GS Hồ Tú Bảo - từ AK đến AI và chân dung nhà khoa học gốc lính

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ người lính rồi đến nhà khoa học, bằng sự khao khát tìm đến tri thức, Hồ Tú Bảo đã phấn đấu không ngừng để trở thành một trong những nhà khoa học ứng dụng hàng đầu Việt Nam.
GS Hồ Tú Bảo - từ AK đến AI và chân dung nhà khoa học gốc lính
Ảnh minh họa

Dừng chân bên suối nước reo / Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng / Bông hoa rừng thơm mát, phải đất nước cho ta / Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát…

Lời ca khúc "Bài ca trên cánh võng" của Nguyên Nhung gần 50 năm trước đã đưa chàng sinh viên Hồ Tú Bảo vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Và nay, bài hát ấy cùng nhiều ca khúc cách mạng khác vẫn được GS.TS Hồ Tú Bảo nghêu ngao trong những phút thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng.

Cầu nối khoa học Việt - Nhật

GS.TS Hồ Tú Bảo sinh năm 1952 tại Hà Nội, hiện làm việc tại viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology), đồng sáng lập Trung tâm Xuất sắc John Von Neumann (ĐH Quốc gia T.PHCM).

Năm 1971, sau khi học hết năm thứ hai khoa Toán tại ĐH Sư phạm Hà Nội, ông cùng những chàng trai Hà thành lên đường nhập ngũ.

“Mình vào lính năm 1971, đến 1972 cùng sư đoàn vào chiến trường Quảng Trị. Hồi đó, mình và nhiều thanh niên đi bộ đội hoàn toàn là một lẽ tự nhiên, đi vì sự nghiệp chống Mỹ, thống nhất đất nước. Chiến trường khốc liệt chứ không lãng mạn như bài hát đâu, ở Quảng Trị chỉ nằm hầm, chẳng mấy khi được nằm võng”, ông nhớ lại.

Đến năm 1974, Hồ Tú Bảo bị thương, được chuyển về hậu phương học tiếp. Lúc đó, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, với nhãn quan chiến lược và tầm nhìn xa, cho xây dựng khoa Toán - Lý của ĐH Bách khoa Hà Nội với định hướng khác các khoa Toán và Lý của ĐH Tổng hợp vốn gắn nhiều ứng dụng, với những hướng phát triển thời đại của KH&CN như điều khiển học, tin học, vật liệu mới…

Hồ Tú Bảo đã chọn Bách khoa để học tiếp và sự lựa chọn đó đã đem đến cho đất nước nhà khoa học ứng dụng Hồ Tú Bảo hôm nay.

Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Lý, ĐH Bách khoa Hà Nội, Hồ Tú Bảo làm việc tại viện Công nghệ Thông tin của GS Phan Đình Diệu, thuộc viện Khoa học Việt Nam (nay là viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). GS Diệu có nhiều định hướng và gợi ý cho Hồ Tú Bảo về các hướng nghiên cứu.

Đầu những năm 1980, sau khi thi đỗ nghiên cứu sinh, Hồ Tú Bảo nhận học bổng nghiên cứu ở Paris, Pháp. Sau khi học thạc sĩ về xử lý ảnh, theo gợi ý của GS Phan Đình Diệu, “nếu có thể Bảo nên chuyển qua học về trí tuệ nhân tạo vì đó là tương lai của tin học”, ông chuyển qua nghiên cứu về AI.

Ông bảo vệ xong luận án, về nước đầu năm 1987. Trong khi xây dựng nhóm nghiên cứu về hệ chuyên gia, tình cờ Hồ Tú Bảo đọc được bài báo với tiêu đề “Expert systems in Japan” của tác giả Setsuo Ohsuga.

Thấy họ làm nhiều việc giống mình nhưng ở trình độ cao hơn, ông gửi thư trao đổi kết quả, xin thêm tài liệu và nhận được một loạt bài báo từ Nhật Bản. Khi đó, ông mới biết tác giả Ohsuga là GS đầu ngành AI của Đại học Tokyo danh tiếng và là Chủ tịch Hội Trí tuệ Nhân tạo Nhật Bản.

GS Hồ Tú Bảo (trái) nhận được nhiều sự giúp đỡ từ GS Ohsuga, Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Năm 1990, nước Nhật đăng cai hội nghị đầu tiên của vùng châu Á - Thái Bình dương về AI (hội nghị PRICAI) và GS Ohsuga mời Hồ Tú Bảo vào ban chương trình. Khi bài báo của ông được nhận, ban tổ chức hỗ trợ ngay 1.000 USD để Hồ Tú Bảo có thể đến Nagoya tham dự hội nghị rất lớn này, và trình bày báo cáo, tham gia triển lãm giới thiệu hệ chuyên gia TESOR, sản phẩm của nhóm nghiên cứu.

Năm 1993, ngay sau khi thành lập, viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) muốn mời hai nhà khoa học nước ngoài tham gia dự án về AI và nhờ GS Ohsuga giới thiệu. Hồ Tú Bảo là một trong số hai người đó (cùng một giáo sư từ châu Âu).

Khi ấy, GS Setsuo Ohsuga viết thư giới thiệu: “Tôi nghĩ anh là giáo sư đầu tiên từ Việt Nam đến Nhật Bản. Hy vọng anh có thể là cây cầu nối hai đất nước”. Sau này, ngẫm lại lời giới thiệu đó, ông chỉ dám nhận cho mình vế sau. GS Bảo vui vì ông đã cố gắng kết nối cho nhiều sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại đây.

Sau 5 năm, dự án kết thúc, ông chuẩn bị về nước thì JAIST mở trường thứ ba về Khoa học Tri thức. Họ mời Hồ Tú Bảo là GS phụ trách phòng thí nghiệm về khai phá dữ liệu (Data mining).

Được sự đồng ý của cơ quan, với nhiệm vụ làm cầu nối giữa hai bên, Hồ Tú Bảo tiếp tục công việc tại JAIST, trong khi vẫn là cán bộ nghiên cứu của viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho đến gần đây.

Hồ Tú Bảo bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 1987 và luận án tiến sĩ khoa học năm 1998 tại ĐH Paris 9, Pháp, đều về ngành Trí tuệ nhân tạo, chuyên ngành Học máy.

Hết lòng với thế hệ trẻ

Từ một người lính, sau đó là sinh viên, bằng sự khao khát tìm đến tri thức và khoa học, Hồ Tú Bảo đã phấn đấu không ngừng để trở thành một trong những nhà khoa học ứng dụng hàng đầu của Việt Nam.

Từ 1993 đến nay, năm nào, GS Bảo cũng về nước vài lần để tham dự và tổ chức các hội nghị khoa học, đề tài nghiên cứu, tham gia giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ.

Sau nhiều năm làm việc tại Nhật, GS Hồ Tú Bảo về nước và dành nhiều thời gian cho thế hệ trẻ. Ảnh: NVCC.

Năm 2006, nhận lời mời của giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, ông tham gia nhóm xây dựng đề án thành lập Trung tâm Xuất sắc John Von Neumann, gồm Cao Hoàng Trụ, Dương Nguyên Vũ, Hồ Tú Bảo, và sau đó có thêm các GS Phạm Hi Đức, Đồng Thị Bích Thủy.

Trách nhiệm giám đốc JVN từ lúc thành lập đặt lên vai GS Dương Nguyên Vũ. Đến năm 2017, GS Hồ Tú Bảo được bổ nhiệm làm giám đốc JVN, tiếp tục những công việc mà đồng nghiệp Dương Nguyên Vũ để lại.

GS Hồ Tú Bảo là niềm tự hào của các học sinh chuyên Toán, minh chứng sống cho sự sáng suốt của lãnh đạo cấp cao về thành lập các lớp chuyên Toán. Chỉ riêng lứa đồng niên với Hồ Tú Bảo đã đóng góp cho đất nước những nhà khoa học, nhà giáo hàng đầu Việt Nam như Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường, Đinh Dũng, Doãn Minh Cường…

GS.TS Hồ Tú Bảo là niềm tự hào của những người lính, đã thấm nhuần triết lý “đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách”, xếp bút nghiên ra trận đầy lãng mạn và lý tưởng, như lời của thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. chiến tranh kết thúc, những người lính lại trở về với giảng đường, tiếp nối giấc mơ học vấn và tiếp tục cống hiến cho đời.

Cho quê ta hết giặc / Bao em thơ yên ngủ / Về anh ru dưới bóng dừa.

GS Hồ Tú Bảo có những suy nghĩ, kiến giải sâu sắc về khoa học và vai trò của khoa học trong cuộc sống. Ông nói công bố quốc tế không phải mục đích tối thượng của khoa học.

Khoa học suy cho đến tận cùng phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Trong trào lưu mà người người, nhà nhà nói về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông là một trong số ít những người hiểu thật, nói thật chứ không "chém gió".

Ông nói: “Chỉ một số ít quốc gia sẽ thắng và thu về tất cả”, ngắn gọn, súc tích mà đầy đủ. Nói cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng cái đột phá về công nghệ số dẫn đến sự thay đổi ở mọi mặt của xã hội, chứ không chỉ trong công nghiệp. Vì sao ta phải thắng? Làm thế nào để thắng? Không thắng thì sẽ tiếp tục làm thuê sao? Nhưng đó là việc khó, muốn thắng thì phải làm, phải xây dựng đội ngũ chứ ngồi "chém gió" thì sao tiến lên? 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật