Có giải pháp dài hạn, bền vững giải quyết tai nạn giao thông đường sắt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2018 đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng, ngành đường sắt đã nỗ lực tìm giải pháp để kéo giảm tai nạn, đảm bảo hành lang an toàn tàu chạy. Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây là xử lý các vị trí đường ngang và lối đi tự mở đường bộ giao cắt với đường sắt. Tuy nhiên, để phương án này được hiện thực hóa và phát huy hiệu quả đúng như kỳ vọng là cả một câu chuyện dài.
Có giải pháp dài hạn, bền vững giải quyết tai nạn giao thông đường sắt
Các lối tự mở, đường ngang giao với đường sắt đang là hiểm họa thường xuyên của tai nạn đường sắt.

Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo ATGT trên tuyến đường sắt quốc gia đã được Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng. Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, mục tiêu của Đề án này là rà soát, đưa ra các biện pháp tổng thể nhằm thu hẹp, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở, vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt; cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia và xác định lộ trình thực hiện. Sau một thời gian xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam đã có dự thảo Đề án trình lãnh đạo Bộ GTVT, trong đó đưa ra 7 nhóm giải pháp cơ bản để xử lý các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Đáng chú ý nhất là các giải pháp như xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ. Đây được đánh giá là nhóm giải pháp nòng cốt nhất để xử lý tình trạng đường ngang dân sinh, lối đi tự mở ngày càng xuất hiện nhiều.

Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện có 4.160 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại. Đây được coi là “thủ phạm” chính gây ra các vụ TNGT đường sắt. Bởi, tính từ năm 2005-2017, số vụ tai nạn xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ TNGT đường sắt, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm trên 42%. Ông Vũ Quang Khôi cho hay, với giải pháp xây dựng hàng rào, đường ngang và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui... có thể giảm được tới 2.078 lối đi tự mở giao cắt với đường sắt.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, xóa được các lối đi tự mở sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm TNGT đường sắt. Trong 3 năm trở lại đây, TNGT đường sắt trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Thống kê trong 9 tháng năm 2018, TNGT đường sắt đã giảm 18%. Tuy nhiên, chính sự tồn tại của các lối đi tự mở là nguyên nhân chính khiến TNGT đường sắt vẫn xảy ra trong thời gian qua.

Theo ông Từ Sỹ Sùa, Đại học GTVT khẳng định, việc xóa bỏ các lối đi tự mở và đường ngang dân sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kéo giảm tình trạng TNGT đường sắt. “Đa số các đường ngang hiện nay là trái phép. Trong khi các vụ TNGT đường sắt xảy ra do đường ngang và lối đi tự mở luôn là những vụ tai nạn rất khủng khiếp. Do đó xóa bỏ đường ngang sẽ là giải pháp cốt lõi để giảm TNGT đường sắt” - Ông Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam, tình trạng đường ngang và lối đi tự mở giao cắt đường sắt tồn tại và phát sinh nhiều như hiện nay do hai nguyên nhân chính. Do quy hoạch giao thông và văn hóa tham gia giao thông của người dân. Không chỉ đường sắt mà ngay cả đường bộ, nhiều nơi đã có đường gom nhưng do nhiều người ngại đi xa, đi vòng nên vẫn cứ tìm cách xé rào, băng cắt qua đường sắt để đi cho nhanh. Trong khi, đặc trưng của các điểm giao cắt trên các tuyến đường giao thông ở Việt Nam là giao cắt đồng mức, còn nhiều nước trên thế giới, phần lớn là giao cắt khác mức. Điều đó cho phép hạn chế tối đa các lối đi tự mở và đường ngang trái phép.

Chính vì tính chất khác biệt này, khi thực hiện giải pháp xóa bỏ đường ngang giao cắt đường sắt nói riêng và Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo ATGT trên tuyến đường sắt quốc gia nói chung, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và đưa ra giải pháp mang tính tổng thể và bền vững.

Cũng theo ông Từ Sỹ Sùa, nói đến đường ngang dân sinh là nói đến cả đường sắt và đường bộ. Thế nhưng, lâu nay cứ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các đường ngang giao cắt thì chủ yếu đổ lỗi cho đường sắt. Cách thống kê, đánh giá thiệt hại, giải pháp vì thế cũng không đồng bộ, bền vững được. Giải pháp xóa đường ngang trái phép và lối đi tự mở mà ngành đường sắt đang xây dựng vì thế không thể hoàn thành trong thời gian ngắn mà cần có lộ trình lâu dài và vừa kết hợp giữa giải pháp xây dựng hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thanh kiểm tra, quản lý... mới đảm bảo thành công. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm chính quyền địa phương trong thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt. Trong đó, đánh giá TNGT đường sắt phải đưa vào nội dung báo cáo định kỳ về tình hình TNGT nói chung của địa phương đến Ủy ban ATGT Quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật