Lan man ngày cuối năm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày chiến tranh, ở Nam bộ, có thời gian chúng tôi hay lang thang vào các nhà dân để... kiếm ăn, mà nhiều hơn là kiếm... nhậu. Hồi ấy dân vùng “xôi đậu” khổ lắm, nhưng không vì thế mà bà con từ chối chúng tôi một bữa cơm hay một vài bữa nhậu. Mồi nhậu tùy, có gì chơi nấy, nhưng không thiếu, vì sông rạch ở đây rất sẵn cá cua. Lục bình trôi vô tận, còn rau dại thì mọc đầy các khu vườn bỏ hoang đã trở thành “địa hình” cho VC ẩn trú.
Lan man ngày cuối năm
Ảnh minh họa

Những món nhậu cực bắt mắt và cực dễ làm. Như món lục bình chấm mắm kho quẹt. Rượu đế không hề thiếu, tình cảm còn lai láng hơn. Từ những cuộc nhậu trong chiến tranh ấy, khi trở ra Hà Nội, tôi thấy người vùng đất kinh kỳ (thứ nhất kinh kỳ) có vẻ hơi ít sáng tạo khi tìm mồi nhậu. Họ chỉ chú tâm vào vài ba món truyền thống, trong đó có lạc rang là thứ ăn chơi.

Dĩ nhiên, Hà Nội không phải miệt vườn, nhưng nếu để ý kiếm tìm, vẫn có thể phát hiện những nguyên liệu bất ngờ. Có điều ở Hà Nội hồi đó hầu hết là những văn nhân, những nhà văn hóa, hay những người luôn “giấy rách giữ lề”, họ coi chuyện ăn uống là “chuyện thường ngày ở huyện”, chứ không phải ở thủ đô, nên ít khi chú tâm để có thể tạo ra các món ăn món nhậu nào vừa ít tốn tiền vừa mới lạ.

Sau này vào Đà Nẵng, tôi chơi với vài ba anh bạn xứ Đà, họ đều có kỹ năng... đi chợ mua nguyên liệu làm mồi nhậu. Nhiều khi chỉ với mệnh giá tiền thấp nhất, họ vẫn mua được cái gì đấy về chế biến ra mồi nhậu ngon lành. Tôi cực kỳ khâm phục họ, và coi đó là những sáng tạo rất đáng quý, nhất là trong thời buổi đói kém. Làm thơ, cũng vậy. Nhiều khi, với ít chữ nhất, với những chữ bình thường nhất, nếu anh tạo ra được một bài thơ hay, anh sẽ sánh ngang với... những người làm mồi nhậu từ những nguyên liệu rẻ tiền. Đó là nghệ thuật tối giản, hay nghệ thuật tối thiểu, một nghệ thuật cao siêu chứ không phải dạng vừa. Văn Cao, trong một số bài thơ của mình, đã làm và đạt thành công từ nghệ thuật ấy. Đó cũng là nghệ thuật mà tôi rất ưa chuộng, dù không phải lúc nào tôi cũng dùng và cũng thành công.

Nói thêm về chữ nghĩa trong thơ, những chữ nhỏ bé, tầm thường giống như những con cá nhỏ không tên tuổi mà dân biển thường đánh được mỗi khi ra khơi. Họ không bán những con cá này, chỉ để... nhậu. Thì hóa ra, những con cá nhỏ không nổi tiếng này lại ngon hơn những loài cá lớn danh tiếng nổi như cồn. Ngon hơn rất nhiều. Ăn rất lạ miệng. Thơ cũng vậy. Nhiều khi với những con chữ tầm thường, mù mờ, mình có thể viết nên bài thơ “lạ miệng”, hơn là dùng những chữ to tát, những chữ “hoành văn tráng”. Thơ cũng giống như những con cá nhỏ, có thể nó ngon vì không nổi tiếng, nhưng nó ngon vì chính phẩm chất nội tại của nó. Khi ăn, hay khi đọc, người ta nhận ra ngay. Dù những con cá “lớn” có vẫy vùng trên bàn trên mâm bao nhiêu năm, thì người ta vẫn có cách để nhận ra vị ngọt ngon của những con cá nhỏ. Nhà thơ cũng vậy. Nhiều khi nhà thơ lớn chưa chắc đã “ngon” hơn nhà thơ nhỏ. Cái chính là bài thơ, chứ không phải nhà thơ. Đi máy bay, tôi cũng đã vài lần ngồi vé “VIP”. Và có một lần ngồi “ghế súp”. Tôi nhớ mãi lần đó, chứ không nhớ những lần được coi như VIP. Bởi ở lần ngồi ghế súp năm 1985, tôi đã đi máy bay không... vé. Nhờ lời gửi của một người thân với hàng không, và nhờ tập thơ Khối vuông ru-bích tôi tặng các anh phi công, tôi đã được các anh ưu tiên cho ngồi gần buồng lái, với một cái... thùng đặt tạm làm ghế. Hơn một tiếng rưỡi đồng hồ từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tôi đã cảm thấy mình may mắn vô cùng. Hồi ấy cực khó để mua được một cái vé máy bay.

Như thế, vấn đề của anh hay của thơ, là hoàn cảnh trong đó anh hay thơ xoay xở, chứ không phải sự đặt định. Bài thơ cũng phải tự xoay xở để thoát ra, để đi tới kết thúc, dù nó “ngồi” trên một cái tứ “VIP” hay một cái tứ “ghế súp”. Nhà thơ cũng vậy luôn. Ngồi ở đâu không quan trọng bằng ngồi như thế nào. Ngồi giữa chợ mà tươi vui, thanh thản vẫn sướng nhiều lần hơn ngồi phòng khách đặc biệt mà không thoải mái. Ăn cũng vậy. Ăn bún ốc chợ Hàng Da cùng bạn hiền Đào Hùng vẫn ngon hơn ăn súp bào ngư vi cá gì đó trong bữa tiệc với những người mình không ưa. Thơ giành lấy cho nó sự tự do, và cùng thơ của mình, nhà thơ cũng tự do. Biết mình đang ở đâu, nhưng thơ vẫn kiên trì giành sự tự do cho mình. Ngôn ngữ “mờ” không hề nói với bạn rằng tự do trong bài thơ thiếu sáng. Ngược lại. Tôi có cảm giác Đặng Đình Hưng tự do tuyệt đối khi làm thơ, dù thơ ông rất mờ. Tự do hay không, tâm hồn quyết định.

Nếu dân chủ là của cộng đồng thì tự do là vấn đề cá nhân. Từng cá nhân phải giành tự do về cho mình. Khi tự do là chuyện của cá nhân tôi thì suốt đời tôi có thể sống tự do, dù trong hoàn cảnh nào. Tại sao lại có “Ngục trung nhật ký”? Vì Hồ Chí Minh là người tự do. Người có tự do thì luôn biết tôn trọng tự do của người khác. Khi sự tôn trọng này lan tỏa ở tầm xã hội, thì xã hội ấy có tự do.

Cứ đạp xe mà nghĩ ngợi như thế, cũng ngộ ra nhiều điều.

Trong suốt cuộc đời tìm kiếm của mình, Lev Tolstoi vĩ đại đã không ít lần nói tới giáo dục - một đề tài đang rất “hot” hiện nay ở nước ta. Điều mà ông quan tâm ở giáo dục chính là “khoa học nền” cần được truyền thụ cho học sinh trên toàn thế giới: đó là tôn giáo và đạo đức. Tolstoi viết (trong một bức thư về giáo dục): “Cách lý giải duy nhất cái cuộc sống điên rồ, ghê tởm đối với ý thức, mà loài người thời đại chúng ta đang sống, chính là ở điểm đó - ở vấn đề là người ta đang dạy cho thế hệ trẻ vô số các môn học phức tạp nhất, khó khăn nhất và cũng không cần thiết nhất, người ta chỉ không dạy họ một điều rất cần thiết, đó là lẽ sống của cuộc đời một con người là gì, cuộc sống phải được hướng đạo bởi điều gì, những con người thông thái nhất xưa nay trên trên toàn thế gian này đã nghĩ gì về điều đó và đã giải quyết nó ra sao” (trích theo cuốn “Đường sống” của Lev Tolstoi do Phạm Vĩnh Cư và cộng sự tuyển chọn, dịch và chú giải. NXB Tri Thức).

Không chỉ là nhà văn hiện thực vĩ đại, Tolstoi còn là nhà lãng mạn vĩ đại, người mơ tưởng vĩ đại. Nếu bây giờ ông đem những lời ấy nói với những người lãnh đạo giáo dục Việt Nam, họ sẽ kính cẩn lắng nghe, mỉm cười lịch sự và... quên ngay sau đó. Nhưng với Tolsoi, thì đó là cốt lõi của nguyên do tồn tại, là lẽ sống của con người ở đời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật