Nhật Bản ‘thở phào’ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi tin tức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, cả Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẽ vui mừng.
Nhật Bản ‘thở phào’ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết.

Kết quả này có thể nói đã tránh cho Nhật Bản một cơn ác mộng tồi tệ. Họ lo ngại rằng Mỹ và Triều Tiên sẽ chấp nhận một thỏa thuận có nội dung không thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, và cho dù thỏa thuận có buộc Triều Tiên ngừng chương trình phát triển tên lửa tầm xa đi chăng nữa, song các loại tên lửa tầm ngắn có thể gây nguy hiểm cho Nhật Bản vẫn sẽ tồn tại.

“Lúc này không đạt được thỏa thuận nào sẽ không phải là kết quả quá tệ đối với chính phủ Nhật Bản”, chuyên gia chính sách đối ngoại Nhật Bản Ryo Sahashi cho biết. “Họ rất sợ tình huống xấu nhất sẽ xảy ra và họ không có cách nào để ngăn chặn nếu ông Trump bị ông Kim qua mặt”.

Tuy nhiên, Tokyo vẫn chưa thể hết lo lắng. Những lo ngại về việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa vẫn còn.

“Hiện vẫn chưa có bất kỳ bước đi nào để đối phó với những nguy hiểm do chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên”, chuyên gia an ninh và là một cựu tướng của Lực lượng Bộ binh Phòng vệ Nhật Bản Noboru Yamaguchi cho biết. “Chúng ta phải luôn nhớ vì sao chúng ta phải tiếp tục đàm phán”.

Không chỉ có vậy, chính phủ Nhật Bản lúc này tin rằng Tổng thống Donald Trump đang suy yếu về vị thế chính trị và đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới. “Chúng ta nhận ra rằng phong cách đàm phán của ông Trump đôi khi không mang lại kết quả như mong muốn”, ông Sahashi nói.

Xem Video: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Chờ đợi thỏa thuận lịch sử tại Hà Nội 

//

Điều này rất quan trọng khi Mỹ đang chuẩn bị thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong cuộc họp báo diễn ra sau hội nghị ở Hà Nội, ông Trump đã lảng tránh đề tài này và bày tỏ sự không hài lòng về quan hệ thương mại không công bằng với Nhật Bản.

Quan điểm của Hàn Quốc

So với Tokyo, không khí ở Seoul có phần trầm lắng. Việc hai bên không đạt được một thỏa thuận tưởng như rất gần, điều mà chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rất mong muốn, là một cú sốc lớn.

Tổng thống Moon đã chuẩn bị công bố một loạt những dự án kinh tế Hàn – Triều mới trong một bài phát biểu vào ngày 1/3, tất cả đều phụ thuộc vào thỏa thuận nhằm dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Triều Tiên mà Mỹ đáng lẽ có thể đã được hai bên ký kết. “Thất bại của ông Trump tại Việt Nam là một sự xấu hổ lớn và là vấn đề dai dẳng đối với Tổng thống Moon Jae-in”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ David Straub nói.

“Ông Moon đã đánh cược rất nhiều vào những bước tiến đạt được với Triều Tiên, vào việc Chủ tịch Kim Jong-un thực sự muốn đổi vũ khí hạt nhân lấy sự an toàn và phát triển kinh tế, vào ông Donald Trump khi ông Moon đã khuyến khích ông trao đổi với Bình Nhưỡng”, ông Straub nói thêm.

Kết quả ở Hà Nội đang khiến phe đối lập Hàn Quốc phản ứng dữ dội và đe dọa đến những ảnh hưởng chính trị mà ông có được kể từ khi người tiền nhiệm của ông Moon là bà Park Geun-hye bị khởi tố vì tham nhũng.

Ngay lúc này đây, ông Moon đã mất một phần lớn sự tín nhiệm của người dân bởi trái với những lời hứa mà ông đưa ra, ông vẫn chưa thể củng cố được nền kinh tế đang chững lại của Hàn Quốc và nâng cao đời sống của những người dân có thu nhập thấp. Chỉ còn chưa đầy 14 tháng nữa, Hàn Quốc sẽ bước vào các cuộc bầu cử quốc hội và ông Moon phải chiến thắng lớn nếu không muốn gặp khó khăn về sau.

Tổng thống Moon Jae-in sẽ còn đối mặt với vô vàn sức ép ở Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Phe bảo thủ ở Hàn Quốc đang bắt đầu công kích ông Moon và cho rằng Tổng thống Hàn Quốc đang quá ngây thơ và đang quá đề cao các hoạt động đối thoại liên Triều. “Thách thức chính trị mà Tổng thống Moon đối mặt tại quê nhà sẽ càng lớn hơn nếu không có thêm bước tiến trong vấn đề Triều Tiên”, ông Straub nói.

Ông Moon đang đứng trước những lựa chọn quan trọng. Sẽ khó có khả năng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trong thời gian tới và cũng có rất ít cơ hội để hai bên đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, Triều Tiên sẽ càng yêu cầu Trung Quốc và Hàn Quốc nỗ lực hơn để giúp họ được giảm bớt cấm vận. Nếu không có cơ hội giảm bớt cấm vận, ông Kim sẽ không đến Hàn Quốc để gặp ông Moon.

Quan điểm của Triều Tiên

Quan điểm của Bình Nhưỡng cũng không khả quan hơn người láng giềng của mình. Lúc này, nền kinh tế tập trung của Triều Tiên được cho là đang không vận hành tốt còn người dân đang phụ thuộc vào chợ đen để sống, mặc dù nhiều cơ sở hạ tầng khang trang vẫn đang được xây dựng và nhiều loại xe hơi mới xuất hiện trên đường phố.

Các lệnh cấm vận liên tục được áp đặt từ năm 2016 tới nay khiến kinh tế Triều Tiên ngày càng suy yếu. Việc giới hạn các hoạt động trao đổi các mặt hàng như khoáng sản, hải sản của Triều Tiên đang ảnh hưởng đến chính phủ nước này, và việc Trung Quốc - đối tác kinh tế chủ lực của Triều Tiên - tuân thủ theo những nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên càng khiến những nghị quyết này phát huy hiệu quả.

Các chuyên gia tin rằng Chủ tịch Kim Jong-un đang coi việc thoát khỏi tình hình hiện tại là rất quan trọng. “Ông Kim biết rõ rằng, nếu ông không thể cải thiện đời sống của người dân, vị trí của ông sẽ rất nguy hiểm”, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên Thae Yong-ho, một trong số những người đã chạy trốn khỏi đất nước này cho biết. “Ông ta muốn cho người dân thấy rằng ông ta có thể giải quyết được những vấn đề hiện nay”.

Ông Thae cũng nói thêm: “Giới tinh hoa và người dân Triều Tiên đang có sự bất đồng với nhau. Triều Tiên đang thay đổi, chủ nghĩa tư bản và khái niệm kinh tế thị trường đang lan nhanh ở Triều Tiên. Giờ đây người dân đang tự tìm cách để đảm bảo sự sinh tồn của mình”.

Vì vậy, đối với ông Kim, việc dỡ bỏ cấm vận là mục tiêu hàng đầu. Điều này có thể thấy rõ kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết Triều Tiên chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Tuy nhiên họ nêu ra những hình thức trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp dụng vào năm 2016 là những hình thức mà họ muốn dỡ bỏ. Đây là những lệnh cấm vận đang đánh vào khả năng sinh tồn của Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un tươi cười khi trở về nước.

Không có gì ngạc nhiên khi ông Kim Jong-un vẫn tỏ ra lạc quan mặc dù hội nghị thượng đỉnh lần này không mang lại kết quả như mong muốn. Ông cần phải trấn an người dân ở Triều Tiên, đồng thời tiếp tục thuyết phục chính quyền Tổng thống Moon đứng về phía mình. Nếu thành công, Hàn Quốc có thể sẽ chấp nhận giảm nhẹ cấm vận đến mức độ nào đó. Ngoài ra, một trong những cách mà Hàn Quốc có thể thực hiện đó là tăng cường hàng viện trợ để đưa thức ăn, thuốc men và nhu yếu phẩm khác vào Triều Tiên.

Lựa chọn của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, một số người đã tỏ ra lo ngại về những ảnh hưởng mà kết quả ở Hà Nội có thể gây ra đối với cơ hội đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Rất có thể Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không muốn lên án Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, hệ quả sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội phần nào vẫn rất tốt cho Trung Quốc. Trong cuộc họp báo của mình, ông Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục hoãn các hoạt động tập trận với Hàn Quốc, một thông tin rất tích cực đối với Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn sẽ có lợi”, ông John Pomfret, một chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cho biết. “Nếu Mỹ tiếp tục tập trận và Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí, Bắc Kinh có thể đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào mà họ muốn. Nếu Mỹ tiếp tục hoãng tập trận với Hàn Quốc, điều đó cũng sẽ rất tốt cho Trung Quốc bởi nó cho phép họ có thêm thời gian để tác động vào quan hệ Mỹ - Hàn”.

Cũng theo ông Pomfret, cho dù Triều Tiên trong thời gian tới sẽ làm gì đi nữa, “Trung Quốc và Triều Tiên sẽ ngày càng thân thiết với nhau, và cả Nga cũng vậy”.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 9990
  1. Tổng thống Mỹ để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên
  2. Bước chạy ‘phút 90’ nhằm cứu vãn hội nghị Mỹ - Triều
  3. Học giả Ấn Độ phân tích về Thượng đỉnh Mỹ-Triều Hà Nội
  4. Ông Kim Jong Un đã cố giữ ông Trump tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2?
  5. Ông Trump lên tiếng về nghi vấn Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa
  6. CNN: Ông Kim đã cố giữ ông Trump lại tại thượng đỉnh ở HN
  7. Hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai: Tiết lộ đằng sau những cơ hội vàng của Nga?
  8. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên
  9. Moody’s: Kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều không làm gia tăng căng thẳng
  10. Mỹ - Triều không nên kéo dài “thế bế tắc” trong đàm phán phi hạt nhân hóa
  11. Yonhap: Truyền thông Triều Tiên kiềm chế chỉ trích Mỹ sau thượng đỉnh
  12. Tàu bọc thép của ông Kim về ga Bình Nhưỡng lúc 3h sáng
  13. Quan hệ Mỹ-Triều: Dư âm Hà Nội
  14. Tổng thống Trump nói gì sau cáo buộc ông đang nhượng bộ Triều Tiên?
  15. Tổng thống Trump phủ nhận thảo luận vấn đề tập trận tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2
  16. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
  17. Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Khi ngoại giao cá nhân không tỏa sáng
  18. Ông Kim - Trump gặp mặt, hacker Triều Tiên vẫn miệt mài tấn công Mỹ
  19. Tàu của ông Kim về nhanh hơn lúc đi, còn cách Bình Nhưỡng 320 km
  20. Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi sớm nối lại cuộc gặp Trump - Kim
  21. Ông Trump chỉ trích người làm thượng đỉnh Hà Nội thất bại
Video và Bài nổi bật