Bàn về an ninh năng lượng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện về an ninh năng lượng làm nóng dư luận gần đây đã lắng xuống khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp Chính phủ tháng 11 đã có ý kiến yêu cầu không để xảy ra thiếu điện trong năm 2019.
Bàn về an ninh năng lượng
Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Ảnh: ST.

Song có một thực tế là nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam ngày càng cao. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không có những tính toán hợp lý và hành động kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng sẽ vô cùng nan giải thời gian tới.

Nguy cơ thiếu điện dài hạn

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương): Dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại (năng lượng sử dụng trong sinh hoạt như củi gỗ, các chất phế thải từ sản xuất nông nghiệp, rác) là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng tăng ổn định. Sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Tuy nhiên, với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước NK tịnh năng lượng từ năm 2015.

Trong câu chuyện an ninh năng lượng nói chung, đảm bảo sản xuất, cung ứng điện là điều mấu chốt, được quan tâm hơn cả. Xét trên điều kiện thực tế, áp lực thiếu điện của Việt Nam đã và đang được đặt ra ngày càng gay gắt.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vy-Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá: Từ nay đến năm 2020, Việt Nam có thể không quá lo ngại thiếu điện, song giai đoạn sau năm 2020, nguy cơ thiếu điện khá rõ ràng. Điều này bắt nguồn từ tình trạng hàng loạt công trình, dự án đang chậm tiến độ. Ví dụ, ở miền Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đang chậm. Còn tại miền Nam, một số các dự án BOT đang vướng mắc trong đàm phán…

Dự báo, trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện sẽ cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 là 10,3-11,3%/năm, giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 8-8,5%/năm.

Ông Ngô Sơn Hải-Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng gần 4,4 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, gây nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Trong giai đoạn năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Đến giai đoạn 2026 - 2030, nhìn chung cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong trường hợp tiến độ các nguồn điện đáp ứng như dự kiến.

Về nguyên nhân dẫn tới thiếu điện, báo cáo của EVN nêu rõ: Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn có thể kể đến là các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than/7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng. "Nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro như các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế...", ông Hải phân tích thêm.

Mở đường cho năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh hiện tại khi khai thác các nguồn năng lượng truyền thống đã tới hạn, muốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, đẩy mạnh nguồn cung năng lượng mới, tái tạo như điện gió, điện mặt trời là một trong những giải pháp được không ít chuyên gia đánh giá khả thi.

Thực tế, ngay từ tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích điện mặt trời, thực sự tạo ra lực đẩy, bùng nổ trong đầu tư điện mặt trời. Lý do là bởi mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 Uscent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh - giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm. Bằng chứng cho thấy, vào năm 2015, cả nước mới chỉ có 3,5 MW điện mặt trời. Tính đến đầu 2017, lượng điện mặt trời cũng còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương: Từ tháng 4/2017 đến 9/2018, có 121 dự án đã phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là trên 9,2 nghìn MW; còn 211 dự án chưa phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất là 16,8 nghìn MW. Các dự án tập trung ở miền Trung và miền Nam - nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn về điện mặt trời, với lượng bức xạ từ 4,2-4,8 kWh/m2/ngày. Như vậy, tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26,2 nghìn MW.

Xem Video: Điện năng lượng mặt trời: Vừa dùng vừa bán

//

Với điện gió, ngay đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Trong đó, điểm đáng chú ý vẫn là vấn đề về giá điện. Cụ thể, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh).

Xung quanh vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, ông Vy nhấn mạnh: "Nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời, giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện. Việt Nam cần phải có cơ chế để thực sự thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Nếu có cơ chế đặc biệt và sớm được phê duyệt, ước tính từ lúc lập dự án điện mặt trời cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong 1 năm".

Còn theo ông Hải, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, giải pháp là đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện. Với việc kiểm soát phụ tải, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam; có cơ chế của nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối, đặc biệt hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt ở khu vực miền Nam...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật