Dòng sông không chỉ là dòng chảy

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đặc điểm địa lý của các địa phương có đường biên giới với nước bạn Campuchia là có nhiều dòng sông, kênh, rạch. Ở nhiều khu vực, dòng chảy ấy chính là biên giới phân định chủ quyền cương thổ quốc gia của hai bên.
Dòng sông không chỉ là dòng chảy
Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia ký biên bản hợp tác giai đoạn 2019-2020. Ảnh: NGỌC TUÂN.

Bên những con sông miền nước nổi…

Với truyền thống đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển được vun đắp qua nhiều thế hệ, những dòng sông giữa đôi bờ cương thổ không chỉ là dòng chảy, mà nó còn là chứng tích lịch sử, cầu nối của tình nghĩa keo sơn, là “sứ giả” của quảng giao văn hóa, giữ gìn những giá trị tương đồng trong bản sắc…

Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp mời đi thực tế sáng tác tại xứ sở sen hồng miền nước nổi. Một trong những điểm đến ấn tượng nhất là dòng sông Sở Hạ. Nếu không nghiên cứu trước tài liệu, không có sự giới thiệu của cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và những đồng nghiệp ở TP Cao Lãnh, hẳn chúng tôi không thể biết nơi mình đặt chân đến đã là biên giới của Tổ quốc. Bên kia sông Sở Hạ là nước bạn Campuchia. Có cảm giác như cuộc sống hai bên bờ sông là những ngôi làng của bà con họ hàng thân thích lâu đời. Chợt nhớ lời của Đại tá Nguyễn Đình Anh, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp, ở đây “một thửa ruộng, hai quốc gia”, nên cái nghĩa cá‌i tìn‌h của nhân dân hai bên thân thiết lắm. Một tiếng cuốc kêu, một làn gió mát, một tiếng gà gáy sáng… cũng đủ kết nối cuộc sống của nhân dân hai nước.

Ngồi trên chiếc bo bo do Thượng úy Dương Hoàng Anh (Trạm Biên phòng Dinh Bà) điều khiển rẽ sóng giữa dòng Sở Hạ vào kỳ nước lớn, chúng tôi nhận được những cái vẫy tay, những nụ cười thân thiện từ phía bờ bên kia, nơi những người dân Campuchia đang làm ruộng. Khung cảnh thanh bình và bầu không khí tình nghĩa láng giềng hai bên biên giới làm cho khách phương xa thêm ấm lòng. Để có được môi trường thân thiện nghĩa tình ấy là cả quá trình lâu dài hai bên cùng vun đắp, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đại tá Phạm Văn Tung, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp cho hay: "Đồng Tháp có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 50km. Từ tỉnh cho đến các sở, ban, ngành, các địa phương địa bàn biên giới đều có mối quan hệ kết nghĩa với các đơn vị, địa phương đồng cấp bên nước bạn. BĐBP tỉnh kết nghĩa với Ty Công an và Tiểu khu quân sự tỉnh Prey Veng (Campuchia). Những năm qua, Đồng Tháp đã giúp đỡ các địa phương nước bạn thực hiện nhiều công trình ý nghĩa. Riêng BĐBP tỉnh đã giúp bạn hàng tỷ đồng xây dựng doanh trại, hội trường, cơ sở vật chất. Con đường và cây cầu Dinh Bà bắc qua sông Sở Hạ chính là một trong những công trình của tình hữu nghị, giúp các địa phương nước bạn phát triển giao thương, kinh tế. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP ở đây hầu như ai cũng nói được tiếng Khmer.

Cùng chung miền văn hóa sen hồng với Đồng Tháp là vùng nước nổi Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Tại huyện biên giới Vĩnh Hưng có một địa chỉ truyền thống khắc ghi tình nghĩa thủy chung của bộ đội và nhân dân hai nước, đó là Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt. Năm 1978, khi quân Pol Pot tiến hành xâm chiếm biên giới, cán bộ, chiến sĩ Long Khốt đã bám trụ chiến hào bên bờ sông Long Khốt 43 ngày đêm, chiến đấu ngoan cường bảo vệ biên giới. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân đã mãi mãi nằm lại dưới lòng sông, trong lòng đất, cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Trước đó, giai đoạn 1972-1974, để tiến công cứ điểm Long Khốt, mở cửa tiến quân về giải phóng đồng bằng Tây Nam Bộ, đã có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) hy sinh tại vùng sông nước này. Trong những trận đánh lớn ấy, Đoàn Cao Bắc Lạng đã nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc lớn lao của người dân Campuchia. Trong số các hạng mục được quy hoạch, phát triển Khu di tích Long Khốt, có hạng mục quan trọng là công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia…

Đến suối, sông trên núi mờ sương

Một trong những địa phương tiêu biểu ở khu vực phía Nam thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, chung tay bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị là tỉnh Bình Phước. Tỉnh Tbong Khmum của Campuchia và Bình Phước là hai tỉnh được chọn làm điểm của hai bên thực hiện nhiệm vụ chung này. Theo lộ trình, cuối năm 2018 cơ bản hoàn thành việc phân giới cắm mốc, bao gồm những mốc chính và hệ thống mốc phụ trên tổng chiều dài hơn 260km.

Cuối năm, đường lên biên giới Bình Phước sương mù phủ trắng những cánh rừng, tiết trời se se chẳng khác gì mùa đông miền Bắc. Mùa này, hoạt động tuần tra chung giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng chức năng nước bạn diễn ra vất vả hơn do phải lội suối, băng rừng trong tiết trời khá khắc nghiệt. Những con sông mang cái tên gợi nhớ, như Đắk Huýt, Chiu Riu… làm cho khung cảnh đại ngàn biên giới thêm thiêng liêng. Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Chiu Riu. Đồn phối hợp quản lý 21,6km đường biên giới thì có đến 15,4km là đường sông, suối. Mỗi tháng, cấp đồn hai bên biên giới phối hợp tuần tra chung một lần. Định kỳ, hai bên biên giới tổ chức hội đàm cấp tỉnh với sự tham gia của các lực lượng chức năng và chính quyền cấp huyện để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của tỉnh Bình Phước và cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới dành cho lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn diễn ra thường xuyên. Mới đây là công trình xây dựng doanh trại cho Tiểu đoàn 204 thuộc Biên phòng tỉnh Karatie, giúp các đơn vị bạn khoan giếng, đào ao thả cá, phát triển các mô hình tăng gia sản xuất vườn, ao, chuồng… cải thiện đời sống.

Vun cho gốc rễ bền sâu

Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, các đơn vị, địa phương địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 đã phối hợp với các đơn vị, địa phương nước bạn triển khai chuỗi hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa trên đất bạn. Hàng nghìn lượt dân nghèo Campuchia được các bác sĩ Việt Nam khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động kỷ niệm, họp mặt, thăm viếng, về nguồn… diễn ra rộng khắp ở các địa phương. Nhiều công trình tình nghĩa, dân sinh được chúng ta triển khai giúp bạn cũng kịp hoàn thành. Đây là môi trường, điều kiện để hai bên thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị.

Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7: Đến nay, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã ký hợp tác, kết nghĩa với 5 đơn vị của bạn. Bộ CHQS của 8 tỉnh và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Trường Quân sự Quân khu, Sư đoàn 5… đã ký kết hợp tác với 17 đơn vị bạn. 33 ban CHQS cấp thành phố, huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh biên giới: Bình Phước, Long An, Tây Ninh đã ký kết hợp tác với 42 tiểu đoàn, chi khu quân sự Quân đội Hoàng gia Campuchia. Đặc biệt, tỉnh Long An đã hoàn thành 100% việc tổ chức kết nghĩa đến cấp xã các địa phương dọc tuyến biên giới. Mới đây, Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 2, Quân khu 4 của bạn xây dựng Nhà truyền thống Sở Chỉ huy Mặt trận 779 tại tỉnh Tbong Khmum và Nhà truyền thống Mặt trận 479; hỗ trợ kinh phí xây dựng và tổ chức khánh thành công trình nhà làm việc của đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia. Đây là những công trình mang đậm dấu ấn của tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị…

Bốn thập kỷ trôi qua kể từ ngày chiến thắng, dòng Mê Công chở nặng phù sa và nghĩa tình thủy chung son sắt của hai Đảng, quân đội và nhân dân hai nước vẫn luôn chung hướng, chung dòng. Dòng sông mẹ ấy được dâng đầy từ hàng trăm con sông, kênh, rạch, suối, khe. Bên mỗi dòng chảy ấy, từng ngày, từng giờ in đậm bước chân tuần tra và hình bóng tảo tần của nhân dân hai bên biên giới “một thửa ruộng, hai quốc gia”… 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật