Mùa tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào đang ‘hot’?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân sẽ tạo ra bước đệm vững chắc cho sinh viên sau khi ra trường và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề theo sở thích, đam mê thì mối quan tâm của thí sinh còn là học ngành gì để sau khi ra trường dễ xin được việc, ngành nào đang “hot”.
Mùa tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào đang ‘hot’?
Ngành Công nghệ thông tin là một trong những ngành được thí sinh quan tâm. Ảnh: ĐH

Nhóm ngành “hot”

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, có 6 nhóm ngành nghề "hot" trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể: Nhóm 1 là Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,...) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Nhóm 2, công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu). Nhóm 3, các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D. Nhóm 4, các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học),... Nhóm 5, nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính-đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng,... Nhóm 6, nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật,...). Ngoài ra, có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.

Nắm bắt nhu cầu phát triển của xã hội, năm 2019, nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh những ngành học mới như: Robot và trí tuệ nhân tạo, kinh doanh số, khoa học thông tin địa không gian... để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ kỷ nguyên số. Đây là ngành học hoàn toàn mới, dự báo trong tương lai những ngành này trở thành ngành “hot”. Không chỉ có vậy, một số trường đại học tại Hà Nội cũng mở một số ngành kinh tế mới, lạ. Đơn cử, trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở thêm một số ngành như: Ngành đào tạo kinh doanh số, quản trị điều hành thông minh, đầu tư tài chính, công nghệ tài chính... Trong đó, ngành kinh doanh số là khoa học liên ngành công nghệ thông tin - kinh doanh và phân tích dữ liệu.

Trước thông tin các trường mở ngành kinh tế mới, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa qua, nhiều thí sinh đã đặt câu hỏi: "Ngành kinh tế đang nóng trở lại, nhưng càng nóng thì càng lo. Vậy nên chọn ngành mới mở để đón đầu xu hướng hay cứ chọn những ngành kinh tế truyền thống cho an toàn?". Trước câu hỏi này, GS Đinh Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại thông tin, kinh tế đang là vấn đề nóng bỏng và liên quan chặt chẽ đến định hướng nghề nghiệp. Đối với kinh tế, mỗi ngành có điểm hay riêng, nhưng ngành có thể hay với người này mà chưa chắc đã hay, phù hợp với người khác. So sánh giữa ngành mới và ngành truyền thống cũng khó có thể đưa ra lời khuyên chắc chắn ngành nào sẽ chiếm ưu thế, sẽ thuận lợi và phù hợp với thí sinh. Điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Việc chọn lựa chuyên ngành còn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện xét tuyển của từng trường. Để thí sinh có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân, GS Đinh Văn Sơn cũng thông tin, hiện ngành du lịch - khách sạn đang "hot". Nhu cầu nhân lực của ngành đang rất rộng mở, Nhà nước cũng đang có những chính sách đặc biệt trong đào tạo ngành này. Vì vậy, ở một số trường còn dành chỉ tiêu cho ngành này như một ngành đặc thù.

Lựa chọn ngành phù hợp

Những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên đã ra trường thất nghiệp cao, do đó tâm lý chung của nhiều thí sinh là lựa chọn ngành nào dễ xin việc. Nhiều thí sinh “đổ xô” lựa chọn các ngành nghề “hot” như: Kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, khi lựa chọn ngành học thí sinh cũng cần phải dựa vào năng lực, sở trường của bản thân cũng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho rằng, để chọn được ngành, nghề phù hợp với sở trường, năng lực và đem lại cơ hội nghề nghiệp tốt sau khi ra trường, các em cần có được đầy đủ thông tin về chất lượng đào tạo, môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của các ngành, trường có ý định đăng ký. Đây là nội dung mà trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo các trường công khai, minh bạch thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng của nhà trường và các chương trình đào tạo. Để nắm được những thông tin này làm căn cứ cho việc chọn ngành, chọn trường phù hợp, các bậc phụ huynh và học sinh có thể tham khảo trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo TS Phạm Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, thí sinh nên chọn nơi nào điều kiện học tập tốt, giúp sinh viên có thể trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất. Bởi đứng giữa hay đứng đầu cũng chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài phía trước. Trên chặng đường đó, nếu không có nội lực thực sự thì sớm muộn cũng tụt hậu...

Theo “Báo cáo về Nhu cầu tuyển dụng và Nguồn cung lao động trong năm 2018 và Dự báo năm 2019” VietnamWorks, thuộc tập đoàn Navigos Group, danh sách tốp 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/đầu tư - bán hàng - hành chính/thư ký - kế toán - IT/phần mềm - marketing - chăm sóc khách hàng - kiểm toán - Internet/online media và xây dựng. Hành chính/Thư ký được dự báo đứng đầu trong Top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất trong năm tới. Đây cũng là ngành nằm trong top 3 được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm 2019.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật