Nỗ lực bảo vệ quyền tác giả gặp khó

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghị định 142/2018/NĐ-CP gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Nỗ lực bảo vệ quyền tác giả gặp khó
Các nhạc sĩ Phú Quang, Doãn Nho - thành viên VCPMC, tại cuộc trao đổi với CLB cựu Đại biểu Quốc hội xung quanh những bất cập của Nghị định 142/2018/NĐ-CP

Ủng hộ VCPMC bảo vệ quyền tác giả

Tại cuộc gặp mặt của CLB Cựu Đại biểu Quốc hội với các nhạc sĩ, thành viên VCPMC mới đây, ông Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa X, XI cho rằng: Về cơ bản, các cơ quan chức năng muốn giảm bớt thủ tục trong khâu cấp phép. Vì dù trong bộ hồ sơ cấp phép không có văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, thì quyền tác giả đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ ràng và mọi người phải có nghĩa vụ thực hiện.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ VCPMC lên tiếng bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Đảng và Nhà nước đang rà soát tất cả các thủ tục, điều kiện để giảm một cách tối đa thủ tục phiền hà cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Còn các thủ tục liên quan đến đối tượng khác thì phải cân nhắc, chứ không vì lợi ích nguời này mà bỏ qua lợi ích người khác. Cần bảo vệ hài hòa lợi ích các tầng lớp trong xã hội. Và việc kiện ra tòa là điều bất đắc dĩ… Nếu chúng ta có được một quy định để đề phòng sẽ tốt hơn".

Ông Khiển cho rằng Hội nhạc sĩ nên gửi kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ về vấn đề thay đổi quy định này.

Thống nhất với quan điểm của ông Vũ Đức Khiển, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng: “Mọi việc đều phải công bằng, cần tuân tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Sân chơi của chúng ta là hội nhập, bình đẳng. Đây đã là tài sản riêng, sở hữu riêng thì có thể bán, có thể cho và thỏa thuận. Quy định Pháp Luật nào chưa phù hợp, chúng ta có quyền đề nghị điều chỉnh. Quan trong là phải minh bạch, nhằm tạo sự đồng thuận để phát triển. Nếu luật chưa thật phù hợp thì vẫn có quyền lấy ý kiến, báo cáo với Chính phủ”.

Nhấn mạnh tới khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Văn Thuận - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội, cho rằng cần xem xét vấn đề ở nhiều góc độ. Ông Thuận cho rằng: “Việc bỏ quy định này dễ gây ra tâm lý của người sử dụng tác phẩm là “vốn đã không chấp hành rồi thì tăng thêm không chấp hành”. Chính vì thế, theo ông, bên cạnh thanh tra, kiểm soát thì yêu cầu này cũng là kênh giúp Nhà nước kiểm soát. Chưa kể, nó cũng góp phần xây dựng ý thức Pháp Luật của người sử dụng âm nhạc.

78 show diễn chưa trả bản quyền

Theo thống kê sơ bộ của VCPMC năm 2017 và 2018, có 78 show diễn lớn nhỏ chưa thực hiện nghĩa vụ về bản quyền tác giả âm nhạc.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc VCPMC cho rằng: “Chính sách Pháp Luật mới có những điểm bất cập, cũng như tiên liệu trên thực tế về những hậu quả, thiệt hại mà tác giả có thể phải gánh chịu, cho thấy Nghị định 142/2018/NĐ-CP đi ngược lại những điều ước, cam kết của Việt Nam với quốc tế ở lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là Công ước Berne, Hiệp định thương mại và Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ…

Những thiệt hại có thể đo đếm được về mặt kinh tế, nhưng khó có thể đo đếm được những thiệt hại về mặt tinh thần, gây tổn thương cho người sáng tác, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến nề nếp và công tác thực thi Pháp Luật bảo hộ quyền tác giả, làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo hộ quyền tác giả cũng như những nỗ lực của VCPMC trong suốt 17 năm qua, với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước nhằm nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 36/2008 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình đầy trách nhiệm của các tổ chức quốc tế", ông Đinh Trung Cẩn nói.

Điều 24 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ tác phẩm của tác giả độc quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng vì đó là tài sản riêng, không phải tài sản của Nhà nước. Với Nghị định 142, ông Cẩn cho hay nó chỉ thực hiện được với điều kiện hiểu biết chung về bản quyền, cũng như tinh thần chấp pháp của xã hội đã được nâng cao.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thẳng thắng chỉ rõ: “Chúng ta phải đặt câu hỏi rõ ràng rằng, ai viết nhạc ra để ca sĩ lấy đi hát một đêm kiếm mấy chục nghìn USD, 300 triệu, 500 triệu, bầu show tổ chức đêm nhạc bán cả chục triệu một đôi vé. Trong khi đó, có những nhạc sĩ sáng tác ra tác phẩm mà ốm không có tiền mua thuốc.

Thực tế có những đơn vị thành lập tới 4 công ty, xin cấp phép làm 4 chương trình, làm xong chương trình nào là xóa sổ luôn công ty. VCPMC có tìm đến nơi cũng chẳng đòi được tiền", ông Cẩn nói.

Với Nghị định 142, các nhà tổ chức show ca nhạc vốn đã không muốn trả tác quyền càng dễ "lờ" hơn. Theo VCPMC, việc Nghị định 142 cho phép thu tiền như vậy tiềm ẩn nguy cơ chính người cấp phép vi phạm Pháp Luật về bản quyền. Theo điều 18, 19, 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản “do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao.

Việc trả tiền này luôn tuân thủ nguyên tắc: Phải xin phép trước mới được sử dụng. “Vì là độc quyền, nên tác giả có quyền không cho ca sĩ hát tác phẩm của mình. Các nhạc sĩ mong muốn nhà quản lý xem xét lại việc yêu cầu phải có cam kết xác nhận tài sản của chủ sở hữu nhạc sĩ khi cấp phép chương trình biểu diễn. “Phải trả lại sự sòng phẳng đúng nghĩa, không chỉ tiền bạc mà còn tình cảm. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn điều chỉnh các điều lệ cho phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Cẩn nói.

Tổng giám đốc VCPMC - Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chỉ rõ những bất cập của Nghị định 142/2018/NĐ-CP tại cuộc trao đổi với CLB cựu Đại biểu Quốc hội.

Về quy định tại điều 6 Nghị định số 142, đề nghị cần phải được xem xét để hủy bỏ. Đồng thời, đề nghị các quy định về quyền tác giả phải là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn và hồ sơ, thủ tục phê duyệt nội dung bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc, sân khấu tại Nghị định mới về biểu diễn (hiện đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định), nhằm bảo vệ và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả!

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Sau mọi cố gắng, nỗ lực của Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì chính sách Pháp Luật bất lợi đối với chủ sở hữu quyền tác giả vẫn được thông qua, có hiệu lực. Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản của VCPMC, cũng đồng thời là trách nhiệm trước các tác giả hội viên của Hội Nhạc sĩ, chúng tôi tha thiết mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách Pháp Luật phù hợp, có tính thực tiễn cao, nhằm đảm bảo thực thi Pháp Luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, cũng như có các biện pháp, hành động cụ thể, nhằm ngăn chặn thực trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay.”

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng: “Sự bất công kéo dài khi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó vấn đề về quyền tác giả đã có từ rất lâu, nhưng những nghị định thi hành đang có nhiều bất cập. Là người theo dõi tích cực và là thành viên của Hội đồng cố vấn VCPMC, tôi đề nghị cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ để làm sáng tỏ vấn đề này, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tác giả”.

Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Pham Ngọc Khôi khẳng định: "Âm nhạc Việt Nam đã tham gia “sân chơi” hội nhập, bình đẳng. Giải quyết vấn đề bản quyền, bên cạnh tuân thủ quy định của Pháp Luật, chúng ta cũng cần tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Quy định Pháp Luật nào chưa phù hợp, chúng ta có thể đề nghị điều chỉnh để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm động viên các nghệ sĩ sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung văn học nghệ thuật cũng như của đất nước”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật