Lộc trời từ mối duyên... sen

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bảy năm cầm máy, lang thang với nhiều chuyến đi, cùng với công chuyện làm ăn, doanh nhân Trần Bích ở TP HCM chụp biết bao kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nhưng tất cả sẽ… lặn mất tăm trong làng nhiếp ảnh TP HCM nếu Trần Bích không gặp cái đầm sen hoang hoải, đầy sức ám ảnh ở Phan Thiết vào đầu tháng ba năm 2009.
Lộc trời từ mối duyên... sen
Nghệ sĩ Trần Bích đang tác nghiệp tại một đầm sen.

Khi sắm cho mình một cái máy ảnh, Trần Bích chỉ nghĩ đây là một cuộc chơi để giải tỏa áp lực của công việc, và là phương tiện để lưu giữ những kỷ niệm của một thời "giang hồ vặt" trên bước đường kinh doanh, khi tuổi đã xế chiều. Nhưng thật bất ngờ, trong thời đoạn "rửa tay gác kiếm" ở chốn thương trường, khi bước qua ngưỡng lục tuần thì Trần Bích bỗng nổi lên thành hiện tượng, một ống kính nghiệp dư bán được nhiều tác phẩm ảnh với giá cao trong các cuộc triển lãm về "Hoa Sen" được tổ chức tại TP HCM, Tây Nguyên và Hà Nội trong hai năm vừa qua. Điều đáng nói là được bao nhiêu tiền từ đấu giá đến bán lẻ, Trần Bích tặng hết cho các quỹ nhân đạo, cả thảy đến hơn 500 triệu đồng.

Đã không ít người nhìn nhau hỏi, tay máy này nảy nòi từ đâu nhỉ? Là ai, sao lại yêu thế cuộc đời này?

Trong bảy năm cầm máy, lang thang với nhiều chuyến đi, cùng với công chuyện làm ăn, doanh nhân Trần Bích ở TP HCM chụp biết bao kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nhưng tất cả sẽ… lặn mất tăm trong làng nhiếp ảnh TP HCM nếu Trần Bích không gặp cái đầm sen hoang hoải, đầy sức ám ảnh ở Phan Thiết vào đầu tháng ba năm 2009.

Hương thơm và đóa sen hồng đã bỏ bùa người nghệ sĩ giang hồ này. Bởi lẽ từ sen, Trần Bích đã ngộ ra những nỗi niềm ẩn giấu trong cuộc sống, trong những số phận con người ở xung quanh mình. Đó là nét tươi sáng tràn ngập hy vọng vươn lên của con người. Đó còn là sự đấu tranh không khoan nhượng giữa cái tốt và cái xấu trong đời.

Từ đó anh nguyện chỉ  chụp hoa sen và coi đó là thế giới sáng tạo riêng, như một sự phát hiện ra chính bản ngã vô thường của mình trong nghệ thuật. Anh đã thốt lên: "Đúng là mình đã được lộc trời ban cho".

Trần Bích kể: Có lần đi chụp sen ở Nha Trang, anh đã bị bà con trông coi hồ sen la ó, mắng vì đã bứt lá sen bừa bãi. Anh giải thích cho họ việc mình làm là để cho bông sen ló ra đẹp hơn, để chụp hình. Nhưng anh đâu có biết đó là nỗi đau của sen, hay đó còn là sự day dứt của người nông dân khi giải thích rằng, lá sen là nguồn "sữa" nuôi hoa. Lá sen là người mẹ yêu thương thân thiết nhất của hoa đó. Lúc này trong con tim của người nghệ sĩ bỗng như được chắp cánh với ý tưởng hình tượng nghệ thuật vừa được người nông dân mách bảo. Quả đúng ông trời lại cho mình vậy. Chính tác phẩm "Lòng Mẹ" ra đời từ cái tứ sâu sắc đó. Hình ảnh chiếc lá sen đang tàn úa cố che chở cho bông sen tươi nở lung linh trong nắng vàng đã gây xúc động người xem.

 

"Lòng mẹ" - Ảnh Trần Bích (từng được bán đấu giá tới 100 triệu đồng).

Để chụp được bức ảnh này, Trần Bích đã phải lội dưới đầm sen nhiều buổi để tìm cho được bố cục toát lên ý tưởng về tình yêu thương, cam chịu và hy sinh của người mẹ cho người con của mình. Đây chính là bức ảnh được bán đấu giá với giá 100 triệu đồng. Một nữ doanh nhân ở Hà Nội mua bức ảnh "Lòng Mẹ" tâm sự: "Tình mẹ thật bao la. Sự sống luôn luôn tươi mới và phát triển. Bức ảnh đã làm xúc động tâm hồn tôi".

Cùng với tác phẩm "Lòng Mẹ", Trần Bích còn có hàng chục bức ảnh hoa sen khác được nhiều người xem yêu thích và đồng cảm. Trong số đó có những bức được bán đấu giá với giá cao như "Đời Sen", "Bừng sáng", "Vô thường"…Riêng bức "Bừng sáng" đã được Công ty Phước Long ở TP HCM bán tới 250 triệu đồng để làm từ thiện. Đây là một kỷ lục trong thị trường ảnh nghệ thuật ở nước ta.

Trần Bích ham chụp sen như lên đồng vậy. Ai mách ở đâu có đầm sen đẹp là anh lại vác máy lên đường ngay. Một lần, nghe có người nói ở một làng thuộc tỉnh Quảng Ngãi có một đầm sen rộng tới bốn mẫu và có nhiều hoa sen nở, thế là ngay tối đó anh lên đường. Tới sáng hôm sau mới đến nơi. Chẳng kịp nghỉ ngơi, anh lội ngay xuống đầm sen, chụp được rất nhiều ảnh đẹp. Người nghệ sĩ mải mê quên cả mệt nhọc, đi vào sâu trong đầm và mất hút dưới những tấm lá sen. Thời gian nối tiếp thời gian. Máy cứ bấm liên tục. Trưa đứng bóng. Người nghệ sĩ vẫn lang thang, bì bõm dưới bùn đen. Ấy thế rồi sức khoẻ có hạn, cùng với bao bệnh tật kèm theo, anh đã cố vác máy leo lên cái chòi canh ở cuối đầm nằm nghỉ. Không ngờ anh xỉu luôn không ai hay biết. Mãi tới đầu giờ chiều những người nông dân cùng người lái xe mới tìm được anh và đưa  đi chữa chạy.

Lại có lần, khi kiên nhẫn chờ ánh sáng mặt trời để chụp bức ảnh "Bừng sáng", anh đã phải nằm ngửa dưới bùn để giương máy chụp. Với hy vọng chụp trăm cái ăn một, anh phải nằm ngửa hơi lâu, nên tấm thân ngót 80 ký của anh đã bị lún sâu dưới bùn. Chụp xong, anh muốn đứng dậy song… không dễ. Nếu chống tay mạnh thì lại càng bị lún, anh phải vừa lăn và gượng nhẹ thân thể, vừa phải bảo vệ máy; mãi 15 phút sau mới ngồi lên được. Lúc đó anh chợt nhớ đến câu thơ thiền mà anh định nhờ người sẽ viết lên tấm ảnh của mình: "Ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất, bại thành bỗng chốc hoá hư không".

Đó là sự chiêm nghiệm từ dưới đất bùn cùng với hoa sen mà Trần Bích đã tìm thấy trong mối giao hòa giữa trời đất và tâm hồn con người.

Chưa hết, tháng 10 năm ngoái, khi ra mở triển lãm ở Hà Nội, Trần Bích dong duổi theo bạn xuống chụp hoa sen ở Hồ Tây. Anh kỳ công lội xuống hồ. Chỉ có đứng dưới bùn anh mới cảm nhận hết vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của hoa sen từ phía ngược ánh sáng mặt trời. Lần đó anh chỉ mang chân chống đơn cho máy. Anh yên chí máy không thể đổ. Khi anh bước lên phía trước dọn bớt những lá sen và vật cản chung quanh, ai dè, một chiếc xuồng chạy qua gần đó, tạo sóng đánh mạnh làm đổ chân chống. Thế là chiếc máy ảnh chìm nghỉm trong nước. Mặc dù đem về chạy chữa nhưng không thể được và anh đành chịu mất tong chiếc máy ảnh thân thuộc của mình với giá 7000 USD.

Tiếc lắm đó, nhưng biết sao được, "tai nạn nghề nghiệp" đâu dễ tránh. Bạn bè xót tiếc của giời. Trần Bích chỉ cười và nghĩ đến những cánh hoa sen đang lung linh trước mặt và anh lẩm nhẩm một triết lý khác từ sen mà anh đã ngộ ra: "Mình ơi! Tất thảy dù hư ảo/ Riêng có tình ta mãi mãi bền". Đúng là chất thiền từ sen đã ngấm vào máu người nghệ sĩ lúc nào không hay.

Chất thiền ấy còn truyền cả sang người mua ảnh của anh: Một nhà doanh nghiệp ở Đồng Tháp, sau khi mua bức "Đời Sen" của anh đã đào một cái ao rộng để nuôi sen quanh nhà. Ông ta muốn hương sen làm tĩnh tâm mình mỗi khi trở về...

Vào những ngày giáp Tết Tân Mão vừa qua, tôi tình cờ gặp Trần Bích tại cuộc bình chọn quốc hoa. Xem kỹ 80 bức ảnh của anh trưng bày ở triển lãm, tôi khen ảnh của anh đẹp giống như tranh lụa Trung Quốc vậy. Anh hiểu ý, lập tức phản kháng ngay rằng, mình không hề xử lý qua công nghệ Photoshop chút nào. Nói rồi anh kéo tôi vào bàn ghi cảm tưởng, bật máy tính cho tôi xem những bản ảnh gốc để so sánh với tác phẩm được treo. Anh chỉ ra từng nét cơ bản để chứng minh đây là những sáng tạo trực tiếp từ những ngày tháng bì bõm dưới bùn đen mà có được, chứ không hề có bất cứ sự lắp ghép nào trong hàng trăm ảnh sen đã được chọn lọc, trưng bày.

Mặc dù trong hai năm trời chụp sen, Trần Bích đã có tới hàng vạn bức về  loài hoa này, nhưng anh chỉ chọn ra khoảng vài ba trăm bức có thể tạo nên ý tưởng nhân văn trong hình tượng và bố cục. Tôi hỏi anh "Có nhàm chán không nếu tiếp tục chụp hoa sen", anh lắc đầu nói: "Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Ông trời đã cho tôi những kiếp sen để tôi nuôi dưỡng chính tâm hồn mình".

Lại hỏi, vì sao tiền bán ảnh anh hiến tặng hết mà không giữ lại chút vốn liếng tối thiểu cho mình để "tái sản xuất". Hay đó là sự háo danh? Anh không giận mà chỉ cười và chậm rãi nói:

-Ảnh đẹp và bán được, tôi có niềm vui về thành quả nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng và sâu sắc hơn là từ sen tôi mới thấm thía rằng, trong cuộc sống người đời cũng như sen vậy, có biết bao thân phận cần được chở che vì hoàn cảnh, vì nỗi đau do thiên tai, chiến tranh loạn lạc, hay bệnh tật gây ra…

Thấy anh ứa nước mắt khi nói đến sự sẻ chia, tôi ôm chầm lấy anh, cùng đứng lặng giữa những đóa sen hồng đang ngát hương. Và phút chốc, tôi ngộ ra có những nỗi niềm và số phận trên đời cần được yêu thương và bảo vệ, chí ít đó là cảm xúc tôi có được khi xem những bức ảnh hoa sen của anh, nghệ sĩ Trần Bích

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật