Đất quê trở mình

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều ấn tượng với tôi khi đến những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, không chỉ là những ngôi nhà mới với các con đường rộng rãi hơn, mà còn có những nẻo hoa. Hơn hết, ở mảnh đất ngoại thành đó còn có những nông dân chân chất, cần cù đang từng ngày nỗ lực làm chủ khoa học, kỹ thuật vươn lên làm giàu cả về vật chất và tinh thần.
Đất quê trở mình
Những con đường hoa góp phần tô điểm cho những miền quê ngoại thành.

Người xưa thường có câu “vua chơi lan, quan chơi trà”, ý muốn nói chỉ có bậc quyền quý như vua chúa mới có thể chơi loại hoa này. Ấy vậy, ở xã Đông La (huyện Hoài Đức) lại có hẳn một làng nghề chơi và trồng hoa lan. Người dân nơi đây ví nghề trồng lan như một thú chơi phong lưu mà hái ra tiền. Đường vào xã Đông La, bạt ngàn các vườn lan lớn nhỏ đầy xuân sắc. Những vườn lan xanh mướt, nằm dọc 2 bên triền đê ấy thời điểm này có giá trị hàng tỷ đồng.

Ở Đông La có không ít hộ phất lên nhanh chóng nhờ trồng lan, trong đó phải kể đến nhiều chủ vườn như: Nguyễn Đăng Lĩnh, Hoàng Ngọc Trường, Tạ Công Thực… tuy nhiên, xét về diện tích được đầu tư quy mô thì hộ ông Nguyễn Hữu Nguyên thôn Đồng Nhân là lớn hơn cả. Hiện diện tích trồng lan của ông Nguyên lên tới 1.800m2, chủ yếu trồng các loài có giá trị kinh tế cao như: Hoàng thảo, phi điệp… mỗi giỏ lan có giá trung bình từ 300.000 đồng – 600.000 đồng/giỏ.

Nhắc chuyện làm giàu từ lan, ông Nguyễn Tài Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho biết: Nghề trồng lan “bén duyên” đất Đông La ở quãng năm 1990. Ngày đó, một số người đi làm ăn xa, thấy trên rừng có các loài hoa lan đẹp, họ yêu thích và chuyển về trồng. Cũng từ thú chơi đó, không ít các hộ dân bắt đầu nhân giống, đầu tư mở các mô hình trồng lan để kinh doanh. Từ một vài hộ dân trồng, đến nay, cả xã đã có hơn 100 hộ dân trồng lan với những vườn lan rộng hàng trăm, hàng nghìn mét.

Nhiều vườn lan lớn có thương hiệu, thậm chí còn có cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, chợ Vạn Phúc, Mỹ Đình... kinh doanh, buôn bán và giới thiệu sản phẩm. Không như những loài hoa khác, người trồng chỉ trông chờ vào vụ Tết, lan rừng Đông La được khách hàng chơi và tìm mua quanh năm. Nhờ trồng lan, có gia đình mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, nhờ vậy, vùng quê bên sông Đáy ngày càng có nhiều tỷ phú với những xe sang, nhà rộng xuất hiện nườm nượp.

Một hướng đi khác cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế là xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ). Vân Hà trước kia vốn là vùng đất bãi ven đê sông Hồng, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đa số người dân bãi chỉ chuyên trồng rau màu, cây ăn quả quy mô nhỏ, thu nhập không cao. Năm 2004, nhận thấy việc trồng bưởi hợp với thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, nhiều gia đình nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi.

Đáng mừng là, năm 2007 chính quyền xã Vân Hà thống nhất mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng diện tích. Đặc biệt, năm 2010, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, ở Vân Hà đã diễn ra phong trào cải tạo ruộng vườn thay thế những khu vườn tạp bằng chuyên canh bưởi. Hiện, bưởi trở thành cây trồng chủ đạo, làm giàu cho nông dân và tạo diện mạo mới cho địa phương.

Những con đường trải nhựa phẳng phiu ở các xã xa nhất Thủ đô giúp hàng hóa, giao thông thuận lợi.

Xa hơn, ở vùng đất Ba Trại (huyện Ba Vì), người nông dân thay vì cam chịu sống nghèo với những nương ngô, ruộng lúa, nay họ đã biết tận dụng khí hậu và đồng đất, từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trở thành “vựa” sản xuất chè sạch, phát triển kinh tế địa phương... Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần chia sẻ, hiện toàn xã có hơn 560ha trồng chè. Đây cũng được coi là xã có truyền thống sản xuất chè lâu đời nhất huyện. Toàn xã có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Cây chè đang trở thành cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân Ba Trại.

Chia sẻ thêm về cây chè, anh Nguyễn Huy Hoàng ở xóm Đô cho biết, dù việc chăm sóc chè theo quy trình VietGAP mất nhiều công sức hơn song bù lại, lượng búp thu được nhiều hơn. Qua thực tế, chè sản xuất theo phương pháp này cho lượng búp tăng 15-20%. Đặc biệt, chất lượng chè ngon hơn, bán được giá hơn, nhờ đó, giá trị thu nhập tăng khoảng 40% so với cách sản xuất cũ. Hiện, chè búp khô VietGAP Ba Trại đang được bán với giá 180.000-250.000 đồng/kg.

Xuân về. Mùa xuân mang theo những tia nắng ấm trải lên những cánh đồng bát ngát và những vườn bưởi, vườn cam trĩu cành, những trang trại lợn, gà đang sinh sôi, nảy nở... Xuân về, trên những miền ngoại thành lại náo nức, tươi vui và tràn căng sức sống. Ngoại thành Thủ đô như khoác lên mình tấm áo mới đón xuân sang.

Ngoài các mô hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ấn tượng của tôi với xã Minh Tân (Phú Xuyên), địa phương vừa về đích nông thôn mới vào giữa năm 2018, không chỉ là họ đã từng bước thoát nghèo, mà nhiều năm qua, đời sống tinh thần của họ đã được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Chi, một hộ dân đã tình nguyện đứng ra trồng và chăm sóc đoạn đường 500m có trồng hoa, đã góp phần kíc‌h thí‌ch sự hưởng ứng nhiệt tình trong nhân dân, với mục tiêu “thêm một bông hoa, bớt một túi rác”.

Qua tìm hiểu, con đường nối từ cống Mai Trang, đến Trường tiểu học Minh Tân xưa toàn cỏ dại và rác. Con đường nay khác hẳn. Nó trở thành đường hoa với đủ loại màu sắc, khiến cảnh sắc vùng quê thay đổi. Chị Bùi Thị Dương, Hội Phụ nữ xã Minh Tân cho biết: “Lúc mới triển khai, thời tiết nắng nóng, đoạn đường nhiều cỏ dại, đá sỏi, rác thải nên ai cũng ngại. Thế nhưng, nghĩ đến việc làm đẹp không gian sống, chị em trong hội lại động viên nhau, mỗi người cùng cố gắng và chỉ sau một thời gian ngắn cùng tham gia trồng, chăm sóc cũng như hỗ trợ kinh phí, kết quả đã có tuyến đường hoa đẹp, ai đi qua cũng khen”.

Ở một địa phương khác có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu Hà Nội là huyện Đan Phượng, việc làm đường hoa cũng lan rộng trên nhiều thôn xã.

Đi trên những con đường hoa ngoại thành, tôi nhớ tới lời của một lão nông chuyên trồng rau ở Minh Tân rằng, đời sống người trồng rau dù còn vất vả, nhưng những bông hoa cười rực rỡ sắc mầu sẽ góp phần làm vơi bớt sự mệt nhọc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật