Nâng cao vị thế hàng Việt Nam

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên kết, hỗ trợ các đặc sản địa phương, kết nối với doanh nghiệp (DN), nhà phân phối trên địa bàn thành phố; đưa những sản phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu…, là một trong những trọng tâm được TP Hồ Chí Minh triển khai trong nhiều năm qua, đã góp phần nâng cao vị thế hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao vị thế hàng Việt Nam
Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý. Tính đến giữa năm 2018, đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố với hàng nghìn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn… Tại TP Hồ Chí Minh, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa đến người người, nhà nhà. Hàng Việt chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Các DN lớn như Co.opmart, Satra,Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối của mình tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90% đến 95% trên các quầy kệ. Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam Phạm Thị Bích Ngọc, cho biết: Hiện nay, hơn 95% sản phẩm được bày bán tại Lotte Mart đều là hàng Việt. Ngoài ra, chúng tôi còn "chắp cánh" cho hàng Việt thông qua các chương trình quảng bá, cũng như xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng trong khu vực...

Thực tế cho thấy, CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường trong nước, gắn với việc cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, quảng bá sâu rộng và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của người dân thành phố. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp các địa bàn, nhất là việc đưa hàng Việt Nam về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa được triển khai sâu rộng, thông qua phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động. Ngoài ra, một số chương trình nhánh đã phát triển theo chiều sâu, kết nối DN, thúc đẩy tạo lập các mối liên kết trong sản xuất - lưu thông hàng hóa có tính chất lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay trong khâu tiếp thị sản phẩm là, DN sản xuất nào cũng muốn đưa hàng vào siêu thị, nhưng lại chưa dốc toàn lực vào khâu tiếp thị sản phẩm. Giám đốc Phòng Giao dịch nhà cung cấp của Saigon Co.op Phạm Thị Thanh Tuyền, nêu thực tế: Mỗi ngày Saigon Co.op tiếp nhận hơn 100 nhà cung cấp với hàng trăm sản phẩm, nhưng dường như lãnh đạo của DN không mấy quan tâm mà thường đưa nhân viên đến giao dịch, trong khi nhân viên lại không đủ thẩm quyền, không am hiểu về sản phẩm. Trong trường hợp này, Saigon Co.op phải gọi lại cho lãnh đạo công ty để tìm hiểu thêm sản phẩm. “Khi đưa hàng vào siêu thị, nhà sản xuất cần nghiên cứu thị trường, tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu đến đi vào sản xuất, kinh doanh, chất lượng phải luôn bảo đảm. Đồng thời, cần tìm hiểu hình ảnh bao bì, nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa, các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi phải chuẩn bị kỹ càng. Chính việc này giúp người tiêu dùng hiểu và tiếp cận sản phẩm nhanh hơn” - bà Tuyền .

Xoay quanh việc giải quyết bài toán tài chính toàn diện cho các chuỗi cung ứng, Giám đốc Quản lý tiền mặt và Tài trợ thương mại Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) Nguyễn Văn Nhật, thông tin: Hiện nay, ngân hàng đang hỗ trợ cho các DN thông qua nhiều kênh từ nhà phân phối đến nhà sản xuất. Nếu các DN sản xuất bảo đảm các yêu cầu, điều kiện và đã cung ứng cho các siêu thị, kênh phân phối thì ngân hàng có thể hỗ trợ tài chính thông qua việc vay tín chấp, với nhiều loại hình. Để tăng cường kết nối hàng Việt, Sở Công thương thành phố cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, giải pháp tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hợp tác với các sở công thương các tỉnh, thành phố; thông tin, phối hợp thực hiện Chương trình bình ổn thị trường; hỗ trợ, liên kết đầu tư, kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương… Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, : Bên cạnh những hiệu quả tích cực, DN và sản phẩm sản xuất trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ trong thương mại của nước ta chưa được hoàn thiện, chưa thật sự trở thành công cụ bảo vệ thị trường trong nước và kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, các DN cần chủ động hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt Nam trên thương trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật