HMS Queen Elizabeth chinh phục thế giới, trừng phạt Nga vụ Skripal

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhân đọc bài “Hình ảnh lịch sử F-35B trên tàu HMS Queen Elizabet” (DVO,16/10/2018), chúng tôi xin bổ sung một số thông tin qua bài viết của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov với tiêu đề và phụ đề trên. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 2/10/2018.
HMS Queen Elizabeth chinh phục thế giới, trừng phạt Nga vụ Skripal
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (Ảnh: PA Images/TASS)

London đang rất hồ hởi phấn khởi. Vào cuối tuần qua (ngày 25/9-ND) máy bay tiêm kích- ném bom Mỹ sản xuất F-35B đã thực hiện thành công chuyến hạ cánh đầu tiên xuống tàu sân bay Queen Elizabeth mới đóng xong của Hải quân Anh, - theo kế hoạch thì tàu này sẽ sẵn sàng phục vụ Hải quân Hoàng gia ngay trong năm 2020 tới.

Đây không phải là chuyến thăm hữu nghị tàu sân bay Anh của các phi công Mỹ,- chính phi công Anh đã lái chiếc F-35B Anh mua của công ty Mỹ Lockheed Martin này để trang bị cho Hạm đội tàu sân bay Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã đánh giá đây (máy bay F-35B hạ cánh xuống tàu sân bay Queen Elizabeth lần đầu tiên) là một sự kiện mang ý nghĩa thời đại: “Chuyến hạ cánh lịch sử đầu tiên xuống tàu Queen Elizabeth- đó là một thời khắc vĩ đại trong lịch sử vinh quang của đất nước chúng ta.

Đây đồng thời cũng là một thông điệp rõ ràng về quyết tâm của Anh kiến tạo hoà bình và ngăn ngừa chiến tranh”.

Tiếp theo, ông khẳng định rằng những máy bay hải quân tốt nhất trên thế giới F-35B này có thể tiến hành các đòn tấn công vào bất kỳ điểm nào trên Trái Đất (dĩ nhiên, không loại trừ khả năng tấn công vào Nga: bởi cần phải trừng phạt Matxcova vì tội sát nhập Crimea, vì vụ đầ‌u độ‌c Litvinhenko, Skripal và nói chung là vì tất cả những gì mà người Nga đã làm).

Rất khó nói là ông ấy (Williamson) có tin vào chính những điều mình vừa nói hay không. Nhưng có điều duy nhất không thể bác bỏ trong các tuyên bố của G. Williamson - Queen Elizabeth là con tàu lớn nhất của Hải quân Anh. Từ trước đến nay các nhà máy đóng tàu Anh chưa từng đóng một tàu sân bay nào lớn như vậy.

Mặc dù, tất nhiên, “Nữ Hoàng Elizabeth” còn thua các quái vật tàu sân bay Mỹ. Lượng giãn nước của nó (tàu sân bay Anh) là 70.000 tấn, chiều dài – 284m trong khi “người Mỹ” (tàu sân bay Mỹ) - có lượng giãn nước cỡ 100.000 tấn, và chiều dài 350m.

Về kích thước thì dù sao như vậy cũng đã tạm ổn, nhưng nếu xét trang bị thì cần “phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa”. Queen Elizabeth không có các máy phóng, máy bay cất cánh theo phương pháp nhả‌y cầ‌u truyền thống.

Cụm máy bay (không đoàn) trên tàu cũng không gây ấn tượng mạnh lắm, Queen Elizabeth có thể mang được 36 máy bay tấn công. Thêm 4 máy bay nữa- đó là một máy bay AWACS (máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không-ND), máy bay vận tải và máy bay lên thẳng.

Thêm nữa- quyết định (của Anh) sử dụng máy bay cất hạ cánh thẳng đứng như F-35B cho Queen Elizabeth, - thì quả đây là một ý tưởng rất lạ lùng.

Bởi vì kiểu máy bay này có bán kính tác chiến không lớn, - vì thế mà không biết có nên tin những tuyên bố của vị Bộ trưởng quốc phòng Anh về khả năng (F-35B của Queen Elizabeth) có thể tiến hành các đòn tấn công vào bất kỳ điểm nào trên Trái Đất hay không. Trên thực tế, F-35B chỉ có thể ném bom ở các khu vực duyên hải, không bay quá sâu vào các khu vực bên trong đất liền của đối phương.

Vấn đề là ở chỗ người Mỹ trang bị kiểu máy bay này cho Quân đoàn lính thủy đánh bộ. Và để biên chế không phải cho các tàu sân bay, mà là cho các tàu đổ bộ cỡ lớn- những tàu này vì không có khoảng không gian trên mặt boong lớn nên chỉ có thể sử dụng các máy bay lên thẳng, máy bay cất hạ cánh thẳng đứng và các máy bay vận tải đổ bộ cánh quạt xoay hướng (kiểu như MV-22 Osprey).

Bởi vì nhiệm vụ chủ yếu của lính thủy đánh bộ- đó là đánh chiếm bàn đạp ở khu vực duyên hải, nên các máy bay hỗ trợ không phải bay quá xa.

F-35B

Vào đầu thập kỷ này, khi “Lockheed Martin” bắt đầu nhận đơn dặt hàng, Bộ Tư lệnh Hải quân Anh đã từng đứng trước một sự lựa chọn. Mua F-35B hay F-35C? Như đã biết, F-35C chính là biến thể trang bị cho tàu sân bay. Tuy nhiên, Hải quân Anh lại chọn biến thể F-35 B trang bị cho tàu đổ bộ cỡ lớn.

Chưa một ai trên thế giới lại có những quyết định độc đáo rất khó giải thích như vậy. Mỹ mua Mỹ mua 353 chiếc F-35B trang bị cho các tàu đổ bộ cỡ lớn, Hải quân Ý khiêm tốn hơn nên chỉ mua 15 chiếc F-35B cũng để trang bị cho các tàu trang bị cỡ lớn, và thêm 15 chiếc (F-35B) nữa trang bị cho Không quân nước này. Trong khi đó thì nước Anh mua tới 138 chiếc (cho cả hải quân và không quân).

Nguyên nhân khiến F-35B thua F-35C khi chọn máy bay trang bị cho các tàu sân bay- để cất hạ cánh thẳng đứng cần đốt nhiều nhiên liệu hơn rất nhiều so với cất hạ cánh trên mặt phẳng ngang .

Chính vì thế mà bán kính tác chiến của F-35B, như đã ghi trong hồ sơ công bố, chỉ là 860km, trong khi đó thì bán kính tác chiến của F- 35C lên đến 1.140km. Cách biệt như vậy là rất lớn. Nhưng chưa chắc các thông số kỹ thuật mà “Lockheed Martin” công bố là đúng với thực tế. Chúng ta đã từng chứng kiến trường hợp “sửa số liệu” về tốc độ tối đa của công ty Lockheed Martin”.

Còn một vài nghi ngờ rất lớn nữa liên quan đến các số liệu về tải trọng tác chiến mà Lockheed Martin công bố. Theo số liệu công bố thì cả ba biến thể –F-35A (biên chế cho các phi đội của Không quân khai thác các sân bay trên mặt đất), F-35B và F-35C- đều có tải trọng tác chiến bằng nhau- 9.100 kg.

Nhưng như đã biết, tất cả các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng đã từng và hiện đang có trong trang bị đều có tải trọng tên lửa- bom không lớn, bởi vì dù chỉ cất cánh trên đường băng ngắn, chứ chưa nói tới cất hạ cánh thẳng đứng, cũng đã tiêu hao rất nhiều nhiên liệu.

Cũng cần thêm một lượng nhiên liệu đáng kể nữa để hạ cánh thẳng đứng. Chính vì thế mà một trọng lượng tác chiến lớn dứt khoát sẽ tự động “hoạn” bớt bán kính tác chiến. Và vì thế, bán kính tác chiến của F-35B chắc chắn sẽ nhỏ hơn nhiều con số công bố là 860km.

Khi so sánh các khả năng của F-35B và F-35C, cần phải tính đến các tính năng bay của những máy bay này. Nếu như F-35A và F-35C, nói một cách nhẹ nhàng, là có các tính năng bay ở mức “tầm tầm”, thì đối với F-35B, tính năng bay còn kém hơn (F-35A và F-35C) nhiều.

Sở dĩ như vậy là vì các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng có kết cấu phần thân máy bay “thô” hơn. Như vậy có nghĩa là không thể nói về một khả năng cơ động “siêu việt” nào đó (của F-35B). Cũng cần phải tính đến việc diện tích cánh của F-35B nhỏ hơn nhiều – 42,7m2 so với 58,3m2 (của F-35A và F-25C).

Còn nếu tính tới cả sự khác biệt đáng kể về lượng nhiên liệu trên máy bay- 6.352 kg so với 9.111 kg , thì những nghi ngờ liên quan đến các thông số về bán kính tác chiến của F-35B mà Lockheed Martin công bố càng có cơ sở.

Nhưng dù thế nào chăng nữa, tàu sân bay Anh Queen Elizabeth cũng sẽ được trang bị đủ các máy bay theo biên chế. Và sẽ bắt đầu thực hiện sứ mệnh“kiến tạo hòa bình trên hành tinh”. Với một mức độ hiệu quả nào đó nhờ những máy bay mà Lockheed Martin cung cấp.

Tuy nhiên, sẽ không thoát khỏi việc sẽ có ai đó đặt thêm một vấn đề nữa- một vấn đề mà Bộ trưởng quốc phòng Anh đã cố tình lờ đi. Số là vào đầu những năm 2000, Vương quốc Anh đã chuyển cho Công ty Lockheed Martin khoản tiền 2 tỷ đôla. Nhưng đây không phải là tiền để mua các máy bay.

Đó là tiền góp vào quỹ thiết kế máy bay tiêm kích- ném bom F-35. Có thể hiểu nôm na đó là tiền mua vé vào câu lạc bộ những khách hàng “vàng” hay “kim cương” được ưu tiên mua kiểu “máy bay tầm cỡ thế kỷ” như các nhà quảng cáo Mỹ giới thiệu này.

Với số tiền “mua vé ” đó, cho đến tận thời gian gần đây London vẫn tin chắc rằng các chuyên gia của mình sẽ được tiếp cận những bí mật công nghệ cùa F- 35, chí ít thì cũng ở mức tiến hành công tác bảo dưỡng kỹ thuật máy bay. Nhưng người Anh đã bị từ chối ân huệ này.

Phía Mỹ đã tuyên bố là nếu cho chuyên gia nước ngoài tham gia các quy trình bảo dưỡng kỹ thuật (F-35), sẽ có rất nhiều bí mật của máy bay bị lộ. Chính vì thế mà tất cả các công việc cần thiết sẽ do các chuyên gia Mỹ đảm nhiệm. Hoàn toàn dễ hiểu là cách làm như vậy sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao của không đoàn F-35 trên tàu sân bay.

Nhưng, người Mỹ, như người ta thường nói, cũng biết cách cho đường vào thuốc đắng cho dễ uống. Những nhà đầu tư lớn nhất (nước Anh- là nhà đầu tư ban đầu lớn nhất) sẽ được ưu tiên nhận máy bay (F-35) trước. Những nước còn lại buộc phải chờ thêm khoảng 5-6 năm nữa . Có nghĩa người Mỹ đã tạo ra một trạng thái tâm lý cho khách hàng kiểu như tâm lý các bạn trẻ háo hức xếp hàng chờ mua các mẫu điện thoại Iphone mới ra vậy.

Tuy nhiên, hiệu quả của tàu sân bay không chỉ ở chỗ nó mang được bao nhiêu máy bay và mang được các máy bay kiểu gì. Tàu sân bay trước hết và trên hết cần phải được bảo vệ chắc chắn trước các đòn tấn công của đối phương.

Chức năng nay do các tàu hộ tống trong đội hình cụm tàu sân bay thực hiện. Những tàu này cần bảo vệ “tàu mẹ” trước các đòn tấn công từ trên không, từ trên mặt nước và từ dưới mặt nước. Nhưng trong chuyện này, Hải quân Anh cũng đang đối mặt với một số vấn để.

Theo quyết định của Ủy ban chính phủ Anh thì đến năm 2020, khi tàu sân bay Queen Elizabeth chính thức tham gia trực chiến, Hải quân Anh sẽ loại biên các tên lửa chống hạm hiện có.

Tên lửa chống hạm đã lạc hậu “Harpoon” sẽ được đưa ra khỏi trang bị, còn các tên lửa thay thế “Harpoon” sẽ chỉ xuât hiện sau 10 năm nữa. Trong các bản kế hoạch của Anh đã ghi rõ như vậy. Kể cả các tên lửa hàng không Sea Skua trang bị cho các máy bay lên thẳng tấn công cũng bị loại biên.

Đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, - sự mất cân đối giữa các phương tiện phòng không/ phòng chống tên lửa và chống ngầm. Những kiểu vũ khí này được trang bị cho các tàu khu trục Type 45 và các khinh hạm Type 23 (trong đội hình cụm tàu sân bay-ND) .

Các tàu khu trục mới (Type 45) tham gia trực chiến cách đây không lâu được trang bị các phương tiện phòng không/ phòng chống tên lửa rất hiện đại, nhưng chúng lại hoàn toàn bất lực trước các đòn tấn công của tàu ngầm đối phương. Các khinh hạm (Type 23) lại không có phương tiện gì để đối phó với các đòn tấn công từ trên không.

Và khả năng chống ngầm của chúng (các khinh hạm Type 23) cũng không phải là xuất sắc. Những khinh hạm này có hai thiết bị phóng lôi cỡ 324 ly, nhưng cự ly tiêu diệt mục tiêu của các ngư lôi cỡ nhỏ này là không thể chấp nhận được trong những điều kiện hiện tại- chỉ 8km.

Vậy là như chúng ta đã thấy, - các tàu trên không phải là một lá chắn an toàn cho các tài sân bay. Chúng tự bảo vệ được mình cũng đã là tốt rồi. Không phải ngẫu nhiên mà Chuẩn đô đốc Chris Perry đã tuyên bố là các tàu Anh “chỉ thích hợp cho các cuộc duyệt binh, chứ không phải cho các trận đánh trên biển”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật