Phú Yên: Cần nhân rộng mô hình xã hội hóa công viên ở TP Tuy Hòa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xã hội hóa việc quản lý, chăm sóc các công viên không chỉ giảm được gánh nặng về tài chính, nhân lực cho địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng để phục vụ cho người dân; đồng thời cũng để doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia với chính quyền vào việc chăm lo tinh thần, thể chất cho người dân.
Phú Yên: Cần nhân rộng mô hình xã hội hóa công viên ở TP Tuy Hòa
Góc công viên Nguyễn Huệ xanh – sạch- đẹp khi được xã hội hoá

Tuy Hòa hiện có trên 10 công viên. Trong đó chỉ có một vài công viên được Phòng Quản lí Đô thị TP.Tuy Hòa thuê Cty Công trình Đô thị tưới, chăm sóc cây xanh; còn lại gần như bị “bỏ hoang”.

Công viên 26-3 có vị trí đẹp, 4 mặt giáp đường, gần biển, rất cần cho khách du lịch và người dân dạo chơi, tập thể dục, tận hưởng không gian xanh và hương vị biển. Tuy nhiên, Tuy Hòa không có đủ ngân sách và nhân lực để quản lý, chăm sóc và bảo vệ công viên nên các vị trí đắc địa này trở thành công viên “hoang”, cỏ dại mọc um tùm, các cây xanh chết khô, nơi chứa rác. kinh khủng hơn, đêm về, nơi này là “ổ” chứa các tệ nạn như m‌a tú‌y, mạ‌ּi dâ‌ּm, không ai dám đến.

Người dân chiếm dụng công viên làm nơi buôn bán

Công viên Nguyễn Huệ cũng rơi vào tình trạng này. Do không đủ chi phí để tuyển dụng, thuê công nhân để tưới, cắt tỉa và trồng cây cỏ; không vệ sinh và chăm sóc, bảo quản hạ tầng công viên cũng “xơ xác” vì cây chết, cỏ héo. Thêm đó, công viên không đủ ánh sáng vào ban đêm; quanh công viên là nơi người dân bán cà phê, quán ăn, quán nhậu, nuôi gia cầm, đổ rác, để xe… khiến công viên trở nên nhếch nhác, an ninh trật tự lộn xộn, phức tạp.

Theo UBND TP Tuy Hòa, chi phí thuê quản lý, chăm sóc cây cỏ ở công viên rất lớn: Công viên 26-3 là khoảng 468 triệu đồng/năm; Lê Trung Kiên là khoảng 144 triệu đồng/năm. Nếu tính bình quân chi phí để quản lý, chăm sóc các công viên ở TP Tuy Hòa thì vào khoảng trên 1 tỉ đồng/năm. Chi phí này UBND TP Tuy Hòa không có nguồn để chi. Mặt khác lực lượng công nhân ở Cty Công trình Đô thị TP cũng rất ít nên nếu thuê họ cũng không đủ sức để quản lý và chăm sóc tất cả.

Cần xã hội hoá!

Để người dân TP Tuy Hòa nói riêng và khách du lịch đến Phú Yên nói chung có không gian xanh thư giãn, dạo chơi, tập thể dục và thực hiện những sinh hoạt cộng đồng, Phú Yên đã thực hiện thí điểm xã hội hóa 2 công viên lớn mà người dân có nhu cầu đến là 26-3 và Nguyễn Huệ bằng hình thức đấu thầu quản lý, sử dụng và khai thác công viên.

Người nuôi gà trong công viên

Theo đó, UBND TP Tuy Hòa lập hồ sơ mời thầu công khai gói thầu quản lý, sử dụng và khai thác công viên 26-3 và Nguyễn Huệ. Và qua đấu thầu, Cty TNHH SXTM Song Huy (có trụ sở ở TP.Tuy Hòa) đã trúng thầu quản lý, sử dụng và khai thác.

Sau khi Cty TNHH SXTM Song Huy trúng thầu, UBND TP.Tuy Hòa đã có Quyết định 118/QĐ-UBND ngày 16-1-2018 về việc đặt hàng gói thầu quản lý, sử dụng và khái thác dịch vụ tại công viên 26-3 và Nguyễn Huệ cho Cty TNHH SXTM Song Huy. Sau đó, Phòng QLĐT Tuy Hòa cũng đã ký Hợp đồng số 06/HĐNT và 07/HĐNT ngày 17-4-2018 với Cty TNHH SXTM Song Huy để Cty thực hiện hai gói thầu quản lý, sử dụng và khái thác dịch vụ tại công viên 26-3 và Nguyễn Huệ trong thời gian 5 năm.

Với thế mạnh về tài chính, nhân lực, kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh, Cty TNHH SXTM Song Huy đã tiến hành cải tạo hiệu quả công viên Nguyễn Huệ như: dọn dẹp sạch rác quanh và trong; cắt bỏ các cây cỏ đã chết, cắt tỉa cây, hoa; đầu tư hệ thống ánh sáng, nền cho các lối vào và lối đi trong công viên; trồng mới cây xanh, cây cảnh, hoa, cỏ; lắp đặt các ghế ngồi cho người dân và các thiết bị tập thể dục, thiết bị vui chơi cho trẻ em; xây nhà vệ sinh miễn phí cho người dân.

Một góc công viên 26-3 sau khi được cải tạo

Cùng với đó, Cty đã yêu cầu các hộ dân trước đây kinh doanh ăn uống, để xe, nuôi gia cầm... trong khuôn viên công viên phải trả lại mặt bằng công viên cho Cty chỉnh trang mỹ quan công viên phục vụ người dân.

Theo đề nghị của người dân và để có nguồn thu nhằm đầu tư ngày càng tốt hơn cho công viên Nguyễn Huệ, Cty Song Huy đã tận dụng phía sau công viên để làm nơi phục vụ nước giải khát cho người dân khi đến dạo chơi, sinh hoạt trong công viên. Bàn ghế phục vụ giải khát cũng là để người dân ngồi nghỉ ngơi; không ảnh hưởng đến mặt bằng phục vụ nhu cầu đi dạo, sinh hoạt thể dục của người dân khi vào công viên. Điều này không vi phạm hợp đồng và cũng được UBND TP và Phòng QLĐT TP Tuy Hòa cho phép.

Sau khi được xã hội hoá, công viên Nguyễn Huệ đã thật sự “lột xác”, trở thành nơi sinh hoạt tinh thần và phục vụ cho nhu cầu thư giãn, tập luyện sức khỏe của người dân. Số người dân đến công viên ngày càng đông hơn.

Trong khi đó tại công viên 26-3, Cty Song Huy đã tiến hành việc thuê người thu dọn rác, cắt cỏ dại mọc um tùm trong công viên; cắt tỉa và trồng mới nhiều cây xanh, tưới nước và chăm sóc cây xanh, hoa cỏ còn lại trong công viên; gắn đèn chiếu sáng, xây tường rào, xây nhà vệ sinh công cộng… Bước đầu Cty đã tạo được một môi trường xanh – sạch- đẹp cho khu vực.

Đồng thời, Cty cũng đã lập đề án cải tạo, nâng cấp chất lượng công viên 26-3 như: Làm khu trưng bày và giới thiệu về danh nhân, danh lam thắng cảnh; tiềm năng kinh tế, du lịch; đặc sản Phú Yên và Duyên hải Trung Trung Bộ.

Ngoài mặt bằng rộng, thoáng dành cho người dân và du khách đi dạo, sinh hoạt trong công viên Cty sẽ cải tạo mặt bằng một số điểm trong công viên thành những Khu, Cụm thu nhỏ của thiên nhiên và các danh lam thắng cảnh như núi đồi, suối, vười hoa, nơi trưng bày, giới thiệu bon sai, cây cảnh…

Ngoài việc lắp các thiết bị thể dục miễn phí cho người lớn, thiết bị vui chơi cho trẻ em, Cty cũng đã trình UBND TP Tuy Hòa phương án xin xây dựng nhà tập thể dục thể thao đa năng, khu giải khát để phục vụ cho nhu cầu của người dân và khách du lịch khi đến.

Theo Cty Song Huy, tất cả phương án trên đều rất khả thi vì Cty có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa các hạng mục đầu tư, nâng cấp chất lượng côngviên 26-3 đều không vi phạm HĐ mà Cty ký với Phòng QLĐT Tuy Hòa và vì mục đích phục vụ người dân tốt hơn khi đến công viên.

Cần xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm công viên

Theo phản ảnh của người dân, hiện tại công viên Nguyễn Huệ vẫn có một số hộ dân chiếm dụng mặt bằng công viên để buôn bán, cho khách chạy xe máy vào và để xe trong công viên, nuôi gia cầm và xả rác. Điều này gây mất trật tự an toàn và gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường của công viên.

Chưa hết, các hộ dân gần đó thì mang rác đến bỏ trước công viên gây hôi thối, dơ bẩn mặt dù Cty đã cắm bảng cấm bỏ rác và ngăn chặn. Trước những sự việc trên, mặc dù Cty Song Huy đã nhiều lần nhắc nhở các hộ dân này nhưng tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn. Khi Cty Song Huy gắn tấm biển nhỏ cấm bỏ rác thì bị một số đối tượng tự ý tháo dỡ.

Ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Việc xã hội hóa công viên lúc đầu cũng rất khó khăn vì không ai tham gia đấu thầu. Lần 1 chỉ có 3 hồ sơ tham gia và không ai nhận thầu. Lần 2 mới có Cty Song Huy nhận thầu.

“Tuy vậy, chúng tôi vẫn yêu cầu và kiểm tra buộc DN phải có năng lực tài chính, có nhân lực và có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý công viên thì mới cho nhận thầu. Quan điểm của địa phương là tạo điều kiện thuận lợi cho DN trúng thầu tổ chức một số dịch vụ trong công viên để lấy thu bù chi và tái đầu tư cho công viên. Nhưng địa điểm kinh doanh và hoạt động kinh doanh của DN phải được sự đồng ý của chính quyền và các cơ quan có liên quan; phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên và phải hợp với cảnh quan của công viên, không gây ảnh hưởng đến người dân khi họ vào công viên”, ông Kha nhấn mạnh.

Ông Kha còn cho biết thêm, sắp tới, qua kiểm tra, rút kinh nghiệm việc đấu thầu 2 công viên này thành phố sẽ triển khai xã hội hóa các công viên trên địa bàn TP. Chủ trương này đã được đồng ý. Nếu không xã hội hóa thì với số lượng công nhân như hiện nay và sẽ giảm trong thời gian tới thì sẽ không đủ sức quản lý và chăm sóc các công viên. Mặt khác chi phí cho quản lý các công viên TP cũng không thể dáp ứng được. Khi xã hội hóa sẽ giải quyết được việc bảo vệ, nâng cấp các công viên có chất lượng hơn.

Về vấn đề các hộ dân lấn chiếm công viên để buôn bán, để xe, bỏ rác… thì chủ đầu tư có nhiệm vụ nhắc nhở họ vì đã được giao quản lý công viên. TP cũng sẽ chỉ đạo UBND phường, Phòng QLĐT kiểm tra, nhắc nhở và có hướng xử lý những người cố tình vi phạm để chấm dứt tình trạng lấn chiếm, bỏ rác trong công viên.

Muốn công viên thực sự là lá phổi của TP, là nơi người dân thụ hưởng không khí tốt, người dân đến để rèn luyện sức khỏe, thư giãn, sinh hoạt… thì chủ trương xã hội hóa công viên của TP Tuy Hòa là một mô hình tốt, cần được nhân rộng. Nhưng để nhà đầu tư làm tốt công việc quản lý, sử dụng và khai thác công viên theo HĐ đã ký thì chính quyền địa phương ở Tuy Hòa và các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho DN trong việc tạo nguồn thu (không ảnh hưởng đến chức năng và mỹ quan của công viên) để DN tái đầu tư cho công viên.

Mặt khác, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên xây dựng hoặc cho phép DN xây dựng hàng rào thấp (có lối vào) hoặc thiết kế dây ngăn khuôn viên công ciên với các nhà quanh công viên để không bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, để xe… Đồng thời cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình chiếm công viên làm nơi buôn bán gây mất trật tự; xả rác, bỏ rác gây mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường công viên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật