Ngọa Vân khai mở lễ hội xuân đón Vesak 2019

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 13-2, tại khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần, Đông Triều, Quảng Ninh, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ khai hội xuân Ngọa Vân 2019. Đây là điểm nhấn trong toàn cảnh Phật giáo các vùng miền nước ta bước vào mùa lễ hội đầu năm âm lịch và đón Vesak (Đại lễ Phật đản) Liên hợp quốc 2019.
Ngọa Vân khai mở lễ hội xuân đón Vesak 2019
Các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm lễ khai hội Ngọa Vân 2019. Ảnh: Thụy Văn

Nghi lễ khai hội Ngọa Vân 2019 diễn ra trang trọng, trong đó đề cập đến vấn đề cốt lõi của tinh thần Phật giáo tại Việt Nam, cuộc đời và công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông - linh hồn của khu di tích này.

Cùng với khu di tích Yên Tử, Ngọa Vân am đã mở rộng thêm vùng đất linh thiêng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, góp phần đưa vùng Đông Bắc trở thành kinh đô Phật giáo. Năm 2019, tỉnh Bắc Giang cũng đưa các di tích phía Tây Yên Tử vào khai thác du lịch, hòa nhịp với Quảng Ninh và làm mới nơi tham quan, chiêm bái của du khách.

Phật hoàng Trần Nhân Tông không những là vị vua anh minh, văn võ song toàn, đã có công lớn lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh đuổi giặc Nguyên - Mông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, ngài còn là người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, làm nên niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.

Trong hành trình tu luyện và nhập diệt, Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài. Sau khi ngài hóa Phật, đệ tử là Pháp Loa tổ chức hỏa thiêu thân xác ngài ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt. Vậy nên Ngọa Vân - nơi hồn thiêng ngủ trong mây - lâu nay vẫn được coi là chốn thanh tịnh, linh ứng và là “nơi ước đến, chốn mong về” của các phật tử.

Sử sách ghi lại, sau khi khôi phục và đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trai, xuất gia tu hành và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt với tinh thần nhập thế, khai phóng và vị tha.

Ngọa Vân là nơi Đức vua Trần Nhân Tông dựng am tu hành và hóa Phật. Vì vậy nơi này là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, cõi thiêng trong lòng phật tử cả nước. Quần thể chùa, am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thu‌ộc đị‌a phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, của thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, phần lớn kiến trúc chùa tháp trong quần thể di tích Ngọa Vân đã bị xuống cấp. Những năm gần đây, nhờ sự hảo tâm đóng góp, sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, quần thể di tích Ngọa Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo từ tháng 2-2014, xứng đáng là miền Thánh địa. Những hạng mục quan trọng nhất được bảo tồn, tôn tạo như: Am Ngọa Vân, tháp Phật hoàng và tháp Đoan Nghiêm.

Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, Ngọa Vân nay được đầu tư hạ tầng giao thông để hành hương thuận lợi hơn. Quần thể Ngọa Vân gồm 4 khu với 15 cụm chùa, tháp gồm: Thông Đàn - Đô Kiệu, Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bậc. Đặc biệt là quang cảnh thiên nhiên quanh đường đến chùa Ngọa Vân vừa huyền bí, vừa thanh sạch, xứng đáng là cõi tu hành linh thiêng, chiêm nghiệm đầy sắc thái nhân sinh.

Điều đáng lưu tâm là trải qua một thời gian dài Phật giáo bị suy vong, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng lâm vào cảnh tương tự, ngôi bảo am bị tàn phá chỉ còn phế tích. Đến nay, chốn thâm nghiêm này được trùng tu phục dựng lại, xứng đáng là nơi linh thiêng trong cõi Phật, đồng thời lộ sáng nhiều chứng tích lịch sử, bồi đắp thêm niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật