Syria: Nga lên đạn, Mỹ bấn loạn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ tạm thời không thể rút quân khỏi Syria, nhưng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn Nga giành lấy thành quả thắng lợi.
Syria: Nga lên đạn, Mỹ bấn loạn
Mỹ sẽ cấp thêm F-35 cho Israel để đối đầu Nga?

Người Mỹ loạn binh pháp

Tình hình tại Syria tiếp diễn phức tạp bất chấp thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/9. Thế đối đầu trên thực tế đã được hình thành xung quanh pháo đài Idlib khi các bên đang có những toan tính cho riêng mình.

Trong khi Nga cùng lực lượng chính phủ Syria và Iran gần như nắm chắc phần thắng trong tay thì Mỹ cùng các đồng minh Anh, Pháp hay các nước Arab cũng rốt ráo chuẩn bị về mặt quân sự. Tất cả chỉ chờ đợi một hiệu lệnh tấn công khi đạn đã lên nòng.

Idlib tạm yên ắng trước bão lớn?

Dù các lực lượng trên chiến trường Syria hết sức phức tạp song nhìn tổng thể có hai “phe”, gồm các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria: Nga, Iran, Lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Iraq, các thế lực theo dòng Hồi giáo Shiite...

Phe còn lại là các quốc gia hoặc tổ chức ủng hộ các lực lượng đối lập ở Syria, bao gồm Mỹ, Pháp, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Israel, Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu (EU)…

Syria nằm ở vùng đất kết nối lục địa châu Âu và châu Á, trữ lượng dầu khí phong phú. Đối với Mỹ, việc kiểm soát Syria giúp gia tăng hơn nữa chuỗi lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Bên cạnh đó, điều này còn làm suy yếu ảnh hưởng của Nga và Iran trong khu vực.

Năm 2011, Mỹ lợi dụng các cuộc biểu tình ở Syria để vạch kế hoạch và thúc đẩy trực tiếp bùng nổ cuộc nội chiến tại Syria. Dường như Mỹ đã đánh giá sai tình hình trong bối cảnh cái gọi là “Mùa xuân Arab” lan rộng ở Trung Đông và Bắc Phi.

Khi “quả ngọt” có vẻ như sắp rơi vào tay người Mỹ thì Nga can dự mạnh mẽ vào Syria, khiến tình hình chiến trường Syria chuyển hướng không có lợi cho phe đối lập do Mỹ ủng hộ. Đến nay, do không thể “chọn mặt gửi vàng” vì các nhóm đối lập vũ trang lần lượt bị “đánh tỉa” trong các cuộc tấn công phẫu thuật, Mỹ đã cho thấy khả năng sẵn sàng trực tiếp tham chiến.

Tuy nhiên, Washington vẫn để lại một đường lùi bởi trong bài phát biểu tại bang Ohio ngày 29/3, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ có thể rút quân khỏi Syria rất nhanh chóng, cục diện hỗn loạn đó sẽ để người khác tiếp quản”.

Ông Trump cho biết Mỹ đã tiêu tốn 7.000 tỷ USD ở Trung Đông. Nếu Mỹ rút quân vào thời điểm hiện tại, tất cả những phí tổn đó đều có thể “đổ xuống sông xuống bể”, khiến Mỹ mất uy tín trước các đồng minh và suy giảm vị thế trên thế giới.

Mỹ từng tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria

Để “chữa thẹn”, truyền thông Mỹ hồi đầu tháng 9 vừa qua đã dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Tổng thống Trump trước khi tuyên bố rút quân không lâu đã phê chuẩn chiến lược mới ở Syria, thời gian mà quân đội Mỹ ở Syria sẽ được kéo dài vô thời hạn.

Ở một góc nhìn khác, giới chuyên gia nhận định tuyên bố về quyết định rút quân của ông Trump thực chất là chiêu “mặc cả”, ép buộc các đồng minh như Saudi Arabia, nếu muốn quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Syria, họ phải chi rất nhiều tiền.

Dồn tổng lực đấu Nga

Mỹ tạm thời không thể rút quân khỏi Syria, nhưng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn Nga giành lấy thành quả thắng lợi. Một khi quân đội Syria cùng với Nga và Iran dứt điểm được Idlib, Mỹ sẽ phải đứng bên lề các tiến trình sau đó liên quan tới Syria và chịu những tổn thất khó lường khác.

Những diễn biến gần đây cho thấy Mỹ đang tìm mọi cách, huy động mọi lực lượng có thể để gây rối tình hình Syria nhằm ngăn cản Nga tiến tới một kết cục như ý muốn.

Trong vụ máy bay trinh sát điện tử Il-20, Nga đã công khai các thông tin như tên lửa S-200 của Syria bắn nhầm, tốp 4 chiếc F-16 của Israel đã “núp bóng”, đồng thời đổ lỗi cho Israel. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Mỹ đứng sau thao túng vụ này.

Với các đối tác trong NATO, Mỹ đã và đang phối hợp hết sức nhịp nhàng cùng Anh và Pháp. Đáng chú ý là vai trò của Pháp, quốc gia được cho là đã tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ vài cuộc chiến tranh trong khoảng 20 năm gần đây.

Ví dụ điển hình là quyền khai thác các mỏ dầu ở Libya phần lớn đều rơi vào tay người Pháp sau khi Paris tích cực tham gia các cuộc không kích, qua đó hỗ trợ lực lượng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Pháp đang tận dụng nguồn lực từ đồng minh Pháp và ngược lại Pháp cũng hùa theo để hy vọng được tiếp tục “chia phần”.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp tại căn cứ ở UAE

Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Francois Legautal công khai cảnh báo nếu quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib, quân đội Pháp sẽ tiếp tục tấn công quân sự để trả đũa quân đội Syria. Tất nhiên, ai cũng hiểu đây là cái cớ hoàn hảo vừa để Pháp ra mặt “đạo đức”, vừa có lý xuất hiện khi cần thiết.

Riêng với Saudi Arabia, Mỹ cũng đang tìm mọi cách để huy động nguồn lực của đồng minh Arab này. Nhưng nhiều khả năng Mỹ chỉ muốn tiền của quốc gia nhiều giàu mỏ này chứ không tin vào năng lực quân sự của Riyadh. Chỉ một lực lượng Houthi ở Yemen (tất nhiên có sự hỗ trợ từ bên ngoài) cũng đang khiến Saudi Arabia lúng túng.

Do tiếp giáp với Syria, Saudi Arabia từ lâu đã muốn kiểm soát quốc gia láng giềng có thể xây dựng một đường ống dẫn dầu, trực tiếp kết nối với châu Âu, tránh phải đi qua eo biển Hormuz để tránh mặt Iran. Ngay từ thời Tổng thống Obama, Saudi Arabia đã đề xuất với Mỹ mong muốn điều quân đến tham chiến ở Syria nhưng bị Mỹ phản đối.

Trong khi Mỹ đang tìm mọi cách để “cứu vãn” vai trò của mình ở Syria thì Nga cũng không thể để cơ hội vuột khỏi tầm tay bởi quốc gia này trên thực tế là chỗ đứng chân cuối cùng của Nga ở khu vực Trung Đông-Địa Trung Hải, thậm chí là điểm tựa cuối cùng của Nga ở khu vực Âu-Á.

Một khi giành được thành quả ở Syria, Nga hoàn toàn có thể kiểm soát các tuyến đường ống dẫn dầu từ phía Bắc của Trung Đông sang châu Âu. Trong trường hợp thống nhất được cả Syria, Iraq và Iran trên một mặt trận chung, Moscow còn có khả năng dòng dầu mỏ theo đường biển tại hai đầu eo biển Hormuz ở phía Nam.

Một khi kịch bản trên trở thành hiện thực, Nga sẽ giữ vai trò chi phối đối với nguồn dầu mỏ cực kỳ quan trọng của Trung Đông. Thông qua thứ vũ khí lợi hại này, Nga hoàn toàn đủ sức mạnh để ngồi cùng bàn với Mỹ, trong khi đặt châu Âu xuống “chiếu dưới”.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 7/10 tuyên bố, các khu vực còn lại do quân nổi dậy kiểm soát tại nước này đều sẽ trở về tay chính quyền. Nhà lãnh đạo Syria cũng khẳng định thỏa thuận khu phi quân sự tại Idlib đạt được gần đây chỉ là một biện pháp tạm thời.

Phải có đủ tự tin và động lực mạnh mẽ, Tổng thống as‌sad mới đưa ra tuyên bố trên. Phải chăng quân đội Syria cùng với Nga và Iran đã “lên đạn” và chỉ chờ thời điểm để khai hỏa? Thời hạn mà các nhóm phiến quân phải rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực phi quân sự ở Idlib trước ngày 15/10 tới có thể mang một ý nghĩa nào đó!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật