Không cần ‘khai hỏa’, S-400 của Nga cũng khiến ‘thành trì sức mạnh’ Mỹ ở Trung Đông đổ vỡ?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ bằng một vũ khí vốn mang tính chất phòng thủ, Nga đã thách thức vị thế, ảnh hưởng cũng như cấu trúc đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Không cần ‘khai hỏa’, S-400 của Nga cũng khiến ‘thành trì sức mạnh’ Mỹ ở Trung Đông đổ vỡ?
S-400 đang thách thức ảnh hưởng và vị thế của Mỹ.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO và Qatar – nơi đặt cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã đặt ra thách thức mới đối với Mỹ trong khu vực.

Ankara và Doha đang đàm phán với Chính phủ Nga để mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 thay vì hệ thống Patriot của Mỹ.

Điều này được coi là nền tảng giúp Moscow tăng cường vị thế và ảnh hưởng ở Trung Đông, theo Arab Weekly.

Tình hình này có khả năng khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên u tối và khiến cho căng thẳng giữa các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thêm trầm trọng chỉ vì một hợp đồng mua bán quân sự, theo phân tích từ các chuyên gia.

Về phần mình, bất chấp việc tiến vào một khu vực luôn rắc rối với những căng thẳng tiềm ẩn, Nga vẫn tiếp tục tích cực thúc đẩy S-400 ở Trung Đông. Bản hợp đồng này không chỉ mang đến lợi ích về tài chính mà còn mang đến những lợi ích vô hình khác.

Gây sóng gió giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra cảnh báo chống lại các nước trong việc mua hệ thống phòng thủ S-400 nhưng đây không thể được coi là một biện pháp ngăn chặn quyết liệt vào lúc này. Trên thực tế, Moscow đã có các thỏa thuận S-400 tiềm năng với Saudi Arabia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara đang bước vào giai đoạn thảo luận nâng cao về S-400. Trong khi đó, Washington chỉ muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot, cho rằng hệ thống của Nga sẽ không tương thích với vũ khí của NATO và có thể cho Nga cơ hội theo dõi công nghệ quân sự của phương Tây, như mẫu chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter mới.

Tại Mỹ, nơi cả hai viện trong Quốc hội bày tỏ quan ngại về thỏa thuận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã có một làn sóng yêu cầu việc giao F-35 cho Ankara phải bị ngừng trệ.

Các lời cảnh báo nói rằng, quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến việc Mỹ đánh giá lại sự tham gia của nước này đối với chương trình F-35 và có nguy cơ ngừng chuyển giao các vũ khí khác, đồng thời dẫn đến các lệnh trừng phạt tiềm năng, theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino.

Tướng quân đội Curtis Scaparrotti, người đứng đầu bộ Tư lệnh Châu Âu, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, ông cảm thấy lo ngại khi cung cấp một trong những hệ thống tiên tiến nhất của Mỹ cho một quốc gia sẵn sàng sử dụng thiết bị của Nga.

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz từ Florida đồng tình với quan điểm này, nói trên Twitter: “Chúng ta đã chi hàng tỷ đô la để phát triển F-35. Nếu chúng ta không ngăn Thổ Nhĩ Kỳ lấy F-35, nó không khác gì việc trao bản thiết kế cho người Nga.

Ở thời điểm hiện tại, vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với việc Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matthew Palmer và James Jeffrey, đặc phái viên Syria của Washington, đã tới Ankara để đàm phán.

Theo các nhà quan sát, Nga luôn là nước được hưởng lợi từ bất kỳ tranh chấp chính trị nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cùng các đồng minh, vì Moscow có thể sử dụng chúng để làm suy yếu lòng tin và sự thống nhất của phương Tây.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn giữ nguyên quan điểm, bất chấp những nỗ lực hàn gắn với Washington trước đó.

Ngày ký kết S-400 của Qatar dự kiến sẽ gây sóng gió ở vùng Vịnh.

“S-400 đã xong đối với chúng tôi”, hãng tin Anadolu dẫn lời nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. “Hiện tại chúng tôi có thỏa thuận với Nga, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất chung. Có lẽ chúng tôi sẽ còn lấy thêm cả S-500 sau S-400”.

Các chuyên gia cho biết việc giao hàng S-400 có thể phát triển thành một cuộc khủng hoảng lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Aykan Erdemir, một thành viên cao cấp tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ ở Washington, nói: “Tôi không đồng ý với những người lạc quan, coi tranh cãi hiện tại chỉ đơn giản là một mưu đồ mặc cả của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã đi quá giới hạn vấn đề S-400 thông thường”.

Sau Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là Qatar?

Tại Doha, vấn đề S-400 đã được nêu trong các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Qatar Mohammed Abdulrahman al-Thani và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ông Thani đã mô tả những nỗ lực của Doha trong việc mở rộng mối quan hệ quân sự với Moscow là một quyết định có chủ quyền, không liên quan đến bất kỳ quốc gia nào khác.

“Có một cuộc thảo luận về việc mua sắm các thiết bị quân sự khác nhau từ Nga”, ông nói, nhấn mạnh rằng trong đó chưa có thỏa thuận nào được hoàn tất ngoài S-400.

Trong khu vực, Qatar đã bị cô lập kể từ tháng 6/2017, khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao, giao thông và thương mại với quốc gia Ả Rập nhỏ bé ở vùng Vịnh về những cáo buộc ủng hộ các phần tử Hồi giáo cực đoan và quan hệ với Iran.

Với việc mua sắm thêm vũ khí mới, động thái của Doha có thể tiếp tục khiến vùng Vịnh dậy sóng sau nhiều tháng im ắng.

Tờ Le Monde của Pháp đưa tin vào tháng 6 năm ngoái rằng, Saudi Arabia đã đe dọa tấn công hệ thống phòng thủ S-400 của Nga nếu được Qatar triển khai.

“Vương quốc sẽ sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để loại bỏ hệ thống phòng thủ này, bao gồm cả hành động quân sự”, tờ Le Monde dẫn lời Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud nói trong một lá thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bên cạnh đó, Qatar có thể tiếp tục gặp rắc rối với chính người Mỹ, khi Washington là đối tác quân sự thân thiết nhất với quốc gia vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ký một biên bản ghi nhớ với Qatar vào đầu năm nay để mở rộng căn cứ không quân Al Udeid, nằm ở phía Nam Doha. Đây là nơi đặt trụ sở tiền tuyến của Bộ Tư lệnh Trung ương của quân đội Mỹ với khoảng 10.000 lính.

Sau những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ về S-400 vẫn chưa được giải quyết, ngày Qatar ký kết hệ thống phòng thủ mới với Nga sẽ tiếp tục có thêm sóng gió nữa giữa Mỹ và quốc gia vùng Vịnh. Sau tất cả, vũ khí của Nga đang làm chia rẽ nhiều đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật