Những bức ảnh hàng tỷ pixel được chụp thế nào?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để tạo được một bức ảnh toàn cảnh với độ chi tiết rất cao và có khả năng phóng to hàng trăm lần, các nhiếp ảnh gia phải làm việc hàng tháng trời.
Những bức ảnh hàng tỷ pixel được chụp thế nào?
Bức ảnh của Jeff Cremer có thể in ra với chiều dài tới 6 m mà vẫn rõ nét từng chi tiết khi nhìn gần. Ảnh: PetaPixel.

Vừa qua, người dùng Facebook Việt Nam xôn xao với một , chụp lại thành phố Thượng Hải. Trong bức ảnh này, người xem có thể nhìn toàn cảnh thành phố từ tháp truyền hình cao 230 m, nhưng cũng có thể phóng to vài trăm lần để nhìn tận mặt từng người xuất hiện trong ảnh.

Đây là một bức ảnh thuộc thể loại “gigapixel”, chỉ những bức ảnh ghép với độ phân giải lên đến trên 1 tỷ pixel. Để thực hiện một bức ảnh như vậy, nhiếp ảnh gia không chỉ cần những thiết bị đắt tiền mà còn phải dành rất nhiều thời gian cho quá trình chụp ảnh, hậu kỳ.

Dưới đây là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Jeff Cremer về quá trình thực hiện bức ảnh thành phố Quito, Ecuador với độ phân giải 16 tỷ pixel.

Ảnh ghép từ gần 1.000 tấm ảnh đơn lẻ

Tấm ảnh siêu phân giải do Cremer thực hiện được ghép từ 960 bức ảnh đơn, chụp ở độ phân giải 50 megapixel. Ảnh được chụp ở định dạng RAW, có dung lượng trên 60 MB. Ảnh ghép cuối cùng có độ phân giải 16,59 tỷ pixel, là bức ảnh chụp thành phố Quito có độ phân giải cao nhất từ trước tới nay.

Khi in ra, bức ảnh này có chiều dài tới 6 m, và người xem ảnh có thể nhìn rõ chi tiết kể cả khi đứng sát bức ảnh. Công cụ để thực hiện bức ảnh bao gồm máy ảnh Canon EOS 5DS R, ống kính Canon 100-400mm f/5.6 II, bộ đầu quay tự động GigaPan Epic Pro và chiếc máy tính MacBook Pro.

Theo Cremer, anh chọn 5DS R bởi chiếc máy ảnh này có độ phân giải cao, loại bỏ bộ lọc thông thấp giúp ảnh sắc nét hơn. Ống kính được chọn vì gọn nhẹ so với các ống cùng tiêu cự, lại có đường kính phù hợp để giảm hiện tượng quang sai. Đây là một hiện tượng mà người chụp ảnh gigapixel hoặc ảnh thiên văn thường rất đau đầu tìm cách khắc phục.

Bộ công cụ của nhiếp ảnh gia này gồm máy ảnh, ống kính tiêu cự 400 mm và bộ đầu quay tự động. Ảnh: PetaPixel.

Bộ đầu quay GigaPan Epic Pro là sản phẩm ứng dụng công nghệ từ đội ngũ nghiên cứu của NASA và đại học Carnegie Mellon. Người dùng chỉ cần chọn các góc của bức ảnh, đầu quay sẽ tự động xoay máy ảnh theo khung và chụp lại theo khoảng thời gian nhất định.

Chiếc MacBook cũng là một thiết bị quan trọng, bởi số lượng ảnh chụp quá lớn khiến cho Cremer không thể lưu hết ảnh vào thẻ nhớ. Giải pháp của anh là kết nối máy ảnh với MacBook và dùng phần mềm Canons EOS Utility, cho phép chụp và lưu trực tiếp vào ổ của máy tính.

Chọn địa điểm không hề dễ dàng

Để chụp được một bức ảnh toàn cảnh, Cremer phải lựa chọn được một địa điểm cao, thoáng đãng với góc nhìn rộng. Ngoài ra, địa điểm này cũng phải dễ tiếp cận, bởi anh cần mang theo rất nhiều đồ đạc.

Cuối cùng anh chọn được một điểm ở gần đỉnh núi lửa Pichincha. Khu vực này có độ cao hơn 4.500 m so với mực nước biển. Tuy nhiên khi lên tới nơi, anh mới nhận ra điểm này vẫn hơi xa thành phố, nên ảnh sẽ không đủ chi tiết. Do vậy Cremer đã phải mang tất cả đồ đạc xuống một điểm ở thấp hơn.

Để có góc nhìn rộng, anh cũng phải dựng một giàn giáo nhỏ để đặt các thiết bị chụp ảnh. Vì đây là một khu vực trên núi, không có điện nên Cremer còn phải mang theo một máy phát để cung cấp điện cho bộ xoay và máy tính.

Sau khi đã chọn được địa điểm, Cremer còn phải dựng giàn giáo để có góc chụp thoáng nhất. Ảnh: PetaPixel.

Mặc dù đã lựa chọn được một điểm rất cao, có góc nhìn rộng và chọn ngày đẹp trời, Cremer cho biết vẫn còn một vài yếu tố ảnh hưởng tới bức ảnh. Trong ngày hôm đó, một số đám cháy nhỏ trong thành phố tạo khói. Núi lửa Cotopaxi ở phía xa cũng tạo ra khói và muội, ảnh hưởng một chút tới bức ảnh. Những yếu tố này không phải vấn đề lớn với một bức ảnh đơn lẻ, nhưng để ghép cả ngàn tấm ảnh thành một bức ảnh hoàn hảo thì sẽ mất rất nhiều thời gian xử lý.

Chụp ảnh đã lâu, chỉnh sửa còn lâu hơn

Để chụp được hết 960 bức ảnh, Cremer đã mất 2 ngày chụp. Ngày đầu tiên vùng chân trời và các núi lửa ở phía xa bị mây che, nên anh lựa chọn chụp hết phần thành phố. Ngày hôm sau, khi bầu trời thoáng đãng hơn, anh mới chụp phần chân trời để về sau có thể ghép thành một bức ảnh hoàn chỉnh.

Sau khi đã chụp đủ ảnh, Cremer sử dụng phần mềm có tên Autopano Giga để ghép các ảnh với nhau. Phần mềm này sử dụng thuật toán để ghép những phần có liên quan giữa những bức ảnh với nhau. Tuy nhiên để Autopano xử lý mượt mà, Cremer cũng phải thực hiện một số thao tác, như điều chỉnh ánh sáng tổng thể, hay chỉnh sửa những lỗi ghép khiến cho người hoặc vật thể trong ảnh bị lỗi như mất một nửa hay xuất hiện hai lần.

Quá trình chụp ảnh và chỉnh sửa mất nhiều ngày. Để tải lên mạng, ảnh hoàn chỉnh bị cắt thành hơn 174.000 bức ảnh nhỏ nhằm đảm bảo có thể xem qua trang web. Ảnh: PetaPixel.

Một điểm quan trọng mà nhiếp ảnh gia này lưu ý là trong quá trình xử lý ảnh, ổ lưu trữ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả vi xử lý và RAM. Do kích thước của bức ảnh quá lớn, dung lượng RAM không đủ để lưu trữ và xử lý, nên máy phải lưu và lấy bộ nhớ đệm trực tiếp trên ổ lưu trữ. Ban đầu anh dùng một ổ SSD dung lượng 500 GB, nhưng sau đó phải nâng cấp lên ổ 1 TB mới đủ dung lượng và tốc độ để xử lý ảnh.

Tới khi tấm ảnh đã được ghép hoàn chỉnh, Cremer tiếp tục sử dụng một phần mềm để chia ảnh thành hàng vạn tấm ảnh nhỏ hơn, như vậy mới có thể tải lên trang xem ảnh. Tấm ảnh này được cắt thành hơn 174.000 ảnh nhỏ, nhằm đảm bảo tốc độ tải ảnh nhanh nhất cho người xem.

Cremer đã mất nhiều ngày để hoàn thành dự án này, nhưng đó vẫn là thời gian ngắn. Trong trường hợp tấm ảnh chụp thành phố Thượng Hải, nhóm làm ảnh cho biết họ đã phải mất tới 2 tháng để hoàn thiện bức ảnh. Tuy nhiên thời gian bỏ ra là xứng đáng để có được những tác phẩm “để đời”, giúp nhiều người có cơ hội du lịch qua ảnh tới những địa điểm xa xôi với độ chi tiết rất cao. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật