Người Canada đã “ngủ cùng một con voi” như thế nào

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi nghiên cứu với chính giới, trí thức, học giả và giao lưu với các tầng lớp nhân dân Canada, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Đức Hùng cho biết, ông đã học được nhiều điều bổ ích, đặc biệt là những bài học Canada chung sống hòa bình và cùng phát triển với nước láng giềng hùng mạnh Mỹ.
Người Canada đã “ngủ cùng một con voi” như thế nào
Canada đã thành công trong quan hệ ngoại giao với nước láng giềng “khổng lồ“. (Nguồn: Go Investment Global)

Hiểu “mình là ai”

Ông Hùng kể lại rằng, năm 2006, số phận và nhiệm vụ đã đưa ông đến đất nước Bắc Mỹ xa xôi. Đó là vào một ngày cuối tháng 7 khi Canada tràn ngập ánh nắng mùa hè với những rừng phong xanh mướt. Trong nhiệm kỳ của mình, ông có nhiều dịp bay từ thành phố Vancouver, thủ phủ của tỉnh British Colombia, thành phố lớn nhất ở bờ Tây Canada, đến Ottawa xinh xắn và yên bình. Những năm tháng sống và làm việc tại đây, ông đã học được nhiều bài học quý giá.

Nguyên Đại sứ Hùng (thứ hai từ phải sang, hàng đầu tiên) tại hội thảo về quan hệ Việt Nam - Canada sáng ngày 22/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Duy Quang)

Bài học thứ nhất là hiểu rõ vị thế của mình, ứng xử khôn ngoan trong các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương trên cơ sở lợi ích quốc gia – dân tộc là tối thượng.

Trong quan hệ giữa Canada với Mỹ, cựu Thủ tướng Canada Pierre E.Trudeau từng hóm hỉnh nói trong một chuyến thăm Mỹ năm 1969 rằng: “Sống cạnh các vị giống như ngủ cùng một con voi, dù cho con thú có thân thiện và hiền lành đến đâu đi nữa, người ta vẫn bị ảnh hưởng mỗi khi nó cựa mình, rên rỉ”.

Nhìn lại quan hệ giữa Canada và Mỹ trong hơn một thế kỷ rưỡi qua, kể từ khi nhà nước liên bang Canada bán độc lập ra đời đến nay, có thể thấy rằng, Canada đã luôn tìm kiếm các nguồn lực và tiến hành những bước đi khôn ngoan, hỗ trợ cho sức mạnh tổng hợp của đất nước, đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Canada (1977 – 1981) và Đại sứ Canada tại Mỹ (1981-1989) Allan Gotlieb đã tổng kết: “Trong thời kỳ 60 năm kể từ khi Canada được tạo lập thông qua Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh đến khi là một thành viên độc lập trong cộng đồng thế giới, Mỹ chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia của chúng ta. Với các vấn đề thương mại, đánh cá và biên giới gây rất nhiều lo ngại, nhưng Canada đã đối phó với các vấn đề đó thông qua mối quan hệ của mình”.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, chiến lược cân bằng giữa các nước lớn đã có từ lâu. Nhưng chiến lược cân bằng giữa Anh với Mỹ của Canada trong 6 thập kỷ đầu tiên của lịch sử dân tộc có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả quan trọng đối với Canada. Theo đó, Canada đã áp dụng nguyên tắc quan trọng là không nhất biên đảo (không ngả về bên nào) và không để việc cải thiện quan hệ của mình với nước này làm tổn hại quan hệ của mình với nước kia; đồng thời cũng hết sức coi trọng các cơ chế đa phương như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Allan Gotlieb đã tổng kết: “Từ chiến tranh thế giới lần thứ Hai đến nay, Canada tìm thấy ở Cộng đồng Đại Tây Dương chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa phổ biến và các thể chế quốc tế những trụ cột nâng đỡ cho hầu như toàn bộ cơ cấu chính sách đối ngoại của chúng ta”.

Thêm nữa, nguyên Thứ trưởng Allan Gotlieb khẳng định: “chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa phổ biến trong chính sách đối ngoại của chúng ta khởi nguồn tự nhiên từ nhu cầu của chúng ta giữ cân bằng giữa các lực lượng bên ngoài có ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia”.

Tạo ra lợi ích đan xen

Bài học thứ hai là xây dựng khuôn khổ quan hệ hòa bình, hợp tác, ổn định với nước láng giềng Mỹ và tạo ra lợi ích đan xen giữa hai nước.

Do các điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa đặc thù, giữa Canada với Mỹ cùng nhiều lợi ích và Mỹ luôn là một đối tác chiến lược tiềm tàng quan trọng nhất của Canada. Tuy nhiên, trong quan hệ cũng có những mặt thống nhất và mâu thuẫn như ông Allan Gotlieb đã nhận xét: “Mối quan tâm quốc gia bao trùm của chúng ta là làm sao hạn chế được quyền lực của Mỹ đối với vận mệnh quốc gia của chúng ta, trong khi tranh thủ tối đa lợi thế từ sự gần gũi nhằm phục vụ ba mục tiêu lớn xuyên suốt là quyền kiểm soát đối với lãnh thổ và tài nguyên, đoàn kết dân tộc và đường tiếp cận kinh tế chắc chắn hơn đến các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ”.

Để khai thác mặt thống nhất, đồng thời cũng để hạn chế mặt mâu thuẫn trong mối quan hệ với Mỹ, Canada đã nhất quán chính sách xây dựng và phát triển một khuôn khổ hòa bình, hợp tác và ổn định với nước láng giềng hùng mạnh ở phương Nam.

Canada kiên trì xây dựng một hệ thống lợi ích đan xen với Mỹ. Có lẽ, chính hệ thống lợi ích đan xen này là nhân tố quan trọng nhất đã giúp cho Canada thực hiện được các mục tiêu chiến lược của mình cả về an ninh và phát triển.

Hợp tác luôn là dòng chảy chính

Bài học thứ ba là hợp tác cạnh tranh luôn đan xen, song hợp tác và hiểu biết lẫn nhau luôn là dòng chảy chính trong quan hệ với Mỹ.

Canada đã kiên trì thực hiện một chính sách vừa hợp tác vừa cạnh tranh, song hợp tác láng giềng thân thiện luôn là xu hướng chủ đạo với Mỹ trong suốt lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của mình. Đó là xây dựng khuôn khổ quan hệ hòa bình, hợp tác, ổn định với Mỹ, nhưng đồng thời vận dụng luật pháp quốc tế, các thể chế khu vực và đa phương, mạng lưới quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước lớn, hỗ trợ cho vị thế và giá trị chiến lược của mình trong các mối quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với Mỹ và trên trường quốc tế.

Chiến lược này có giá trị thực tiễn quan trọng đối với tất cả các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong xử lý quan hệ với một nước lớn mạnh hơn mình.

Theo nguyên Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, những bài học trên của Canada cũng rất hữu ích cho Việt Nam tham khảo trong việc xử lý hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững độc lập, tự chủ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật