Đối đầu Mỹ - Trung ở APEC leo thang, vượt qua căng thẳng thương mại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Màn công kích và đáp trả gay gắt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hé lộ chia rẽ sâu sắc về tư tưởng giữa hai nước Mỹ - Trung.
Đối đầu Mỹ - Trung ở APEC leo thang, vượt qua căng thẳng thương mại
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC ngày 17/11. Ảnh: Reuters.

Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ không từ bỏ việc áp thuế khi Bắc Kinh vẫn đang thực hiện “chuyển giao công nghệ mang tính ép buộc" và “đánh cắp tài sản trí tuệ”.

Tranh cãi không dứt về chiến tranh thương mại

“Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang phủ bóng lên tăng trưởng toàn cầu”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11.

“Lịch sử chứng minh rằng khi xảy ra đối đầu, dù thông qua hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, không ai là người thắng cuộc”, ông Tập nói, khẳng định “không có vấn đề nào là không thể giải quyết qua đàm phán thương lượng” với điều kiện các nước hiểu nhau.

Theo Nikkei Asian Review, phát biểu của chủ tịch Trung Quốc dường như là động thái hướng tới hòa giải trước thềm cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 11. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Mỹ đang đưa thế giới vào cuộc chiến thương mại mà không ai chiến thắng, trong khi Phó thủ tướng Mỹ Mike Pence cảnh báo lãnh đạo các nước về dự án hạ tầng của một chính quyền độc đoán. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sau đó, Phó tổng thống Mỹ Pence bước lên bục phát biểu. “Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã áp đặt hạn ngạch, tiến hành cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp trên quy mô chưa từng có”, ông Pence nói.

“Mỹ sẽ không thay đổi đường lối cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử”, ông tuyên bố.

Vấn đề tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ trở thành tâm điểm khi lãnh đạo 21 nền kinh tế trong khối APEC gặp mặt tại hội nghị ngày 18/11. Các bên tham dự dự kiến sẽ ra tuyên bố chung tăng cường tự do thương mại.

Theo dự thảo của bản tuyên bố hôm 15/11, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và “loại bỏ mọi hoạt động làm méo mó giao thương”, ví dụ như cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp chính phủ đối với công nghiệp.

Ngày 16/11, Tổng thống Trump nói với phóng viên rằng đã nhận được danh sách "dài" liệt kê 142 mục Bắc Kinh sẵn sàng làm để giải quyết xung đột thương mại theo yêu cầu cải cách của Mỹ.

Ông Trump cho biết danh sách này “vẫn chưa thể được chấp nhận” nhưng cũng lưu ý Mỹ “có thể sẽ không” áp thêm thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, ông Trump từng dọa nâng mức thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào tháng 1/2019, và đánh thuế bổ sung với số hàng trị giá 267 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của phó tổng thống Mỹ có thể là quân bài thương lượng được đưa lên bàn cược trước thềm cuộc gặp ở Argentina. Những lời bình luận của ông Pence xuất hiện vào lúc nhiều thông tin cho rằng Bắc Kinh và Washington đang đàm phán một “hiệp định ngừng bắn” trước khi lãnh đạo hai nước ngồi vào bàn hội nghị.

Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc tiến hành những hoạt động không công bằng liên quan đến thương mại và tài sản trí tuệ. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích WTO không kiểm soát được các quốc gia vi phạm điều lệ.

Đáp trả, ông Tập nhận định việc thách thức WTO sẽ làm lung lay “nền móng của hệ thống thương mại đa phương”.

Tuy nhiên, dù liên tiếp công kích Trung Quốc, ông Pence không loại trừ khả năng lãnh đạo hai nước có cuộc gặp trực tiếp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

“Mỹ mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, dựa trên sự công bằng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền. Trong lúc tổng thống chuẩn bị gặp gỡ Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20… chúng tôi tin rằng hai nước sẽ có tiến triển”, ông Pence nói.

"Vành đai, Con đường" và đối trọng

Cuộc đấu khẩu không chỉ dừng ở vấn đề thương mại. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình gạt bỏ những mối lo ngại về ý định chính trị của Trung Quốc xung quanh sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chương trình phát triển hạ tầng quy mô lớn chạm đến nhiều nơi trên thế giới.

“Nó không được thiết kế để phục vụ bất kỳ mục đích địa chính trị bí ẩn nào hết. Nó không phải cái bẫy như một số người gán mác”, ông Tập khẳng định.

Dẫu vậy, Phó tổng thốnng Pence lên tiếng cảnh báo về “những ràng buộc” trong sáng kiến của Bắc Kinh, đồng thời cho hay Mỹ “đề xuất một phương án tốt hơn”. Ông đề cập tới dự án đầu tư hạ tầng trị giá 60 tỷ USD của Washington tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không dìm đối tác của mình xuống biển nợ. Chúng tôi không cưỡng ép hay buộc các bạn thỏa hiệp độc lập quốc gia. Chúng tôi không mời chào các bạn về vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều”, ông nói.

Mâu thuẫn sâu sắc trong hướng phát triển

Sự xung khắc của Chủ tịch Trung Quốc và phó tổng thống Mỹ cũng thể hiện rõ trên tư tưởng.

“Sự thật là những chính phủ từ chối quyền của chính người dân của họ thường vi phạm cả quyền của láng giềng. Chủ nghĩa độc đoán và hiếu chiến không có chỗ trong Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Pence tuyên bố.

Phó tổng thống Mỹ tiếp tục bài phát biểu với những lời công kích mạng Internet đóng của Trung Quốc, thường được biết đến với cái tên "Tường lửa vĩ đại" hay "Vạn Lý Trường Thành trên mạng".

“Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở xứng đáng có mạng Internet tự do và rộng mở”, ông khẳng định.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence lên án chủ nghĩa độc đoán tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC hôm 17/7. Ảnh: AP.

Nikkei Asian Review nhận định "Tường lửa" của Trung Quốc đã trở thành vườn ươm tạo nên nhiều “gã khổng lồ” về công nghệ thông tin, cho phép họ thu về kho tiền đồ sộ để càn quét các thị trường khác tại châu Á.

Tuy nhiên, theo ông Tập Cận Bình, trên thế giới không tồn tại bất kỳ một mô hình duy nhất nào để phát triển. Ông kêu gọi các nước trân trọng sự khác biệt.

“Chúng ta nên loại bỏ sự kiêu ngạo và định kiến. Trong vấn đề chọn lựa hướng phát triển của đất nước và đưa ra các quyết định, không ai ở vị thế tốt hơn chính những thành viên trong quốc gia đó”, ông phát biểu.

“Sao chép sự phát triển của nước khác… sẽ phản tác dụng, và những cố gắng để áp đặt cách thức phát triển của nước này lên một nước khác cũng vậy”, chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 9635
  1. Dấu hiệu Trung Quốc bắt đầu nhượng bộ Mỹ
  2. Thủ tướng Australia ngầm chỉ trích chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
  3. Mỹ nhắc lại bẫy nợ Trung Quốc để cạnh tranh
  4. Bức màn sắt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc
  5. Mỹ - Trung Quốc sẵn sàng tháo ngòi nổ căng thẳng thương mại
  6. Trung Quốc - Mỹ tranh cãi kịch liệt về chính sách thương mại
  7. Mỹ tiếp tục thâm hụt thương mại kỷ lục với Trung Quốc
  8. Trung Quốc đang giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
  9. Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm có Chiến tranh Lạnh thương mại?
  10. Ông Donald Trump: Trung Quốc xuống nước, muốn có thỏa thuận thương mại
  11. Tổng thống Trump nhẹ giọng sau khi Trung Quốc chịu nhượng bộ
  12. Ngoài áp thuế, Mỹ có thể tung các đòn thương mại mới với Trung Quốc
  13. Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố có thể ngừng đánh thuế Trung Quốc
  14. Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc
  15. WTO: ‘Mỹ-Trung Quốc đều bị thiệt hại’
  16. ASEAN có thể buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc
  17. Trung Quốc bắt đầu nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
  18. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp kết thúc?
  19. Trung Quốc và Mỹ khôi phục đối thoại thương mại cấp cao
  20. Bắc Kinh xác nhận việc nối lại đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung
  21. Mỹ - Trung khó thỏa hiệp ở Thượng đỉnh G20
Video và Bài nổi bật