Cụ già 70 tuổi và vụ án trộm cắp cước viễn thông quốc tế

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vì tin bạn, ông Phạm Tiến Hùng (SN 1941, trú tại phường Hòa Lạc, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã cho bạn đặt nhờ chiếc máy điện thoại cả chục năm trời.
Cụ già 70 tuổi và vụ án trộm cắp cước viễn thông quốc tế
Ông Hùng: "Mong sẽ được giảm án để sớm trở về nhìn con, nhìn cháu…"

Vô tình hay hữu ý thì hành vi của ông đã tiếp tay cho hoạt động của bọn tội phạm viễn thông. Giờ đây, những năm tháng cuối cuộc đời, ông Hùng phải tự xám hối sau song sắt trại giam với nỗi buồn khôn nguôi…

Những ngày đầu năm, PV báo PL&XH ghé qua nơi ông Phạm Tiến Hùng đang cải tạo. Trong cơn mưa lất phất, nhìn ông già hơn, gầy hơn nhiều so với tuổi. Câu chuyện ngắt quãng, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ dở vì thỉnh thoảng tai ông ù đặc, không nghe thấy chúng tôi nói gì.

Khi tròn 1‌8 tuổ‌i, ông Hùng đã khoác ba lô lên đường tham gia kháng chiến. Còn em trai ông, ít năm sau cũng theo chân anh lên đường bảo vệ Tổ quốc và hy sinh ở chiến trường miền Nam. Chỉ còn một mình là chỗ dựa cho cha mẹ, ông đã lấy vợ và thi thoảng mới tranh thủ ghé về thăm vợ và người thân được vài lần. Những lần ghé thăm gia đình ít ỏi ấy, ông đã để lại lần lượt bốn giọt máu của mình cho người vợ. Mặc dù, biết mỗi lần sinh con, vợ ông rất vất vả, nhưng ông đành cắn răng dứt áo để đi tham gia cách mạng, mong ngày toàn thắng sẽ trở về bên vợ con.

Theo lời kể của ông, năm tháng qua đi, những nặng nhọc của cuộc sống dồn lên hết đôi vai gầy yếu của người vợ trẻ. Ông cứ đi biền biệt, trong Nam, ngoài Bắc, còn vợ ông, chỉ với công việc làm văn thư cho một đơn vị ở tỉnh, bà đã nuôi bốn đứa con khôn lớn, trưởng thành. Sau hơn 20 năm cống hiến, ông rời quân ngũ, trở về cuộc sống gia đình với quân hàm "Thượng úy".

Cuộc sống đạm bạc tưởng chừng cứ thế trôi đi, nếu không có một người bạn của ông, trú tại tỉnh Đông Hưng, Trung Quốc sang "nhờ vả".

Theo lời kể của ông Hùng, vào năm 1996, người bạn của ông tên là A Hoan, sang nhà ông ở TP Móng Cái, Quảng Ninh chơi. Tại đây, ông ta nhờ ông lắp đặt điện thoại cố định ở Việt Nam cho mình thuê để đưa sang Đông Hưng, Trung Quốc sử dụng vào mục đích kinh doanh. A Hoan cũng hứa rằng ngoài tiền cước, mỗi tháng sẽ trả thêm cho ông Hùng 100 nhân dân tệ. Đồng lương ít ỏi, chỉ hơn 1 triệu đồng nên nghe A Hoan nói có mối làm ăn ấy, ông Hùng phấn khởi hẳn, ông không biết rằng đã bị người bạn chuẩn bị đưa vào vòng lao lý.

Sau khi được A Hoan đưa tiền, vào tháng 7-1996, ông Hùng là người trực tiếp đến Bưu điện TP Móng Cái đăng ký, lắp đặt chiếc điện thoại có số thuê bao 033882… và đặt tại nhà ở phố Hòa Lạc, Móng Cái. Sau khi đăng ký thành công, A Hoan đã lắp một máy điện thoại kéo dài để nối sang máy cầm tay mang về Trung Quốc. Đến tháng 11-1998, số máy này của ông Hùng bị Bưu điện TP Móng Cái cắt hợp đồng với lý do "lắp đặt máy điện thoại không đúng quy cách"…

Tuy nhiên, sau bốn tháng, với sự hậu thuẫn của A Hoan, ông Hùng lại tiếp tục đến bưu điện xin lắp đặt lại số điện thoại cố định và tiếp tục cho A Hoan thuê. Ngay sau đó, người đàn ông này đã cùng với con trai là A Hội mang thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện V/UHF và một số thiết bị kèm theo sang lắp đặt trái phép tại tầng 3 nhà ông Hùng để chuyển tiếp các cuộc gọi quốc tế (từ Việt Nam đi Trung Quốc và ngược lại). Đến tháng 10-2002, tổ công tác của CA TP Móng Cái cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Hùng lắp đặt một số thiết bị nhằm mục đích trộm cắp cước viễn thông quốc tế. Sự việc bị vỡ lở, hai bố con người Trung Quốc kia đã "cao chạy xa bay". Ông Hùng bị bắt ngay sau đó. Qua quá trình điều tra, CQCA đã làm rõ, từ năm 1996 đến năm 2002, thông qua chiếc máy cố định mà ông Hùng lắp đặt tại nhà đã làm thất thoát trên 2 tỷ đồng tiền cước viễn thông của Nhà nước.

Tại bản kết luận giám định của Bộ Bưu chính Viễn thông cho thấy, hệ thống thu phát sóng vô tuyến điện V/UHF lắp tại nhà ông Hùng được sản xuất tại Nhật Bản nhưng không có giấy chứng nhận hợp chuẩn và không có giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện. Chính vì vậy, gần 7 tháng sau, ông Hùng đã bị đưa ra tòa án để nhận phán quyết.

Ngày bị đưa ra xét xử, người đàn ông ngày thường vốn cứng rắn là thế, vậy mà trước vành móng ngựa, ông đã rơi nước mắt khi nhìn người vợ già, cả đời còm cõi nuôi con chờ chồng. Vậy mà, chồng về chưa được bao lâu thì lại vướng vòng lao lý với tội danh trộm cắp. Với tội danh ấy, ông Hùng phải nhận 18 năm tù giam theo phán quyết của Tòa.

Sau khi qua cải tạo ở một số trại, đến năm 2004, ông Hùng đã được chuyển về trại giam Hoàng Tiến, Bộ Công an. Sau giờ lao động buổi sáng, đôi mắt mờ đục của ông luôn lộ vẻ buồn sâu thẳm. Ông Hùng tâm sự rằng, do phạm tội ở lúc tuổi cao sức yếu, nên cán bộ trại giam cũng thường xuyên quan tâm, hỏi thăm và khám sức khỏe cho ông định kỳ. Cán bộ nơi đây đã sắp xếp cho ông công việc nhẹ nhàng như làm vệ sinh, quét dọn buồng giam trong phân trại.

"Những năm mới đi cải tạo, bà nhà tôi còn hay cùng các con đến trại giam thăm tôi. Mỗi lần lên thăm, bà ấy đều khóc, nhưng lúc ấy, tôi còn được động viên tinh thần cũng thấy đỡ tủi. Hai năm nay, bà ấy đã đổ bệnh và phải mổ u nang buồng trứng nên sức khỏe càng giảm sút. Cũng từ đấy, bà ấy không còn lên thăm tôi nữa". Ông Hùng cố nhìn xa để giấu đôi mắt ướt nước mắt đang muốn trào ra.

Ông Hùng cho biết, ở cái tuổi 70 này, sức khỏe ông đã giảm đi rất nhiều lại cộng thêm cái bệnh huyết áp cao thỉnh thoảng dẫn tới đau đầu, đau ngực và nhiều đêm không ngủ được. Những lúc thức trắng đêm, lòng ông đau đớn vì hối hận cứ luẩn quẩn trong đầu ông: "Giá như và giá như…".

Đang nói chuyện với chúng tôi, căn bệnh thoái hóa cột sống tái phát làm ông Hùng đau nhói. Ông bảo rằng, căn bệnh này của ông ngày càng nặng nên chưa thể nói trước được điều gì. Ông chỉ mong khi một ngày gần đây, vợ ông khỏi bệnh, sẽ đưa tất cả con cháu lên thăm ông một lần nữa, vậy là ông mãn nguyện lắm rồi. Bởi tuổi ông giờ như chuối chín cây, không biết sẽ rụng bất cứ lúc nào!

Dáng ông khuất dần sau khu cải tạo mà lòng tôi nặng trĩu. Đáng lẽ ở cái tuổi này, ông đã được nghỉ ngơi thanh thản, vui vầy bên con cháu, vậy mà ông đang phải đối mặt với thời gian khá dài nữa ở đằng sau song sắt trại giam chỉ vì "không hiểu biết…"?!. "Giờ tôi cố gắng cải tạo tốt và tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, mong sẽ được giảm án để sớm trở về nhìn con, nhìn cháu lần cuối…". Đó là mong ước của cụ già 70 tuổi đang cải tạo ở trại giam…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật