Cân nhắc kỹ nhu cầu ngành nghề tương lai

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ GD-ĐT đã công bố quy mô đào tạo hiện tại của bậc ĐH, CĐ và TCCN. Kết hợp với thông tin xu hướng việc làm của Bộ LĐ-TB&XH, thí sinh sẽ có cái nhìn tương đối toàn diện về nhu cầu nghề nghiệp tương lai để cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn sẽ theo đuổi ngành nghề gì trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011.
Cân nhắc kỹ nhu cầu ngành nghề tương lai
Nhu cầu nhân lực ngành Y dược lớn nhưng quy mô đào tạo chưa đáp ứng được

Ngành kỹ thuật công nghệ có quy mô đào tạo lớn nhất

Theo thông tin mới nhất của Bộ  GD-ĐT, quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ trên cả nước đang nghiêng về nhóm ngành kỹ thuật công nghệ với tỷ lệ 32,78% trên tổng số 8 nhóm ngành của bậc học này. Nhóm ngành kinh tế hiện tại có hơn 140.000 sinh viên theo học, chiếm tỷ lệ 27,72%. Tiếp theo sau 2 nhóm ngành này là sư phạm với hơn 90.000 sinh viên, chiếm tỷ lệ 17,68%. Nông-Lâm-Ngư đang đào tạo 44.500 sinh viên, chiếm tỷ lệ 8,67%.

Nhóm ngành xã hội nhân văn chiếm 7,15% với gần 36.700 sinh viên. Nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 2,72% với gần 14.000 sinh viên. Thấp hơn, nhóm ngành y chỉ chiếm 2,02% với hơn 10.000 sinh viên và cuối cùng là nhóm nghệ thuật, thể dục thể thao chiếm 1,26% với hơn 6.000 sinh viên.

Có thể thấy, hiện tại các trường ĐH, CĐ cũng như TCCN đều đang cố gắng điều chỉnh các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, trong đó nhu cầu theo học của thí sinh có tính định hướng quan trọng trong việc mở ngành đào tạo cũng như xác định quy mô, chỉ tiêu đào tạo của từng khối ngành trong các trường hiện nay. Tuy nhiên, cũng chính vì tính chất phụ thuộc vào lựa chọn của thí sinh trong các trường nên việc thí sinh sau khi được đào tạo có tìm được công việc theo đúng sở thích cũng như ngành nghề mình được đào tạo hay không lại không thể hiện qua những con số nói trên.

Do vậy, ngoài việc lựa chọn ngành đào tạo, cơ sở đào tạo phụ hợp với sở thích, khả năng, điều kiện của mỗi thí sinh thì việc thu thập thông tin liên quan đến thị trường lao động tương lai là việc các bậc phụ huynh và thí sinh cần tìm hiểu trước khi chính thức bước vào kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 để sau khi tốt nghiệp vào năm 2015 có thể có những cơ hội việc làm tốt nhất.

Nhiều ngành “nóng” sẽ dần giảm nhiệt

Theo thông tin về xu hướng việc làm Việt Nam của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường  Lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 23 triệu lao động trong năm 2008. Tuy nhiên, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020.

Cũng theo báo cáo, nhiều ngành hiện có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015 gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015.

Bên cạnh đó, đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác.

Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ… Tuy nhiên, những ngành này lại giảm mạnh, khoảng 50% việc làm vào năm 2020. Trong năm này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%.

Có thể thấy đây là những con số thống kê dự báo của thị trường lao động nói chung trên cả nước. Tuy nhiên, với từng địa phương và vị trí công việc cụ thể thì xu hướng này có thể không thể hiện rõ. Nhưng với những thông tin này, thí sinh cũng có thể hình dung phần nào về nhu cầu việc làm của thị trường trong những năm sau tốt nghiệp ĐH, CĐ của mình để có thể lựa chọn tốt hơn trong kỳ tuyển sinh sắp tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật