Một ‘chiến thắng’ đớn đau của người mẹ vì kẻ thua chính là người con trai mình

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện đòi đất từ chính người thân giống như một bản trường ca đau đớn đối với bà Đụn. Để đến ngày, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xử bà thắng kiện, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Nam Sách, Hải Dương đã trả lại sự công bằng cho bà...
Một ‘chiến thắng’ đớn đau của người mẹ vì kẻ thua chính là người con trai mình
Bà Đụn cùng chị Lâm bên mảnh đất xưa kia từng là nhà của họ

Cuộc kiện tụng đòi đất của người bị “khai tử” khi vẫn còn sống kéo dài gần 10 năm, nhiều lần tưởng như thi hành án được đến nơi rồi nhưng vẫn không thành cho đến khi tình cờ tôi gặp bà và phản ánh câu chuyện đau lòng có một không hai ấy trên 4 bài báo từ tháng 4/2015 đến tháng 4/2018. dư luận sôi sục, phẫn nộ như những cơn sóng cả thúc bách các cơ quan Pháp Luật từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương phải vào cuộc có trách nhiệm hơn, có tình người hơn…

Trở về mái nhà xưa

Sau khi được cô con gái là Trần Thị Lâm chở ra bằng xe máy, nhẹ nhàng bế đặt xuống chiếc ghế do tôi mang ra, bà ngồi đó, lặng lẽ hướng mắt về khu đất trống không nơi từng có một mái nhà hạnh phúc năm xưa. Ngôi nhà tranh vách đất bốn gian ấy do tay bà cùng chồng tạo dựng chính là nguồn cơn của vụ kiện đòi đất kéo dài 10 năm, của chuyện chưa từng có trên đời, một người mẹ đang còn sống mà vẫn bị người thân lén lút “khai tử” trên sổ hộ khẩu khi bà đi thăm cô con gái trong miền Nam. Có quá nhiều biến cố ập đến với bà sau 10 năm đi kiện. Lúc ấy bà vẫn còn đi lại được mà giờ bị gẫy ngang hông, một chân liệt hẳn thành ra người tàn phế. Lúc ấy, bà vẫn còn đủ 7 người con với một đàn cháu chắt mà giờ người con trai thứ chết, mấy cháu chắt thì đứa mất, đứa lâm bệnh nặng.

Bà nắm lấy tay tôi mà mắt rưng rưng rằng: “Nhờ trên, nhờ các bác (Báo NNVN) mà em được trả lại đất, đội ơn lắm! Em giờ già sắp chết rồi chỉ muốn về quê cha, đất tổ, muốn thắp một nén hương lên bàn thờ cho chồng. Dạo này cứ đêm nằm nhắm mắt vậy thôi chứ em không có ngủ được mấy, ông ấy cứ về luôn trong mơ”. Là người quê mùa, chẳng mấy khi ra khỏi làng nên dù đã bước vào tuổi 89 nhưng bà vẫn giữ cái nếp cũ của những người thế kỷ trước, quen gọi khách là bác rồi nhún nhường xưng em.

Nghe tin bà đòi được đất, bà con hàng xóm kéo đến để chuyện trò. Miếng trầu bà nhai dập ở khóe môi, nước rỉ chảy ra đỏ như màu máu. Ký ức chợt từ từ quay lại khiến cho câu chuyện bao năm mà vẫn tươi mới, đớn đau.

Mấy chục năm về trước bà nên duyên vợ chồng với ông Trần Quang Thảng tại thôn Đa Đinh, xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và sinh sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại. Giữa bối cảnh chiến tranh loạn lạc, bom đạn đầy trời họ cắm mặt vào đất mà sinh nhai chỉ với đôi bàn tay trắng và những dụng cụ thô sơ như cái cày, cái cuốc, cái liềm, cái hái. 9 lần đẻ, 9 lần kề cửa mả cuối cùng bà cũng nuôi dưỡng được 7 người con.

Do con cái đông, nhà cửa chật chội nên năm 1972 ông bà làm đơn xin giãn dân, được hợp tác xã cấp cho một mảnh đất mang luôn tên mình ở ngoài rìa làng. Thủa ấy không có máy móc, chỉ có mỗi đôi tay trần họ vật đất lên thành nền rồi lại nhào đất trộn với rơm đắp vách, lợp rạ làm mái tạo nên ngôi bốn gian nhà tranh. Tuy bữa đói, bữa no nhưng mái nhà đó luôn rộn tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ cùng với sắp con thơ.

Năm 1977, ông Thảng-chồng bà chẳng may mắc bạo bệnh rồi ốm chết, để lại cho bà gánh nặng cuộc đời là đàn con lít nhít trứng gà, trứng vịt. Thương người góa phụ trẻ nên dân làng mỗi khi có nhu cầu mướn người đi cấy, đi gặt hay trồng khoai, trồng lạc cũng đều gọi bà, cốt để có thêm chút thóc, chút gạo nuôi con. Nhưng do đông con, lắm bữa bà Đụn chỉ lặng lẽ gắp vào bát mình toàn những cọng rau muống già, nhường lại cơm cho các con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Buổi ngày đông, tháng giá, nằm ở vòng ngoài cái ổ rơm mà bà vẫn cứ ôm vòng, cố ủ ấm cho đám con ở bên trong.

Dần dà lũ con cũng theo nhau khôn lớn, đứa đi thoát ly, đứa ở nhà làm ruộng phụng dưỡng mẹ già. Bà cắt miếng đất năm xưa ra làm hai, phần cho người con trai cả là Trần Quang Thẻ, phần cho mình và mấy người con còn lại. Lúc ấy mấy mẹ con vẫn sinh sống với nhau hòa thuận và đóng thuế má đất đai rất đầy đủ. Năm 2001, trên về đo lại thổ cư của làng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Chẳng hiểu sao mảnh đất của bà Đụn lại được “tình cờ” gộp chung vào mảnh đất của người con trai cả Trần Quang Thẻ rồi lại được chia cho người cháu nội con anh Thẻ.

Chuyện đó bà và mấy người con còn lại nào đâu hay biết. Đến một trận ốm nặng năm 2009 bà phải vào viện điều trị dài ngày. Trên giường bệnh chẳng hay sống chết thế nào nhưng bà vẫn luôn miệng nhắc nhở người con trai cả đóng hộ mẹ thuế đất. Lúc này anh Thẻ mới bảo rằng mẹ không có đất nữa thì sao phải đóng thuế? Rụng rời chân tay vì ngạc nhiên, bà hỏi tiếp thì được biết là đất ấy không còn đứng tên của mình nữa mà là của đứa cháu nội con trai của anh Thẻ. Nghĩ đến cảnh đứa con mình từng chăm bẵm, bú mớm, thương yêu, bà hết lòng phân tích lý lẽ, bảo người con trai cả đã được bố mẹ cho một nửa mảnh đất ra ở riêng rồi, nay nửa còn lại của bà và mấy người con thì phải trả lại. Tuy nhiên anh này vẫn kiên quyết khẳng định đất ấy giờ là của con mình, bà không có đất, không có nhà ở đó nữa nên muốn đi đâu thì đi.

Hành trình đi kiện

Cực chẳng đã, bà đành phải nhờ người viết đơn đòi lại đất. Dựa vào những chứng cứ rõ ràng, năm 2011, UBND huyện Nam Sách đã xác minh và ra kết luận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trần Quang Thùy (con trai anh Thẻ) trùm lên hết cả diện tích đất của bà Đụn mà không được sự đồng ý của bà là sai. Vì vậy huyện đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ chứng nhận quyền sử dụng đất của Trần Quang Thùy để trả lại cho bà Đụn. Thế nhưng không ngờ là gia đình người con cả không chấp nhận sự thật này, đâm đơn khiếu kiện chính mẹ đẻ của mình đi khắp nơi.

Cuốn sổ hộ khẩu ghi rõ năm 2008 bà Đụn đã bị “chết”

Vốn chỉ quen với ruộng đồng, quen với con gà, con lợn nên trước đây bà nào có biết vành móng ngựa, quan tòa nó ra sao, biết tình người đổi trắng thay đen vì bạc tiền, đất cát thế nào. Nỗi đau không chỉ dừng lại ở đó, khi bà 80 tuổi, chị Trần Thị Lâm-người con gái mới đem sổ hộ khẩu ra UBND xã làm thủ tục để mẹ lĩnh trợ cấp người già hàng tháng. Cán bộ xã hết nhìn sổ rồi lại nhìn chị, ngạc nhiên hỏi: “Bà đã chết rồi làm sao mà lĩnh trợ cấp được?”. Giật mình, chị xem lại quyển sổ hộ khẩu thì quả đúng như vậy. Có người nào đó khai bà Đụn đã chết năm 2008 và để chứng nhận cho điều đó còn có cả chữ ký, con dấu của Phó công an xã An Bình.

Tĩnh tâm, nhớ lại, chị Lâm mới khẳng định rằng từ trước đến nay mẹ mình vẫn chung sổ hộ khẩu với nhà anh con trai cả Trần Quang Thẻ. Thế rồi, xảy ra việc “khai tử” cho người vẫn đang còn sống kể trên nhưng ai là người nhẫn tâm làm việc ấy thì chị không rõ. Quyển sổ hộ khẩu gốc đó ở trang có bà Đụn về sau đã bị chữa lại một cách vụng về chữ “chết” thành ra chữ “chuyển” nhưng trước đó chị Lâm đã kịp phô tô lại để làm bằng chứng...

Câu chuyện đòi đất từ chính người thân giống như một bản trường ca đau đớn đối với bà Đụn. Để đến ngày, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xử bà thắng kiện, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Nam Sách, Hải Dương đã trả lại sự công bằng cho bà, công nhận mảnh đất rộng 339m2 là của bà. Một chiến thắng nhưng tôi tin rằng không người mẹ nào trên đời lại mong muốn vì nó quá đớn đau do kẻ thua chính là người con trai mình từng dứt ruột đẻ ra và người con dâu mà mình từng đối đãi như con đẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật