Tiễn anh - tình đầu và duy nhất

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh với tôi quen nhau trong lớp học chính trị tại Gò Lũy năm 1946. Năm đó tôi 16 tuổi, anh 19 tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi biết để ý và có cảm tình với một người con trai vì anh có dáng người cao, khỏe mạnh, tính tình vui vẻ hiền lành và tháo vát. Tôi lấy làm mến mộ anh lắm.
Tiễn anh - tình đầu và duy nhất
Ảnh minh họa

Mãn khóa học - buổi tối hôm chia tay, anh chèo xuồng đưa tôi đi chơi dọc theo sông Chà Là. Anh trao cho tôi một chiếc cà rá vàng nhận 2 hột đá trắng, anh nói rằng anh thương tôi nhiều lắm, hứa sau này độc lập sẽ cưới tôi làm vợ… Tôi ngạc nhiên và run rẫy…

Anh hỏi tôi:

- Theo em, thanh niên nên công tác chính trị hay quân sự?

- Em thấy đi bộ đội coi oai hùng hơn.

Hơn nửa năm sau tôi hay tin anh đi bộ đội. Một lần đi công tác, tôi ước mong được gặp anh mặc dù biết rằng bộ đội rày đây mai đó biết đâu mà tìm. Nhưng thật bất ngờ, như là một phép lạ: một đoàn quân đi ngang qua, tôi chăm chú dõi theo từng người một, bất ngờ một anh bộ đội tách ra khỏi đoàn quân, lao như bay về phía tôi. Còn tôi thì đứng sững tròn mắt như không tin vào mắt mình vậy. Anh mừng như muốn nghẹn thở:

- Bộ đội của anh là tiểu đoàn liên quân khu 8.

-  Sao anh không về phòng chính trị?

-  Anh muốn đi bộ đội.

Tôi giật mình thầm nghĩ: “Không lẽ vì lời nói vô tình của tôi năm ngoái?” Gần suốt đêm đó, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện… Anh cầm lấy tay tôi… Trăng tháng 8 sáng vằng vặc, tình chúng tôi trong sáng hơn trăng.

Hôm sau, anh từ giã tôi về đơn vị. Anh buồn buồn, lau nước mắt cho tôi anh dặn dò:

- Ngày mai em về, đi đường cẩn thận, lúc này Tây hay phục kích…

Anh đi... mang theo một nỗi buồn chia tay không hẹn ngày gặp lại và một niềm lo lắng cho hoàn cảnh khó khăn trong hôn nhân sắp tới. Riêng tôi, hai dòng nước mắt có dòng nào là nước mắt chia tay và dòng nào xót xa ân hận cho lời phát biểu vô tình năm trước bên dòng sông Chà Là.

Giữa năm 1948, tôi thi vào trường TH Nguyễn Văn Tố (Khu 9). Một thời gian sau, vì không chịu được nhớ thương tôi nên anh xin giải ngũ và xin đi học trường TH Nguyễn Công Mỹ.

Một lần ba tôi đến thăm, thấy anh ngoan hiền thẳng thắn… Ba tôi đồng ý cho chúng tôi thương nhau nhưng dặn rằng khi học xong hãy tính đến hôn nhân.

Cuối năm 1950 chúng tôi ra trường. Tôi công tác ở PN Nam bộ, anh về Tỉnh đội Cần Thơ. Một năm sau chúng tôi được phân công về Mỹ Tho công tác nội thành.

Trên đường đi bộ về Mỹ Tho, anh muốn chúng tôi thành hôn theo lời hứa của ba tôi. Nghèo quá nên chúng tôi không tổ chức hôn lễ được. Con đường bộ qua lộ, qua sông đầy hiểm nguy gian khổ cũng là thời gian “tuần trăng mật” của chúng tôi.

Chúng tôi cùng nhau chịu đựng nghèo đói, gian khổ, bệnh tật…cùng sự bạc đãi của gia đình bên anh.

Năm 1962 anh được lịnh của Tỉnh Ủy rút anh trở vô vùng kháng chiến.

Nhận được tin này tôi chết điếng trong lòng. Mười năm vợ chồng đổ mồ hôi nước mắt mới gầy dựng được mái ấm gia đình, con cái vẫn còn ăn đói mặc thiếu. Bây giờ anh đi, để lại một mình tôi - một phụ nữ 31 tuổi với 7 đứa con - công việc làm ăn, công việc dạy dỗ nuôi nấng con cái, những khi con bệnh con đau, những lúc bom đạn bất kỳ… Nhưng với tinh thần hy sinh cho Cách Mạng, chúng tôi phải chấp hành lịnh gọi.

Trưa hôm ấy, tôi đưa anh vào xóm trong để anh lội sông đi sâu vào trong “cứ”. Bước nhanh bên nhau mà không nói được với nhau lời nào, đầu óc trống rỗng, nước mắt cạn queo, hầu như tinh thần không còn tỉnh táo nữa. Đến xóm trong anh dừng lại bảo:

-  Em về đi. Về với con, đừng bỏ các con ở nhà chờ đợi lâu.

Cuộc chia tay hôm ấy, tôi đưa anh vào chiến trường khói lữa để làm nhiệm vụ đối với Tổ quốc, anh đưa tôi về gia đình để thay anh làm cha, làm mẹ nuôi dạy các con. Mấy ai hiểu được nỗi niềm đau đớn của chúng tôi? Anh đi rồi khi nào mới được gặp lại? Còn các con? Liệu còn có ngày anh trở về với tôi, với các con của tôi không? Mẹ con tôi phải sống thế nào một khi anh hy sinh?

Về đến nhà, trời đã sụp tối, các con tôi đứa thức đứa ngủ. Tôi buông mình xuống ghế, buồn bã, mệt mõi rã rời…

Tiễn anh đi lần này, anh không phải chỉ để lại trong tôi tình yêu đầu đời trinh nguyên… mà còn là sự thương nhớ khôn nguôi của bao nhiêu năm mặn nồng chăn gối. Nhìn các con, nhìn nhà cửa… tôi thấy một sự trống vắng vô tận, một niềm xót xa đau đớn đến quặn lòng mà không thể thổ lộ cùng ai.

Đếm ngày, đếm tháng, thời gian trôi qua. Hai năm sau anh bị địch bắt bỏ tù. Tôi chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm thăm nom anh và cậy nhờ người bảo lãnh anh về. Mẹ con tôi lại được sum họp bên anh. Ngày về anh rất vui khi thấy cac con khoẻ mạnh, học hành chăm ngoan, vườn tược cây cối xum xuê… Nhìn tôi anh âu yếm nói: “Các con mình chiu chít như đàn gà con, thương quá, có đứa nào lầm lỗi anh cũng không giận…”

Vợ chồng tái hợp, chúng tôi vừa tích cực công tác, vừa xây dựng mái ấm gia đình. Anh và tôi luôn sát cánh bên nhau, chia sẻ vui buồn, động viên nhau vượt qua cảnh nghèo đói gian nan…

Quy luật tạo hóa khắc nghiệt. Biết là gần ngày mình phải ra đi, anh dặn tôi:

- Mọi việc trong nhà em ráng lo liệu giùm anh. Em xuống vườn chuẩn bị hai chỗ để sau này mình nằm kề bên nhau…

Thế rồi, một sớm bình minh trời xanh, mây trắng, nắng vàng ươm, gió mơn man nhè nhẹ… mọi người đang náo nức chuẩn bị đón Xuân… Anh nhẹ nhàng thanh thản ra đi…

Cùng với bà con họ hàng, bạn bè thân hữu… tôi và các con tiễn anh đi trong buổi chiều xế nắng. Hai bên đường là những cánh đồng hoa, sắc màu rực rỡ tranh nhau đua nở như cùng tiễn anh về nơi vĩnh hằng.

Hai lần trước, khi chiến tranh ác liệt, tôi tiễn anh ra chiến trường, đi trong lữa đạn… nhưng tôi vẫn còn hy vọng, còn mong ngày anh trở về, và anh đã trở về như mong đợi của tôi. Lần này, tôi tiễn anh trong lúc đất nước bình an thịnh vượng, người người đón Xuân hòa bình yên vui… nhưng anh đi mãi, đi mãi… không bao giờ trở lại.

64 năm, từ tình yêu đầm thắm ban đầu của tuổi ngây thơ trong sáng cho đến tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng cao cả, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm - kỷ niệm nào cũng trong hoàn cảnh nghèo đói gian khổ, ốm đau, tù đày… nhưng tất cả những kỷ niệm trong đời đều mang ý nghĩa “đồng cảm sẻ chia, thủy chung son sắc”.

Tình yêu của hai chúng tôi - đầu tiên và duy nhất - yêu thương và kính trọng, chưa lần nào phải gọi nhau bằng bất cứ danh xưng nào ngoài hai tiếng Anh - Em ngọt ngào thân ái.

Nếu đúng như lời các nhà tu hành thường nói: “Con người có linh hồn” thì những kỷ niệm nơi trần thế này anh đi là nhất định anh mang theo.

Ở đời anh hiền lành ngay thẳng, tôi tin là hiện nay linh hồn anh đang ở trên cao, nơi muôn trùng xa cách ấy anh đang hướng về gia đình, đang chờ đợi tôi vì xưa nay anh không bao giờ muốn xa tôi.

Nếu đúng là có kiếp lai sinh, tôi xin Trời Đất thương tình cho chúng tôi tìm gặp lại nhau bằng những kỷ niệm và nợ duyên của kiếp trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật