Tại sao bố phải… kiện con

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lần từ nước ngoài về chịu tang mẹ vợ, thấy hoàn cảnh bố vợ khó khăn, người con rể đã biếu ông G 1 tỷ đồng mua đất xây nhà để an dưỡng tuổi già.
Tại sao bố phải… kiện con
Ảnh minh họa

Ông G đưa toàn bộ số tiền trên cho con trai mình để lo liệu. Khi về sống cùng, vợ chồng người con trai đã đối xử tệ bạc với bố; dọa nạt, quát mắng, bỏ đói xảy ra như cơm bữa. Cực chẳng đã, ông G khởi đơn ra tòa, kiện đòi trả lại nhà và đất của mình. Câu chuyện không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của luật pháp, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo hiếu.

Đạo hiếu ở đâu?

Cuối năm 2004, trong đám 49 ngày của vợ ông Phạm Ngọc G là bà Lê Thị Nh, ông G được người con rể của mình ở Anh quốc về biếu 1 tỷ đồng để mua đất xây nhà, an dưỡng tuổi già. Vì tuổi cao sức yếu, ông G đã giao lại số tiền trên cho người con trai thứ hai là anh Phạm Ngọc C để mua đất và xây nhà cho ông, dưới sự chứng kiến của những người con trong gia đình và dòng họ.

Sau đó, ông G được ông Ch một người cùng dòng họ giới thiệu đến mua đất của ông Phạm Đức Ng. Giữa ông G và ông Ng đi đến thỏa thuận, giá mua mảnh đất ở khu tự xây thuộc phường Cao Xanh, TP Hạ Long (Quảng Ninh) là 300 triệu đồng. Việc mua bán được viết giấy thỏa thuận và có ông Ch viết lời làm chứng. Mua bán xong, ông G bảo anh Phạm Ngọc C (người được ông giao 1 tỷ đồng) mang tiền đến trả cho ông Ng. Khi anh C mang tiền đến trả  ông Ng, ông G có điện báo trước cho ông Ng. Việc hợp thức giấy tờ mua bán và xin cấp phép xây dựng, ông G giao cho anh C làm.

Tháng 3-2005, ông G tiến hành xây dựng trên diện tích đất đã mua, ông G có hỏi anh C về "sổ đỏ" và Giấy phép xây dựng, được anh C cho biết, giấy tờ làm chưa xong. Quá trình xây nhà, ông G trực tiếp giám sát thi công, còn anh C lo việc mua vật liệu xây dựng và trả tiền công cho thợ. Cuối năm 2005, nhà xây xong hết tất cả là 700 triệu đồng.

Khi ông G dọn về nhà mới, còn cho vợ chồng anh C về ở cùng. Sống cùng được một thời gian, từ cuối năm 2007, vợ chồng anh C quay sang đối xử rất tệ bạc với ông G; Việc vợ chồng anh C bỏ đói, hắt hủi, quát mắng… đối với bố, là chuyện xảy ra cơm bữa! Chịu đựng không nổi, ông G hỏi anh C về giấy tờ của nhà đất đang ở, với ý định bán nhà đất này, rồi cho tiền anh C và tách ra ở riêng, thì anh C nói tất cả giấy tờ nhà đất đều đã mang tên mình, nên nhà đất trên là của anh ta. Nếu thích thì vợ chồng anh C cho ông G ở nhờ, không thích thì đuổi ông đi.

Không được vợ chồng anh C nấu cơm cho ăn, bị đối xử tệ bạc, ông G dọn đến nhà người con trai khác ở. Sau đó, ông G tổ chức họp dòng họ, nhằm khuyên bảo anh C nhận ra lỗi lầm và phải xin lỗi ông. Nhưng, anh C một mực không nghe và thẳng thắn tuyên bố, nhà đất trên mang tên anh C thì là của vợ chồng anh C. Mâu thuẫn này cũng đã được UBND phường Cao Xanh, TP Hạ Long hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Suy sụp vì có người con bất hiếu, ông G cắn răng chịu đựng. Khuyên nhủ không được, những người trong dòng họ cùng 5 người con của ông G khuyên ông đệ đơn ra tòa. Cực chẳng đã, ông G nuốt nước mắt khởi đơn. Sau khi xem xét, vụ án được tòa thụ lý.

Bản án lương tâm

Luật sư Đặng Duy Hoàng Minh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Ngọc G cho biết, chưa từng chứng kiến vụ án dân sự nào mà số người tham dự (cả người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan và người xem phiên xử) lại đông đến thế! Ông G ủy quyền cho luật sư và không có mặt. Ông G vắng mặt không phải vì ông sai, mà bởi lòng ông đau thắt, không thể chịu đựng nổi trước việc phải đứng trước tòa khai người con trai bất hiếu đã đối xử với ông ra sao, để dẫn đến "phiên tòa lương tâm" ngày hôm đó. Bản án của Tòa ra sao ông không bận tâm, nhưng ông muốn một "bản án lương tâm" để răn dạy cho người con trai về đạo làm người. Chứ ở cái tuổi gần đất xa trời như ông, tài sản nhiều hay ít, đáng giá bao nhiêu, ông cũng chẳng thiết vì cũng không mang theo được khi về với tổ tiên! Đó mới là điều ông suy nghĩ!

Trở lại bản án dân sự sơ thẩm số 02/2008/DSST của TAND TP Hạ Long ngày 20-1-2009, tại bản án này, anh Phạm Ngọc C (bị đơn, là con trai ông G) vẫn một mực cho rằng, nhà đất trên mang tên mình, nên đương nhiên là tài sản của mình. Việc anh em của anh C và ông G cùng những người trong dòng họ cho rằng, số tài sản trên được hình thành bằng số tiền do người con rể cho ông G là hoàn toàn vu khống, nên một mực không chấp nhận. Còn vợ của bị đơn là chị Phạm Thị L (con dâu ông G) liên tục vắng mặt trong các lần xét xử mà không có lý do.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, và lời khai của các nhân chứng là các con của ông G và dòng họ Phạm, Tòa dân sự, TAND TP Hạ Long đưa ra nhận định, những người vắng mặt trong phiên tòa đều xác nhận bằng văn bản, việc ông G được con gái và con rể cho số tiền 1 tỷ đồng và ông G giao cho anh C là thật. Tại Biên bản họp dòng họ Phạm, ngày 10-8-2008 và Biên bản họp gia đình ngày 9-12-2008 đều khẳng định, việc gia đình ông G khó khăn về kinh tế, và số tiền 1 tỷ đồng được người con gái là chị Phạm Thị B và người con rể là anh Vũ Hồng P cho ông G trong dịp làm đám 49 ngày vợ ông G để mua đất xây nhà, cũng là sự thật.

Sau khi xem xét lời khai từ 2 phía, TAND TP Hạ Long quyết định, áp dụng các Điều 256, 599 và 600 của Bộ luật Dân sự, Điều 79, 81, 88, 131 và 245 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông G, buộc anh C (con trai ông G) phải trả lại nhà đất cho ông G.  

Đạo lý làm người

Mọi việc tưởng đã được nguôi ngoai theo thời gian, thì bản án Dân sự phúc thẩm số 12/2009/TCDS-PT ngày 30-3-2009 của Tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Ninh lại khoét thêm vết thương tình cảm trong gia đình ông G, khi quyết định: "Chấp nhận đơn kháng cáo của anh Phạm Ngọc C", với các nội dung: Việc giao tiền của ông G cho anh C không có giấy tờ chứng minh; giấy tờ mua bán đất của ông G với gia đình ông Ng "thực chất chỉ là giấy thỏa thuận mua bán", còn tiền do anh C giao nhận với ông Ng; Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cấp đứng tên anh C và vợ là chị L, những lời chứng của những người trong nhà ông G và dòng họ Phạm là thiếu khách quan (!?)… 

Thất vọng vì phán quyết của Tòa phúc thẩm Dân sự - TAND tỉnh Quảng Ninh, gia đình ông G lại có đơn kháng nghị Giám đốc thẩm đối với vụ án. Xem xét giữa lý và tình, cùng quan điểm với tòa cấp sơ thẩm, ngày 22-12-2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao có Quyết định Giám đốc thẩm số 866/2010/DS-GĐT về việc "tranh chấp về quyền sở hữu tài sản".

Quyết định kháng nghị của TAND nhận định: "Đủ căn cứ để xác định ông Phạm Ngọc G là người đã bỏ tiền nhờ anh C đứng tên mua đất và xây dựng nhà, vì vậy tòa cấp sơ thẩm nhận định ông G là người có quyền sở hữu nhà nằm trên diện tích 55,9m² là có căn cứ. Tòa cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của vợ chồng anh C và việc vợ chồng anh C đứng tên trong các giấy tờ mua bán nhà đất để bác yêu cầu của ông G là không đúng".

Rồi các phiên tòa sẽ được mở lại, nhà đất có thể sẽ được trả cho người xứng đáng được nhận nó. Nhưng điều đáng buồn là tình nghĩa cha con sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Sau mỗi phiên tòa, để lại cho người tham dự phiên tòa cũng như người xét xử nặng trĩu những nỗi buồn. Đạo lý cha con của gia đình ông G sẽ ra sao? Chỉ vì đất đai, tiền bạc, nhà ở mà mất hết tình nghĩa, đạo lý của con người?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật