cây Quảng Nam nằm tách biệt với cuộc sống ồn ào bên ngoài nên không khí rất trong lành, cây xanh tươi tốt quanh năm. Các hộ dân nơi đây đã phát huy tích cực mô hình vườn nhà xanh - sạch - đẹp bằng thực hiện nhiều hạng mục, như xây dựng cổng ngõ cổ kính uốn lượn dưới bờ tre rợp mát hay những hàng rào cây xanh. Họ trồng nhiều hoa, cây cảnh, tạo ao cá, hồ cảnh quan..., như muốn từng bước gắn kinh tế vườn với phục vụ du lịch sinh thái làng quê.

Đi qua những vườn cây trái, “lạc” sâu vào bên trong các làng xóm để thấy vẫn còn đó những nghề truyền thống vang bóng một thời. Trong ánh nắng xế chiều, đôi tay của các bà, các chị vẫn mềm mại, cần mẫn. Ngoài những người vẫn đang chăm bón, tưới tỉa từng luống cây, có nơi người ta đan lát, có chỗ chằm nón, có người dệt chiếu... Cảm nhận như cuộc sống người dân nơi đây cứ thế, ngày qua ngày lặng lẽ, yên ả với những gánh rau, những cây trái vườn nhà hay những mẹt cá bên sông mà tồn tại.

Đặc biệt, trong mỗi làng vẫn còn lại những ngôi nhà cổ hàng trăm năm. Đó là những ngôi nhà được làm bằng gỗ, theo kiến trúc nhà vườn bình dị, nằm lọt giữa những vườn cây sum suê. Du khách đến tham quan có thể tận tay sờ vào những hoa văn, họa tiết, những cây cột đá, những bờ tường bám rêu phong... để cảm nhận một bức tranh thiên nhiên đẹp gắn với vẻ đẹp văn hóa tích tụ lâu đời. Có lẽ điều đó đã khiến cho nhiều làng trái cây ở Quảng Nam, dù đã trải qua bao năm tháng bể dâu, vẫn giữ được nét cuốn hút rất riêng của mình.

Trăn trở nỗi niềm

Cuộc sống chất phác của con người dân quê luôn tạo nên sự thân thiện, gần gũi. Tuy vậy, du khách cảm nhận dường như các làng quê ấy vẫn cứ nguyên vẹn khó nghèo như mươi năm về trước. Vẫn còn đó những con đường đầy bụi mù ngày nắng, lầy lội ngày mưa. Điện tuy đã thắp sáng khắp thôn xóm, ngôi trường bên chân núi tuy đã được lợp ngói mới nhưng có vẻ như sự cải thiện đời sống của người nông dân thì không đơn giản chút nào.

Tập tục, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, những đề án đã được vẽ ra nhưng rồi bỏ ngỏ, do thiếu vốn, do thời tiết thất thường, và vẫn có năm, cả làng thất thu... Tất cả dường như đang cản trở sự phát triển bền vững cho những làng trái cây xứ Quảng.

Thật chưa kỳ vọng miệt vườn Quảng Nam trở thành những khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chỉ mong là những điểm du lịch sinh thái chuyên nghiệp hơn. Để du khách không chỉ thả bộ dạo quanh làng hay tham quan những vườn cây trái mà họ có thể lựa chọn thêm những tour giải trí, khám phá như câu cá, bơi thuyền, tham quan nhà cổ, cắm trại ngoài trời và thưởng thức các món ăn điền dã. Hay họ cũng có thể tham gia những chương trình kiểu như “một ngày làm điền chủ”, “một ngày làm nông dân”...

Nhiều khách phương xa đến đây thường đặt các câu hỏi đại loại chơi gì, ăn gì, mua gì... Nếu miệt vườn xứ Quảng có được sự phong phú trong câu trả lời thì mới có thể níu chân du khách ở lại lâu hơn với vùng cây ăn trái.

Khi được hỏi, bà Nguyễn Thị Hường (54 tuổi, ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), chủ khu vườn hơn trăm cây bòn bon, v‌ú sữa đã tâm sự: “Một mô hình du lịch mới, từ khởi sự đến phát triển là quá trình dài, cần có sự ra tay của chính quyền địa phương chứ riêng chúng tôi thì không thể. Ngoài vốn, chuyên môn chăm trồng cây trái, còn cả chuyện liên kết quảng bá, hợp tác với các đơn vị lữ hành để đón khách và cũng để biết cần khai thác cái gì mới, độc đáo mới thu hút khách...”. Bà Hường cũng cho rằng cần có sự gắn kết nhiều hộ làm vườn thành hợp tác xã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để tạo uy tín cho trái cây xứ Quảng vươn xa hơn.

Có lẽ lời tâm sự của bà Hường cũng chính là những trăn trở, băn khoăn của nhiều người dân xứ vườn đất Quảng. Họ cũng muốn tìm lối thoát ra những gì cũ kỹ để nhà vườn ở khắp làng cây trái ngày càng nhộn nhịp bước chân du khách hơn.

Buổi chiều, khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi phía xa, khi những làn khói xanh nhạt bay lên từ những chái bếp như muốn tiễn bước chúng tôi quay về cung đường gập ghềnh, tạm xa ánh mắt xanh biếc của lũ trẻ nhỏ mấp mé bên lưng chừng đồi. Trên đường về, vị ngọt tinh túy của cây trái núi rừng xứ Quảng cứ đọng mãi trong lòng chúng tôi cùng nỗi niềm khắc khoải một mai - khi quay trở lại, liệu người cũ cảnh xưa có thay da, đổi thịt?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật