Hội chùa Hương, vấn nạn rác và “chặt chém” khách

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong không khí đầu xuân, hàng vạn người nô nức du xuân, trẩy hội chùa Hương. Tuy nhiên, du khách vẫn phải đối mặt với tình trạng “chặt chém” từ dịch vụ hàng quán, bị “móc túi” bởi những trò bói toán, mê tí
Hội chùa Hương, vấn nạn rác và “chặt chém” khách
Nạn bói toán tại hội chùa

“Phe vé” ngày càng tinh vi

Ngay tại cầu Vân Đình (huyện Ứng Hoà) cách chùa Hương hơn 20km, chúng tôi đã bắt gặp cảnh “cò” đang bám đuổi tiếp thị một gia đình trên chiếc xe hơi trẩy hội chùa: “Anh chị và các cháu đi chùa Hương cứ theo em, yên tâm vì giá vé nhà nước quy định rồi. Nơi ăn nghỉ sạch sẽ, chu đáo không phải lo lắng”. Nhưng khi khách hỏi dịch vụ trọn gói (vé thắng cảnh, tiền đò, tiền nhà trọ) cò quát: 350 – 400 nghìn/ khách/ngày.

Một “cò” đeo bám ô tô đi trẩy hội từ Vân Đình, huyện Ứng Hoà.

Vừa lên chuyến đò tại bến Đục, chị Nguyễn Thị Bảy (huyện Duy Tiên,  Hà Nam) than vãn: Đầu năm đã bị chèo kéo, trên đường hỏi thăm vào chùa, nhóm chúng  tôi được anh xe ôm “tận tình” đưa khoảng 4km, khi tới nơi anh này đòi 50.000đ tiền chỉ đường, tìm chỗ gửi xe. Đành phải móc ví mà trả cho xong.

Theo quy định của Ban tổ chức lễ hội: giá vé thắng cảnh (bao gồm cả phí bảo hiểm) là 30.000đ/người, tiền đò 25.000/người (gồm vào - ra). Tuy nhiên, qua khảo sát của PV, trên thực tế rất nhiều khách đã bị “móc túi” nhưng không hề hay biết. Chị Hoàng Thu Vân (ở Ý Yên, Nam Định) cho biết: “Trước khi chúng tôi lên đò được các chủ đò bán vé thắng cảnh và vé đò tổng cộng mỗi người là 80.000đ/người. Nhưng khi lên đò vé đò bị thu lại và chúng tôi được gửi theo một chuyến đò khác và để yên tâm thì phải bồi dưỡng cho lái đò từ 10.000 – 20.000đ/người”.

Vẫn cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”

Ghi nhận của PV cho thấy, hầu hết các nhà hàng chạy dọc theo khu bến Trò, đập vào mắt du khách khi đến nơi tôn nghiêm là cảnh “thú rừng” bị xâu, treo lủng lẳng, xẻo thịt trơ xương, hay thú còn nguyên con… Hàng quán nào cũng treo 6 - 7 con thú đủ loại: hươu, nai, cầy hương, cầy vòi trước quán để quảng cáo với khách.

Tại trước cửa một nhà hàng, cả nhóm người xúm đông xúm đỏ mua thịt hươu  rừng với giá bà chủ quán quát 600.000đ/kg. Sau khi thoả thuận, nhiều khách được xẻo cả tảng thịt và nhờ nhà hàng chế biến ăn luôn tại quán. Nhưng khi nghe anh hàng nước  nói: “Lấy đâu ra thú rừng, hươu nai toàn nuôi nhốt, già không lấy nhung nữa thì bán cho các quán làm thịt”, các “thượng đế” mới tá hoả.

Cũng trong cảnh được chào mời nhiệt tình vào quán ăn thịt thú rừng, nhưng ăn xong mới biết chỉ là thịt bê, thịt thỏ, anh Ngô Văn Hải ở phố Thái Thịnh (Hà Nội) bức xúc: “Đúng là ‘treo đầu dê, bán thịt chó’, tôi cùng bốn người bạn xem thú rừng treo, bèn gọi món nai rừng hấp và cầy vòi xào. Nhưng khi lên đĩa nếm thử thì đích thị là thịt bê và thịt chó, có ý kiến với chủ quán thì chỉ nhận được những câu kỳ kèo khó nghe, đành ăn nhanh mà đi”.

Một số du khách khác chia sẻ với PV: Với các thủ thuật của các chủ hàng quán, thì chuột cũng biến thành chồn, cầy hương,… nhưng khi đã trót mua, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Những vấn nạn thịt thú rừng “rởm” và rác thải vẫn tồn tại ở lễ hội.

Bắt “chẹt” khách, bói toán và rác khắp chùa

Hầu hết các hàng quán lớn nhỏ tại chùa Hương đều thả phanh “chặt chém” du khách. Các loại nước uống có giá thị trường dao động từ 5 – 10 ngàn đồng/chai (lon). Tuy nhiên, khi qua tay các hàng quán đều quát lên gấp 2 - 3 lần, thậm chí 5 – 6 lần.

Trên đường vào động Hương Tích, một lon caphê, chai nước để lạnh giá 20.000đ, bánh mỳ kẹp xúc xích có giá 30.000đ/chiếc. Nhiều khách còn mắc lỡm khi leo bậc đá mệt đành phải bỏ tiền ra mua 15.000đ một cây gậy tre… “Ba người ngủ trên những chiếc giường tạm bợ ven đường vậy mà hôm sau thanh toán 50.000 đồng/người. Các chủ quán trọ chẳng khác nào “cắt cổ” khách” - chị Hà Thị Dung, ở Thái Bình bức xúc nói.

Tại khu vực chùa Thiên Trù, lượng khách tấp nập đổ về, nhóm xổ số “bóc” với những bọc hàng trăm phiếu trên tay ngang nhiên tung hoành. Với giá 2000đ/vé các chủ vé số luôn tay bóc cho khách. “Ngồi bóc hơn 30 vé, trúng được 3 vé với giải khuyến khích 4.000đ, tính ra vẫn thiệt gần 50.000đ” – anh Nguyễn Văn Khoáng, một du khách cho hay.

Đường lên động Hương Tích, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng dịch vụ bói toán vẫn thản nhiên hoạt động. Rất đông nam thanh, nữ tú vây quanh nghe “thầy” phán. Chị Lưu Thị Quyên, sinh viên trường Đại học Lao động xã hội, than thở: “Mỗi lần đặt quẻ từ 20 – 50 ngàn đồng, em xem đường tình duyên, thầy bảo em phải qua 3 lần đò. Còn bạn em, thầy phán là thuận lợi trên đường công danh nhưng khắc cha mẹ. Xem xong lại thêm lo…”.

Về vấn đề lộn xộn này ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết: Lượng khách trong những ngày vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái tăng trung bình gần 2.000 lượt. Hoạt động mê tín, bói toán là chưa có, thời gian tới nếu phát hiện có BTC sẽ xử lý (?!).

Một vấn nạn diễn ra trong nhiều năm qua đó là tình trạng xả rác bừa bãi khắp khu vực thắng cảnh. Trên các chuyến đò, các khách trẩy hội thiếu ý thức vứt cả nilon, vỏ chai, vỏ hoa quả xuống suối… Án ngữ ngay bậc lên chùa Thiên Trù là một đống rác “khổng lồ” khiến nhiều du khách ngao ngán. Bên cạnh đó, những quán ăn nhỏ cũng bừa bộn rác, khách khứa vẫn thản nhiên ngồi ăn trên đống rác.

Dưới động Hương Tích, dòng người ùn ùn đổ xuống lễ, kéo theo là tình trạng xả rác bừa bãi. Theo một nhân viên thu gom rác phản ánh: “Đến lễ Phật, cầu này khấn nọ nhưng quay đi, quay lại, khách tự do ngồi ăn uống, vứt rác ngay ra lòng động. Ngày vài lần quét cũng chẳng ăn nhằm gì…”.

Dưới đây là một số hình ảnh “nhức mắt” mà PV ghi lại tại chùa Hương:

Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” vẫn nhan nhản tại các hàng quán.

Thịt hươu, thịt bê nhộn nhạo “chém” khách giá 500 – 600ngàn/kg.

Lối lên Thiên Trù…

dưới động Hương Tích ngập rác.

Bến đò, quán ăn cũng bừa bãi rác.
Bói toán, vé số tung hoành…

Tiền thật vứt la liệt khắp giếng thần, vách đá, ga cáp treo.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật