Nâng cao chất lượng chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh xã hội hóa sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng tác phẩm sân khấu đang được đặt ra.
Nâng cao chất lượng chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát
Cần chuyên nghiệp hóa chức danh “chỉ đạo nghệ thuật“- ảnh minh họa Nhà hát kịch HN

Nhiều nghệ sĩ sân khấu đang đau đáu về sự thiếu vắng tác phẩm hấp dẫn, thiếu vắng khán giả.
Sự “trầm lắng” của nghệ thuật sân khấu trong nhiều năm qua vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc bởi nhiều yếu tố: thiếu kịch bản mới, hấp dẫn; thiếu diễn viên, đạo diễn tài năng... Bên cạnh đó, còn một trong các yếu tố được nhiều nghệ sĩ chỉ ra, đó là người chỉ đạo nghệ thuật.

Sân khấu đang thiếu dấu ấn

NSƯT Lê Chức , chưa bao giờ ông thấy hoạt động biểu diễn sân khấu khó khăn như hiện nay. Nhiều nhà hát đang trở thành những người “ăn xin” nhà nước vì không kéo được khán giả đến rạp hoặc không bán được vé. Thậm chí, nhiều cuộc liên hoan sân khấu cũng chỉ là đồng nghiệp ngồi xem với đồng nghiệp. Theo NSƯT Lê Chức, sân khấu của chúng ta ngày hôm nay đang hoàn toàn thiếu đi những người trẻ tài năng và đang thiếu kịch bản.

Bên cạnh đó, NSƯT Lê Chức cũng thẳng thắn chỉ ra, sự thiếu vắng những người chỉ đạo nghệ thuật có tài năng.

Theo Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Hiếu, người chỉ đạo nghệ thuật phải làm sao vạch ra đường hướng phát triển cho các loại hình nghệ thuật của thành phố, tỉnh đó trong quãng thời gian nào đấy. Người chỉ đạo nghệ thuật cấp sở của Hà Nội trong thời gian qua đáng ra phải chỉ ra đường hướng để làm sao kịch mục của các nhà hát kịch thuộc Hà Nội quản lý đa phần là những vở diễn về con người, sự việc Hà Nội. Tôi xin nhắc lại là các vở diễn về Hà Nội cần chiếm đa phần, chứ không phải toàn thể, bởi vì với với trò là thủ đô của một nước thì cũng cần những vở diễn về các địa phương, chủ đề khác. Nhưng thật đáng buồn. Các vở diễn của các nhà hát Hà Nội trong thời gian qua thì mầu sắc Hà Nội, con người Hà Thành là quá hiếm hoi. Trong các hội diễn thậm chí Liên hoan sân khấu Thủ đô cũng không khá hơn, nếu không chỉ là đôi ba vở diễn về Hà Nội đặt viết vội vàng, dàn dựng vội vàng hầu hết mang tính chất pano, khẩu hiệu ồn ào, hoành tráng một cách hình thức về lượng nhân vật, về phông cảnh, bài trí mà hầu như không làm nổi bật phẩm chất hào hoa, thanh lịch cũng như tính tình con người, sự kiện qua các thời kì thăng trầm của Hà Nội, của Thăng Long nghìn năm văn hiến.

NSND Quốc Chiêm- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận: “Vấn đề cơ bản hiện nay là sân khấu của chúng ta đang thiếu những vở diễn lớn. Nguyên nhân một phần do tình hình thực tế khó khăn, một phần do các đơn vị nghệ thuật quá mải chạy theo thị hiếu khán giả bình dân, thành phần chiếm đa số”.

Bên cạnh đó, NSND Quốc Chiêm cũng chỉ ra một thực tế: “Sân khấu của chúng ta hiện rất thiếu phong cách riêng. Chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Vậy nên chúng ta đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”.

Vấn đề nâng cao chất lượng của vai trò Chỉ đạo nghệ thuật trong sân khấu đang được đặt ra

Nâng cao chất lượng người chỉ đạo nghệ thuật

Có rất nhiều những gợi mở để tạo dấu ấn cho vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát được các nhà chuyên môn, nhà lý luận phê bình nêu ra như: Xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn kịch bản và ê kíp sáng tạo, quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần, trách nhiệm cá nhân giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát đối với chất lượng tác phẩm; Hội đồng nghệ thuật duyệt vở cũng cần thay đổi cách đánh giá bởi không phải tác phẩm nào hội đồng thấy tốt là bán được vé, là hấp dẫn khán giả; Cần có các biện pháp quảng bá tác phẩm đến công chúng; Việc lựa chọn kịch bản và dàn dựng tác phẩm hiện nay khó có thể phó mặc cho các “chỉ đạo nghệ thuật”.

Bên cạnh đó, theo NSND Thanh Trầm, để một nhà hát tồn tại và có nhiều vở diễn hay thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. Người chỉ đạo nghệ thuật trước hết phải là người giỏi về trình độ, có chủ trương định hướng, phong cách của một nhà hát và phải hiểu nghề.

Còn theo Nhà phê bình Nguyễn Hiếu, người chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát kịch về mặt lý thuyết là người định hướng, định hình cho phong cách nghệ thuật của đơn vị mình, là người tổ chức kịch mục và chỉ đạo cả phương pháp diễn xuất để tạo nên bản sắc riêng đặc trưng của nhà hát hát. Đồng thời cũng là người giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng được mục tiêu nghệ thuật tức thời và lâu dài cho nhà hát của mình. “Song thời gian qua, nếu soi chiếu với chức năng trên, và nhìn từ ngoài tôi cảm thấy vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật của không ít nhà hát kịch hiện nay dường như không có, không làm một công việc gì thực sự gắn với nghệ thuật chứ chưa nói đến chỉ đạo mà chỉ tồn tại rất hình thức với dòng chữ trên pano giới thiệu vở diễn”- Nhà phê bình Nguyễn Hiếu nhận định.

Rõ ràng, sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang cần nhiều yếu tố để có thể khởi sắc, hấp dẫn khán giả, mà bước đầu tiên, có lẽ, nên chuyên nghiệp hóa chức danh “chỉ đạo nghệ thuật”

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật